03/10/2013 03:53 GMT+7

Chủ tịch Tập Cận Bình công du Đông Nam Á

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Ngày 2-10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Indonesia trong chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 3.

PJTadZkc.jpgPhóng to
Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Yudhoyono trong cuộc họp báo chung ở Jakarta ngày 2-10 - Ảnh: Reuters

Chiều qua, ông Tập Cận Bình đã đến Jakarta và hội đàm với Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono. Theo Tân Hoa xã, ông Tập Cận Bình và ông Yudhoyono đã đạt thỏa thuận nâng quan hệ song phương Trung Quốc - Indonesia lên mức đối tác chiến lược toàn diện. Thương mại là điểm nhấn lớn nhất của chuyến thăm.

Sau cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực như phát triển hạ tầng, công nghệ và du lịch. Dự kiến đôi bên cũng sẽ ký các hợp đồng thương mại với tổng trị giá khoảng 32 tỉ USD. Trong đó, Trung Quốc và Indonesia ký kết tới bảy dự án khai thác khoáng sản trị giá gần 12 tỉ USD. Các thỏa thuận này sẽ giúp Indonesia phát triển ngành công nghiệp khai thác và xử lý khoáng sản nội địa, đáp ứng cơn khát nguyên liệu của nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ xây dựng một hệ thống đường tàu điện tại thủ đô Jakarta. Trước khi ông Tập Cận Bình đến Jakarta, hai bên đã đạt thỏa thuận trao đổi tiền tệ trị giá tới 16,3 tỉ USD để hỗ trợ Indonesia trong trường hợp đồng tiền của nước này tiếp tục sụt giá. Trong năm 2013, đồng tiền Indonesia đã sụt giảm hơn 16%.

Báo chí Indonesia đưa tin tranh chấp trên biển Đông cũng là một chủ đề trong cuộc hội đàm giữa ông Tập Cận Bình và ông Yudhoyono. Chính xã luận của báo Jakarta Post khẳng định: “Dù Indonesia không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc nhưng đó không phải là khả năng không thể xảy ra. Ông Yudhoyono cần phải nêu mối quan ngại của Indonesia dù phía Trung Quốc luôn lảng tránh vấn đề này”.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên trong cuộc họp báo chung với ông Yudhoyono, ông Tập Cận Bình chỉ tuyên bố một cách đơn giản: “Bắc Kinh cam kết hợp tác với ASEAN để bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực, trong đó có biển Nam Trung Hoa (cách Trung Quốc gọi biển Đông). Về các khác biệt và tranh chấp, Trung Quốc luôn theo đuổi giải pháp phù hợp qua đối thoại và đàm phán thân thiện”.

Hôm nay 3-10, ông Tập Cận Bình sẽ trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên phát biểu tại Quốc hội Indonesia. Reuters dẫn lời chuyên gia Jusuf Wanandi thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định đây là một bài phát biểu quan trọng, bởi nó cho thấy Trung Quốc coi Indonesia là một quốc gia lãnh đạo ở ASEAN và Bắc Kinh hiểu rằng nếu không thể đưa ra một giải pháp phù hợp về vấn đề biển Đông, quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ bất ổn.

Sau chuyến thăm Indonesia, ông Tập Cận Bình sẽ đến Malaysia trước khi đến Bali dự Hội nghị APEC. Tuần tới, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Brunei. Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định Bắc Kinh sẽ tận dụng những chuyến đi này để thúc đẩy thương mại với các nước Đông Nam Á nhằm mục tiêu giành lợi thế trong tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, đối phó với đơn kiện của Philippines và cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ.

Giáo sư Thayer cho biết trong thời gian qua, chính quyền Bắc Kinh đã cử Ngoại trưởng Vương Nghị đi thăm hàng loạt nước Đông Nam Á và tìm cách cô lập Philippines, ví dụ như việc hủy lời mời Tổng thống Philippines Benigno Aquino tới dự hội chợ Trung Quốc - ASEAN Expo ở Nam Ninh hồi đầu tháng 9.

Mỹ, Nhật đối thoại về an ninh châu Á

Hôm nay 3-10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Ngoại trưởng John Kerry sẽ có mặt tại Nhật để dự cuộc họp 2+2 của Ủy ban Tham vấn an ninh Nhật - Mỹ với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera và Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida. Nội dung cuộc đối thoại là môi trường an ninh châu Á - Thái Bình Dương đang có nhiều biến động, trong đó có việc Trung Quốc đòi chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật kiểm soát.

Trước đó ngày 2-10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và người đồng cấp Hàn Quốc Kim Kwan Jin đã ký một thỏa thuận mới nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ kho vũ khí hủy diệt của CHDCND Triều Tiên.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên