17/09/2010 08:48 GMT+7

Chưa ai chịu trách nhiệm

N.ẨN
N.ẨN

TT - Đã hơn tám năm qua kể từ khi đưa vào sử dụng, đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.1 - Q.Bình Thạnh, TP.HCM) ngày càng xuống cấp và hư hỏng nặng. Thế nhưng đến nay dự án này vẫn chưa gút được thời gian sửa chữa.

SsdOjMgz.jpgPhóng to
Vết nứt trên mặt đường cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM (ảnh chụp chiều 16-9) - Ảnh: Minh Đức

Cho đến nay đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn là tuyến đường huyết mạch để các xe tải chở hàng hóa lưu thông vào các cảng biển ở nội thành TP.HCM.

Lún toàn bộ

Đi trên đường Nguyễn Hữu Cảnh từ hướng Q.1 về Q.Bình Thạnh, mọi người đều nhìn thấy rõ mặt đường bị lún nên để lại những vũng nước dài vài chục mét, nhất là đoạn từ cầu Văn Thánh hướng về cầu Sài Gòn. Còn khi gặp trời mưa và sông Sài Gòn có triều cường thì đường Nguyễn Hữu Cảnh trở thành “biển nước” mênh mông, có chỗ ngập sâu 40-50 cm.

Hiện nay đường dẫn vào cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh đang lún, trong đó mặt đường dẫn hướng từ cầu Văn Thánh về cầu Sài Gòn bị lún và bong tróc mặt đường. Còn ở bờ tường che hai bên hông cầu bị nứt vỡ từng mảng bêtông và có chỗ sụp đổ cả một mảng tường rộng 1m, dài 2m.

Theo báo cáo mới đây của Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 TP.HCM (gọi tắt KQL 1), qua khảo sát hiện trạng, toàn bộ đường Nguyễn Hữu Cảnh đều bị lún.

Trong đó, đoạn 1 từ đường Tôn Đức Thắng đến ngã ba đường Nguyễn Bỉnh Khiêm độ lún lớn nhất là 2 tấc và đoạn từ ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm đến cầu Văn Thánh 2 độ lún lớn nhất là 8 tấc. Đoạn 2 từ cầu Thủ Thiêm đến đường dẫn vào cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh độ lún lớn nhất là 1,2m và đoạn 3 thuộc nút giao thông đầu cầu Sài Gòn (đoạn cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh) có độ lún lớn nhất là 1,1m.

Không chỉ đường bị lún mà hệ thống cống thoát nước hai bên đường cũng lún và hư hỏng nặng.

Theo KQL 1, hệ thống cống thoát nước đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn từ Tôn Đức Thắng đến ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm có đoạn bị lún đến 2 tấc. Đoạn từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đến cầu Thị Nghè có đoạn lún 8 tấc. Nặng nhất là đoạn từ Công ty Toyota Tân Cảng đến giáp ranh cầu Thủ Thiêm, hệ thống cống thoát nước có nơi lún đến 1,3m.

Do lún đường nên một số đoạn cống hở mối nối, cao độ hố ga thu nước bị lún nên đất cát bồi lắng, lòng cống không bảo đảm thoát nước.

G62AGiTE.jpgPhóng to
Những vũng nước lớn đọng lại sau mưa trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (ảnh chụp sáng 16-9)- Ảnh: Minh Đức

Chậm sửa chữa

Đầu năm 2002, ngay sau khi đưa vào sử dụng đường Nguyễn Hữu Cảnh đã có nhiều hư hỏng như hầm chui Văn Thánh bị lún, cầu Văn Thánh 2 bị lủng lỗ, tường chắn cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bị nứt, mặt đường xuất hiện nhiều ổ gà và hố sụt đất có đường kính rộng đến 1m, sâu 1m.

Trước tình hình trên, TP đã thuê Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) lập báo cáo phân tích và đánh giá nguyên nhân hư hỏng của con đường này.

Sau gần một năm rưỡi thẩm định, cuối tháng 12-2004 Viện Khoa học công nghệ xây dựng đã kết luận các nguyên nhân gây hư hỏng công trình và khẳng định toàn tuyến đường được thi công với cao độ mặt đường thấp hơn cao độ thiết kế và toàn tuyến đường bị lún do nền đất yếu.

Chưa ai bị xử lý

Bốn đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng đường Nguyễn Hữu Cảnh gồm Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (đơn vị tư vấn thiết kế), Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam (đơn vị tư vấn giám sát), Công ty Thanh niên xung phong (chủ đầu tư dự án) và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (nhà thầu thi công) vẫn chưa bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Các chuyên gia trong ngành cầu đường cho rằng các cơ quan thẩm quyền đã để “lọt tội” đơn vị thứ năm là Cục Giám định và quản lý chất lượng công trình giao thông (cơ quan tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải thẩm định thiết kế kỹ thuật toàn bộ dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh), vì các hạng mục được thi công trên tuyến đường này theo thiết kế đều có sự cố nghiêm trọng gây nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội cho TP.HCM.

Viện Khoa học công nghệ xây dựng khẳng định trách nhiệm cụ thể của các bên tham gia dự án là Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam và Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam. Còn chủ đầu tư dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh là Công ty Thanh niên xung phong TP.HCM và nhà thầu thi công là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 thì sai sót rõ ràng trong quy trình xây dựng và quản lý chất lượng xây dựng...

Đồng thời, cơ quan thẩm định đề xuất cần nhanh chóng cứu chữa hư hỏng của con đường. Thế nhưng việc triển khai sửa chữa tuyến đường đầy tai tiếng này đã kéo dài 5-6 năm vẫn chưa xong.

“Bao giờ cho đến tháng 10”

Đến nay TP.HCM đã tạm ứng vốn cho nhiều hạng mục sửa chữa trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Đầu năm 2006, TP đã tạm ứng 10 tỉ đồng để Công ty Thanh niên xung phong thanh toán đợt 2 cho Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 và hỗ trợ sửa chữa sự cố tại cầu Văn Thánh 2.

Một tháng sau khi sửa chữa, tháng 3-2006 chiếc cầu này lại tiếp tục xuất hiện lỗ thủng và có nguy cơ sập.

Tháng 11-2007, TP tiếp tục tạm ứng 141 tỉ đồng sửa chữa cầu Văn Thánh 2, còn hạng mục đường và cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh chưa được bàn đến.

Ông Lê Quyết Thắng - giám đốc KQL 1 - cho biết theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, trong năm 2010 KQL 1 khởi công sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh và công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2011.

Kinh phí đầu tư hơn 200 tỉ đồng để sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh lần này, theo KQL 1, được tạm ứng từ ngân sách TP.

Việc này khiến các đại biểu HĐND TP.HCM không đồng tình và họ đề nghị các đơn vị tham gia xây dựng đường Nguyễn Hữu Cảnh phải bồi thường.

N.ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên