10/10/2014 09:31 GMT+7

​Chữa “bệnh ghiền con dấu”

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Công ty Honda VN vừa đề nghị được cấp thêm một con dấu nữa, thay vì chỉ có hai con dấu như hiện nay.

Lý do, theo công ty là mỗi năm công ty phải đóng dấu cho khoảng 2 triệu chiếc xe nên cần phải có nhiều con dấu hơn.

Đó chỉ là một trong rất nhiều khó khăn, nhiêu khê trong chuyện con dấu ở VN được nêu tại hội thảo xem xét bãi bỏ con dấu được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tổ chức ngày 9-10.

Lừa đảo tăng vì con dấu...

Thật đáng buồn khi màn chào đời, giao dịch đầu tiên của doanh nghiệp luôn phải là gặp công an. Doanh nghiệp được sinh ra, dù đã có giấy khai sinh hợp pháp, nhưng vẫn bị coi như chưa được sinh ra, nếu chưa được công an cho phép khắc và sử dụng mẫu con dấu

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC

Ông Vũ Xuân Tiền, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM, nêu hàng loạt vụ việc dở khóc dở cười liên quan đến con dấu.

Theo ông Tiền, chính vì VN quá coi trọng con dấu nên Huỳnh Thị Huyền Như đã làm giả tám con dấu và chiếm đoạt được tới 4.000 tỉ đồng.

Rồi hàng loạt vụ chiếm giữ con dấu để tranh giành quyền lực đã xảy ra như ở Công ty CP Hữu Nghị, Hà Nội, Công ty CP Xây dựng giao thông I (Hà Nội), Đại học Hùng Vương (TP.HCM), Công ty Kim khí Hải Phòng...

Thậm chí ở doanh nghiệp có mâu thuẫn, chỉ chiếm giữ con dấu có thể khiến doanh nghiệp bị tê liệt...

Chưa hết, ông Tiền nêu còn có những “vô lý” trong vấn đề con dấu, như quy định hiện nay chỉ cần thay đổi địa điểm ra ngoài quận, huyện đăng ký, doanh nghiệp sẽ phải đăng ký khắc lại dấu, gây tốn kém cả cho doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

“Vô lý hơn nữa, dù là tài sản của doanh nghiệp nhưng nếu mất con dấu, doanh nghiệp sẽ bị phạt rất nặng”.

Nêu kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới về thời gian làm con dấu ở VN trung bình hết khoảng sáu ngày, ông Vũ Xuân Tiền cho rằng chi phí riêng ở TP.HCM, mỗi năm các doanh nghiệp (hoặc đơn vị trực thuộc doanh nghiệp) phải bỏ ra khoảng 40.000 ngày để làm con dấu.

Tính chung cả nước mỗi năm sẽ mất 80.000-120.000 ngày để xin cấp và khắc dấu!

Ông Trương Thanh Đức, chủ tịch Công ty luật Basico, lại cho rằng doanh nghiệp sẽ “đứng giữa hai làn đạn” nếu có tình huống con dấu thật nhưng chữ ký giả hoặc ngược lại.

Do phụ thuộc, trao cho con dấu quá nhiều quyền, nên khi thấy con dấu người dân dễ chấp nhận khiến xảy ra nhiều vụ lừa đảo.

Cũng theo ông Đức, những vụ việc như phải cưỡng chế giao con dấu ở Công ty Đay Sài Gòn, buộc tổng giám đốc giao con dấu ở Bông Bạch Tuyết, hay Thủ tướng phải vào cuộc cho Đại học Hùng Vương có con dấu thứ hai... đã cho thấy có sai lầm trong xác định vai trò con dấu.

Dù coi trọng con dấu, cho nó giá trị không có thật như báu vật, linh hồn doanh nghiệp... nhưng theo ông Đức, thực tế lại gần như không có cơ chế xử lý được hành vi chiếm giữ con dấu.

“Công an cho rằng đó là quan hệ dân sự, tòa án thì không thụ lý tranh chấp. Thế là doanh nghiệp bế tắc” - ông Đức nói.

Nên cho đăng ký con dấu...

TS Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nêu bản thân ông dù tham gia sửa Luật doanh nghiệp lần này ban đầu cũng không tin sẽ bỏ được quy định về con dấu.

Tuy nhiên, trong cuộc làm việc giữa Thủ tướng với Bộ Kế hoạch - đầu tư, ông đã mạnh dạn đưa bất cập về con dấu ra, rất may Thủ tướng đã có ngay chỉ đạo nghiên cứu bỏ vì “Văn bản tổng thống, thủ tướng các nước gửi cho tôi cũng không có dấu”.

Ông Cung nêu một khảo sát nhanh cho thấy đã có 80% doanh nghiệp đồng ý nên bỏ hoặc chỉ đăng ký con dấu, thay vì phải đợi công an khắc như hiện nay.

Ông Jean-Michel Lobet (nhóm Ngân hàng Thế giới) cũng cho rằng dù phải mất tới sáu ngày để khắc con dấu khi thành lập doanh nghiệp, nhưng thực tế cho thấy con dấu lại không đem lại sự bảo đảm thêm do nó bị làm giả dễ dàng.

Ông Jean-Michel Lobet khẳng định công nghệ đã khiến con dấu trở nên lỗi thời và ở mức độ nhất định là một cản trở.

Nêu những cá nhân cũng có thể ký hợp đồng giao dịch lên đến trăm tỉ, cả trong và ngoài nước, cá nhân cũng ký đơn gửi các cơ quan nhà nước mà đâu cần khắc dấu, ông Trương Thanh Đức đề nghị bỏ hẳn việc bắt buộc phải có con dấu. Con dấu nếu có cũng có giá trị nhận biết, phụ thêm, giống logo mà thôi...

Luật gia Cao Bá Khoát cho rằng ở VN đang có “bệnh nghiện dấu”, dùng nhiều nên thành quen, giờ muốn bỏ khó không khác gì bỏ ma túy, trong khi con dấu là thứ dễ bị làm giả nhất, xét trong các loại chứng thực như chữ ký, dấu vân tay...

Thực tế, ông Khoát nêu con dấu cũng khiến công an tự nhiên đến kiểm tra xem con dấu có nhòe, mòn không. Rồi thường cứ năm năm là phải thay con dấu...

“Ngoài chi phí thì còn có phiền hà” - ông Khoát nói. Vì vậy, ông đề nghị dự thảo Luật doanh nghiệp trình Quốc hội lần này cần sửa theo hướng không bắt buộc doanh nghiệp phải có con dấu, nếu muốn họ chỉ cần đăng ký con dấu của mình với cơ quan chức năng như thông lệ các nước, thay vì phải để công an khắc dấu như hiện nay.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên