Chiều giữa tuần, bà N. (ngụ quận 5, TP.HCM) hớt hải đem mèo đến một phòng khám tại quận 10. Mèo được mang đi triệt sản tại một cơ sở gần nhà vài ngày trước, hôm sau lừ đừ và ói.
"Sáng chảy máu, cô đem lại đó chích thuốc hai lần không đỡ", bà lo lắng nói với nhân viên phòng khám.
Triệt sản, chữa bệnh xong không qua khỏi
Em mèo cưng nhanh chóng được đưa vào cấp cứu nhưng không qua khỏi. Buồn hiu, bà cho biết mèo 6 tháng tuổi, đủ thời gian triệt sản.
Đối chiếu với quy trình ở phòng khám mới, bà nhận thấy: "Mèo của tôi không được khám trước, chỉ chích kháng sinh rồi phẫu thuật. Làm xong không được chăm sóc, tiêm hậu phẫu". Bà tiếc nuối vì đã không tìm hiểu kỹ trước khi chọn mặt gửi... mèo.
Nhật Tiên, khi mang bé chó Trà Sữa đến chữa viêm da tại quận Gò Vấp, cho biết: "Nhân viên chẩn đoán bé viêm da toàn thân, yêu cầu cạo toàn bộ lông rồi dùng thuốc nhỏ gáy, chích và uống thuốc. Phòng khám báo giá cạo lông 100.000 đồng/kg, Trà Sữa nặng 8kg nên cạo hết 800.000 đồng.
Hôm ấy, tổng chi phí mình tốn hết 3 triệu và phải tiếp tục điều trị cả tháng trời nhưng cũng không khỏi".
Tiên tra thông tin phát hiện cùng loại kháng sinh nhưng phòng khám bán 35.000 đồng/viên, nơi khác tầm 10.000 đồng/viên.
Một chủ nuôi tên Ngọc T. chia sẻ từng mang mèo đến điều trị ở phòng khám tại quận 4. Sau rất nhiều xét nghiệm và phác đồ, T. thấy tình trạng mèo càng xấu đi nên chuyển nơi khác ở Tân Bình. Nơi này yêu cầu làm lại toàn bộ xét nghiệm dù T. đã có các kết quả trước đó.
"Họ chẩn đoán mèo bị viêm phúc mạc, chích một mũi giá 900.000 đồng. Sau đó, mèo bị sốc thuốc, co giật rồi mất. Đợt đó mình tốn hơn 20 triệu đồng nhưng vẫn không cứu được bé", T. nói.
Còn với N.L., do chó cưng bệnh nặng không thể ăn uống, cô liên hệ phòng khám H. (quận Tân Bình) và được báo giá khám truyền dịch tận nhà 450.000 đồng. Vừa truyền chưa bao lâu, chú chó của L. chết.
"Các bình dịch chưa dùng hết bác sĩ mang về sử dụng cho các ca bệnh khác, trong khi tiền vẫn thu đủ. Mình thắc mắc thì bác sĩ nói do phải về vội và đề nghị gửi lại... 50.000 đồng", L. buồn bã kể lại.
Lạc giữa biển giá
Thực tế tại nhiều cơ sở thú y, riêng chi phí triệt sản đã khiến nhiều người băn khoăn. Có nơi để là phòng khám quốc tế, triệt sản chó đực nhỏ 4,5 - 7 triệu đồng, riêng chó cái lớn có thể tới 12 triệu đồng.
Với các dịch vụ khám chữa khác, như tư vấn là 500.000 đồng, đo huyết áp gần 600.000 đồng, vệ sinh răng miệng từ 3,5 triệu đồng, phẫu thuật chuyên môn có thể lên đến 100 triệu đồng.
Tại một phòng khám ở Bình Thạnh, bác sĩ tên Hùng cho biết chi phí tùy cân nặng, tiêm ngừa đủ ba mũi mới triệt sản.
Cầm bảng giá, anh nói: "Mèo đực 3kg đổ lại phí 1,2 triệu đồng, cái là 1,5 triệu đồng, nặng ký hơn thì thêm 500.000 đồng. Chăm sóc hậu phẫu 150.000 đồng/ngày, con đực cần ba ngày, con cái bảy ngày".
Đó là chưa kể phí xét nghiệm, mua một số dụng cụ. Vị chi mèo đực cỡ 3kg là 2,8 triệu đồng, mèo cái hơn 3 triệu, lưu chuồng thì thêm 145.000 đồng/ngày.
Anh cho biết đây là giá trung bình, có nơi triệt sản mười mấy, hai mươi triệu đồng. Theo anh, càng bỏ tiền nhiều càng ít rủi ro. Chẳng hạn, gây mê đường thở có sốc sẽ cấp cứu nhanh, còn gây mê tĩnh mạch ít tiền thì rủi ro hơn.
Trong khi đó tại phòng khám trên đường Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh), chi phí triệt sản không tính theo cân nặng mà theo ca: mèo đực 500.000 đồng, cái 600.000 đồng. Chó thì lần lượt 1,5 triệu và 1,7 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác.
Trước khi triệt sản sẽ xét nghiệm, tiêm ngừa với giá vài trăm cho đến tiền triệu. Chi phí gây mê đường thở của cơ sở đường Vạn Kiếp từ 1,5 triệu đồng. Một số nơi khác thì sẽ cộng thêm 500.000 đồng.
Còn tại một phòng khám ở quận 10, giá triệt sản lại tách riêng giá thuốc dùng trong phẫu thuật, tiền xét nghiệm 600.000 đồng, phí triệt sản 300.000 đồng... Thuốc tiêm hậu phẫu tùy khách muốn loại cao thấp. Truyền dịch, truyền thuốc bổ khoảng 850.000 đồng.
Khi được hỏi bảng giá cụ thể, nhân viên gấp sổ và nói khách không được chụp lại.
Bóc phốt, seeding quảng cáo loạn xì ngầu
Chúng tôi thử tham gia các hội nhóm nhờ tư vấn "bé yêu". Sau vài câu "chị ơi chị à", chúng tôi nhận được lủ khủ lời khuyên. Mỗi người tư vấn một kiểu hoặc mời gọi khám chữa ở cơ sở nào đó.
Liên hệ tài khoản K.N. hỏi thêm chất lượng phòng khám mà người này khen nức nở, cô thấy đường dẫn và hối thúc mau đưa thú cưng đến khám. Lướt trong nhóm, cái tên K.N. nhiệt tình bình luận dạo. Bài trao đổi chăm sóc, chữa trị thú cưng thì ít, còn seeding - bình luận tạo niềm tin rồi quảng cáo - thì nhiều.
Ở nhóm khác với khá nhiều bài đánh giá, khi có thành viên sắp đem thú cưng triệt sản, một số nick ảo nhảy vào khuyên không nên tin lời người trong nhóm, quan trọng là... niềm tin với các cơ sở thú y. Trong khi các hội nhóm lập ra phần nào để "né" những nơi không uy tín.
Trên một nhóm trao đổi kinh nghiệm chăm sóc mèo, thành viên T. hỏi: "Thiến mèo đực hơn 3 triệu bao gồm xét nghiệm máu và hậu phẫu luôn là có đắt không cả nhà. Phòng khám thiến 1,7 triệu đồng, xét nghiệm 750.000 đồng, hậu phẫu 185.000 đồng/lần...".
Nhiều bình luận cho thấy phí triệt sản mèo đực chênh nhau đáng kể, từ 100.000 đồng đến vài triệu đồng. Một số bình luận cảm thán: "Tôi ở nước ngoài mà thiến còn không mắc vậy", "Mình làm chỗ kia 3,3 triệu, làm xong mới biết bị chém đẹp".
Bác sĩ tên Hùng cho biết dịch vụ thú cưng chia hai phân khúc cho người có tiền và bình dân. Tâm lý khách hàng thường nghĩ dịch vụ giá cao là tốt. Vị này nói có những loại thuốc nơi chích 80.000 đồng, nơi 450.000 đồng, nhưng giá nhập chừng 20.000 - 30.000 đồng.
"Làm nghề phải có tâm. Có nơi phải đặt lịch, đến nơi vào nói chuyện với bác sĩ là đã mất phí. Nhưng cũng có nơi tư vấn tận tình cho khách biết chăm sóc thú cưng cho tốt thì sẽ hạn chế bệnh", anh chia sẻ.
Cam kết không thưa kiện
Hầu hết các cơ sở đều yêu cầu khách ký cam kết chấp nhận rủi ro trước khi phẫu thuật thú cưng, không gây khó dễ hoặc thưa kiện về sau. Một số bệnh phổ biến như viêm da, giảm bạch cầu, chi phí cũng khác nhau giữa các nơi.
Riêng chi phí chữa giảm bạch cầu, cơ sở tại Bình Thạnh giá 5 triệu đồng, trong khi cơ sở khác lại thấp hơn đáng kể. Có nơi tiền cạo hết lông nếu viêm da nặng 300.000 đồng, có nơi gấp đôi...
Chăm sóc kỹ để phòng ngừa bệnh
TS Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan, trưởng khoa thú y - chăn nuôi Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), chia sẻ rằng để chăm sóc thú cưng khỏe mạnh, người nuôi nên tìm hiểu, tham khảo cách chăm sóc từ một số kênh thông tin, một số loại sách...
Tuy nhiên, phòng bệnh dễ hơn chữa bệnh. Người nuôi nên đưa thú cưng đi tiêm ngừa, tẩy giun, ngừa ve và các bệnh. Chủ nuôi nên tìm hiểu, nghe tư vấn loại vắc xin nào phù hợp.
Những chăm sóc cơ bản cho thú cưng mà chủ nuôi có thể thực hiện tại nhà như tắm gội, chọn thức ăn, nhỏ mắt mũi, vệ sinh tai... đúng cách.
Khi đưa đi dạo, chủ nuôi nên lưu ý nguy cơ thú cưng mắc bệnh truyền nhiễm vi rút từ chất thải vật nuôi khác để lại. Hoặc có những thói quen như cho thú cưng ăn uống buổi sáng, tối chủ mới về cho đi tiểu, lâu ngày những độc tố, cặn sỏi sẽ tích tụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận