15/04/2015 20:00 GMT+7

Chủ tọa phiên tòa vụ dùng nhục hình: không ai chỉ đạo gì cả

DUY THANH ghi
DUY THANH ghi

TTO - Chiều 15-4, sau khi kết thúc phiên tòa xử vụ “dùng nhục hình” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công an TP Tuy Hòa, TAND tỉnh Phú Yên đã tổ chức họp báo.

Chủ trì cuộc họp báo sau phiên tòa xét xử vụ các công an dùng nhục hình - Ảnh: Duy Thanh
Ông Nguyễn Phi Đô (giữa), phó chánh án TAND tỉnh Phú Yên, chủ tọa phiên tòa xét xử vụ các công an dùng nhục hình, chủ trì cuộc họp báo sau phiên tòa - Ảnh: Duy Thanh

Chủ trì họp báo có ông Nguyễn Phi Đô, phó chánh án TAND tỉnh Phú Yên, chủ tọa phiên tòa; ông Phạm Duy Tân, kiểm sát viên đại diện Viện KSND tỉnh Phú Yên thực hành quyền công tố tại tòa và ông Huỳnh Như Ngân, phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Phú Yên.

Phóng viên TTO lược ghi nội dung cuộc họp báo này.

* Bị cáo Lê Đức Hoàn là người trực tiếp chỉ đạo chuyên án 312T, là người phân công cho cấp dưới là các bị cáo còn lại “mời”, xét hỏi, so sánh lời khai đối với nạn nhân Ngô Thanh Kiều. Viện KSND tối cao trong cáo trạng cũng kết luận ông Hoàn là người thiếu trách nhiệm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vậy căn cứ vào đâu HĐXX tuyên ông Hoàn 9 tháng tù cho hưởng án treo? Mức án đó có quá nhẹ so với hậu quả mà ông này gây ra không?

- Ông Nguyễn Phi Đô: Xử Lê Đức Hoàn 9 tháng tù có quá nhẹ so với hành vi hay không đã được nhận định rất rõ trong bản án rồi. Luật quy định khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ tại Điều 46 của Bộ luật hình sự thì có thể áp dụng Điều 47 để xử ở khung nhẹ hơn liền kề. Còn án treo thì qui định của luật không thể nói là nhẹ hay nặng, mà xét bị cáo nhân thân tốt, không có khả năng gây tội phạm mới, không nhất thiết phải cách ly ra khỏi xã hội thì cho hưởng án treo.

* Tại phiên tòa bị cáo Hoàn khẳng định là không chỉ đạo cấp dưới bắt Kiều, như vậy có thể hiểu là chưa cần thiết, chưa đến mức bắt Kiều. Các nhân chứng trực tiếp bắt Kiều cũng thừa nhận bắt người không lệnh là sai. Vì sao HĐXX không trả hồ sơ để làm rõ tội danh này?

- Ông Nguyễn Phi Đô: Tôi nhận định kỹ rồi trong bản án nên không giải thích thêm.

(Theo bản án: “Xét thấy, đối với các ông Nguyễn Văn Lai (công an huyện Tây Hòa), Đỗ Công Phi (công an TP Tuy Hòa) cùng một số cán bộ công an có hành vi còng tay Ngô Thanh Kiều tại nhà riêng, dẫn giải về trụ sở công an trong khi không có lệnh bắt giữ là có dấu hiệu của tội “bắt giữ người trái pháp luật”.

Tuy nhiên, tại thời điểm này đã có căn cứ xác định Kiều là đồng phạm trong vụ trộm cắp tài sản cùng Trần Minh Cường, Ngô Thanh Sơn; Kiều là người có tiền án tiền sự; có biểu hiện bỏ trốn sau khi vụ án được phát hiện, truy đuổi; việc còng tay nhằm chống xảy ra trường hợp đối tượng manh động, bỏ trốn, nên cơ quan điều tra Viện KSND tối cao kết luận việc bắt giữ là có căn cứ và cần thiết, chỉ vi phạm về hình thức, thủ tục tố tụng và đã kiến nghị giám đốc Công an tỉnh Phú Yên xử lý kỷ luật là có căn cứ nên tòa không xét”).

* Chủ tọa phiên tòa thấy HĐXX vụ án này đã làm hết trách nhiệm chưa?

- Ông Nguyễn Phi Đô: Rõ ràng chúng tôi đã được phân công thì cố gắng làm hết trách nhiệm. Bản án đã tuyên.

* Nếu có dư luận cho rằng bản án hôm nay là “án bỏ túi”, thì ông nghĩ như thế nào? Có hay không việc các cơ quan chức năng họp và thống nhất trước mức án vụ án này?

- Ông Nguyễn Phi Đô: Mỗi việc khi làm bao giờ cũng dự kiến, chuẩn bị trước tất cả phương án, nên có thể soạn trước một bản án, rồi quá trình xét xử tại tòa có chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp, là được phép làm, chứ không gọi là “án bỏ túi” được.

Ở đây, HĐXX độc lập, tuân theo pháp luật, không ai chỉ đạo gì cả.

Các ngành có họp bàn nhưng là để thống nhất những vấn đề khác, ví dụ luật sư nêu ý kiến thế này thì hồ sơ có đủ chưa, có cần bổ sung gì không, chứ không phải bàn liên quan đến mức án.

* Đánh giá của ông về sự khác nhau của bản án sơ thẩm lần này với bản án sơ thẩm lần một mà TAND TP Tuy Hòa đã xét xử?

- Ông Nguyễn Phi Đô: Bản án sơ thẩm lần 1 đã bị hủy để trả hồ sơ điều tra bổ sung, không còn hiệu lực pháp luật. Còn bản án sơ thẩm lần hai phải đánh giá, xem xét lại từ đầu vụ án, nên không thể so sánh được.

* Vụ án này Viện KSND tối cao điều tra, truy tố và ủy quyền cho Viện KSND tỉnh Phú Yên cử người thực hành quyền công tố tại tòa. Xin hỏi vị kiểm sát viên, có phải vì lý do này mà khi xét xử, công tố viên chỉ tuân theo những gì đã kết luận của Viện KSND tối cao mà không thể kiến nghị khác?

- KSV Phạm Duy Tân: Chúng tôi được Viện KSND tối cao ủy quyền thì thẩm vấn, tranh tụng, trình bày quan điểm độc lập, tuân theo pháp luật, chứ không phải chỉ tuân theo ủy quyền. Còn nếu có vấn đề khác tại tòa thì tôi báo cáo cấp trên. Viện KS chỉ tuân theo pháp luật và thực hiện theo diễn biến xét xử tại tòa.

DUY THANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên