06/01/2023 11:50 GMT+7

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: TP.HCM cần phát triển chip, robot, chất bán dẫn...

NGỌC AN
và 1 tác giả khác

TP.HCM sẽ tập trung phát triển dịch vụ cao cấp như tài chính, ngân hàng, du lịch, phát triển sản xuất chế tạo thông minh…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: TP.HCM cần phát triển chip, robot, chất bán dẫn... - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gợi ý những vấn đề phát triển cho TP.HCM là động lực tăng trưởng - Ảnh: NGỌC AN

Thảo luận tại tổ về quy hoạch tổng thể quốc gia sáng 6-1, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao dự thảo quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Chính phủ chuẩn bị tờ trình đầy đủ, nhiều ý tưởng và thể hiện được tinh thần của Luật quy hoạch. 

TP.HCM cần có tầm nhìn trong định hướng quốc gia

Tuy vậy, ông cho rằng với tầm nhìn quy hoạch rất dài với 30 năm, trong một thế giới luôn biến đổi thì cần lưu ý đến yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bởi nếu chậm thì ta sẽ lạc hậu, nên cần có tầm nhìn trong định hướng quốc gia. 

Đi liền với khoa học công nghệ cần phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là biện pháp then chốt quan trọng, “đi tắt đón đầu”. Cần thay đổi nguồn nhân lực một cách căn bản, chất lượng. 

Thêm nữa, đây cũng là thời kỳ thay đổi sâu sắc về biến đổi khí hậu, Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Vì vậy khi thực hiện quy hoạch phải đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, giảm thiểu thiệt hại thiên tai, phát triển bền vững.

Chủ tịch nước cho rằng phải tiết giảm chi phí trong quá trình này, tờ trình của Chính phủ đưa ra những kịch bản tăng trưởng, những định hướng phát triển nhưng chi phí như thế nào để có thể phát triển bền vững. 

Đặc biệt trong xây dựng hành lang kinh tế mới, ông lưu ý kết nối hành lang kinh tế Đông Tây với các nước trong khu vực như Campuchia kết nối với Mộc Bài (Tây Ninh) và TP.HCM, hay giữa Myanmar - Lào - Thái Lan - Việt Nam ra tới Biển Đông. 

TP.HCM sẽ tập trung phát triển dịch vụ cao cấp

Ông cũng lưu ý thể chế phải phù hợp khi đất nước hội nhập, phát triển đồng bộ - vốn là trọng tâm ưu tiên của Đảng. 

Trong đó với TP.HCM, Chủ tịch nước đề nghị cần tập trung nguồn lực, trí tuệ để xây dựng nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54 thí điểm cơ chế chính sách đặc thù của TP.HCM để thực hiện hiệu quả hơn quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. 

Gắn với đó là phát triển đô thị trong trung tâm và hệ thống đô thị Việt Nam phát triển bền vững. 

Trong đó, các đô thị lõi, đô thị trung tâm là TP.HCM, Hà Nội. Đây sẽ là những trung tâm tăng trưởng của đất nước, trong đó với riêng TP.HCM sẽ tập trung phát triển dịch vụ cao cấp như tài chính, ngân hàng, du lịch, phát triển sản xuất chế tạo thông minh…

“Đặt vấn đề công nghiệp chế tạo ở TP.HCM là định hướng chiến lược trong phát triển vì giá trị gia tăng rất lớn và phù hợp xu hướng thời đại. Trong đó có vấn đề chip, robot, chất bán dẫn, chắc các đồng chí có ý tưởng rồi. Một đất nước không sản xuất khó phát triển, một đất nước phát triển mặt hàng giá trị gia tăng cao thì giải quyết được nhiều vấn đề” - Chủ tịch nước gợi ý. 

Nêu ý kiến thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng quy hoạch từ nay đến năm 2030 là các quy hoạch đã hình thành. Đơn cử như tứ giác TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương - Vũng Tàu hay Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Do vậy cần phát hiện thêm vùng nào là tiềm năng để đầu tư nguồn lực vào giúp tương lai phát triển. 

Cụ thể, theo ông Phớc, vùng Tây Nguyên có đất đai, tài nguyên rộng lớn nên có thể phát triển công nghiệp rất tốt, kể cả công nghiệp chế biến, công nghiệp khác, xây dựng sân bay… Để khai thác cần có cửa mở thông qua Bình Định, Khánh Hòa, đầu tư các đường cao tốc, sân bay chạy từ Tây Nguyên xuống Bình Định... 

'Không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris trong khi nguồn lực có hạn'

Việc xây dựng quy hoạch cần có tầm nhìn và căn cứ vào nguồn lực thực tế, có trọng tâm trọng điểm để đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên