Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là cựu sinh viên khoa triết học của Trường đại học Tổng hợp TP.HCM (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM).
Năm 1992, ông tốt nghiệp cử nhân triết học. Sau đó, ông theo học cao học chuyên ngành triết học cũng tại đây và nhận bằng thạc sĩ triết học năm 1999.
Trước buổi làm việc với nhà trường sáng nay, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến văn phòng khoa triết học để thăm, chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Tại đây, ông Thưởng đã gặp lại thầy giáo cũ của mình là PGS.TS Vũ Tình - giảng viên cao cấp, nguyên phó hiệu trưởng nhà trường.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng về thăm trường cũ, gặp lại thầy giáo cũ
Cũng trong dịp này, Chủ tịch nước và đoàn công tác đã dâng hoa tại Không gian truyền thống phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM.
Từ những giá trị tốt đẹp được hình thành trong lịch sử hình thành và phát triển hơn 65 năm, các thế hệ sinh viên của nhà trường luôn tiếp nối truyền thống tốt đẹp, sáng ngời của học sinh, sinh viên Việt Nam, chính là truyền thống yêu nước.
Tại đây, ông Võ Văn Thưởng gửi lời chúc mừng đến các thầy cô giáo toàn trường nhân dịp Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Đồng thời, Chủ tịch nước cũng trao đổi về quan điểm của Đảng và Nhà nước về vai trò của đội ngũ trí thức lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Báo cáo với Chủ tịch nước, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - hiệu trưởng nhà trường - nói ở phía Nam, nhà trường là đơn vị tiên phong trong việc khai mở ra các ngành đào tạo, nghiên cứu khoa học mới, đáp ứng nhu cầu xã hội.
"Nhà trường là nơi hội tụ các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn" - PGS.TS Ngô Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Đặc biệt, trường cũng thu hút sinh viên và học viên quốc tế đến từ hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ đến học tập, nghiên cứu dài hạn và hàng nghìn lượt học viên đến học tập, nghiên cứu ngắn hạn hằng năm...
Chủ tịch nước trao đổi với sinh viên về cách đưa tin
Cũng trong sáng nay 13-11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến tận lớp báo chí để trao đổi chuyện viết báo với sinh viên trong buổi thăm, làm việc với Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Tại đây, Chủ tịch nước đã đến tận lớp học của các sinh viên khoa báo chí và truyền thông để trao đổi chuyện đưa tin, viết báo. Ông hỏi thăm các sinh viên về tình hình học tập, đời sống và động viên các bạn trẻ.
Chủ tịch nước cho hay trước đây ông có thời gian làm trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nên luôn quan tâm đến công tác đào tạo báo chí.
Khi biết đây là lớp học của sinh viên báo chí năm thứ nhất, ông hỏi: "Các bạn trẻ đã từng viết báo chưa? Ví dụ như hôm nay tôi về thăm trường, các em sẽ viết tin và đặt tựa thế nào?".
Từ câu hỏi của Chủ tịch nước, các sinh viên lần lượt trả lời và được ông gợi ý, chỉnh sửa một số vấn đề về cách thức đưa tin.
Chiều 12-11, chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến thăm PGS.TS Vũ Tình tại nhà riêng của thầy.
PGS.TS. Vũ Tình sinh năm 1949. Năm 1968 Thầy gia nhập quân đội Nhân dân Việt Nam, chiến đấu tại miền Nam cho đến ngày giải phóng. Năm 1976, Thầy chuyển ngành sang lĩnh vực giáo dục.
Ngoài việc giảng dạy, thực hiện những bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước, được phát sóng; PGS.TS Vũ Tình còn là tác giả, đồng tác giả nhiều sách chuyên khảo, tham khảo được xã hội hóa qua các nhà xuất bản.
Thầy cũng là đồng chủ biên, đồng tác giả nhiều giáo trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đây là những giáo trình đã và đang được sử dụng giảng dạy bậc đại học và sau đại học trên phạm vi toàn quốc, như "Giáo trình lịch sử triết học", "Giáo trình triết học Mác - Lê Nin", "Giáo trình triết học", "Giáo trình những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê Nin", "Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh"...
Với quá trình chiến đấu và công tác trong chiến tranh vệ quốc và hòa bình xây dựng, PGS.TS Vũ Tình đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội tặng thưởng 3 huân chương, 5 kỷ niệm chương, 1 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 11 bằng khen của Bộ Tham mưu Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tương đương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận