11/02/2017 04:28 GMT+7

​Chủ tịch nước dâng hương và dự lễ khai ấn đền Trần

V.V.TUÂN
V.V.TUÂN

TTO - Đêm 10-2 (14 tháng Giêng), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã về dâng hương các vị vua Trần và dự lễ khai ấn tại đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định).

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các vị đại biểu làm lễ tại Đền Trần Nam Định trong giờ khai ấn Đền Trần
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các vị đại biểu làm lễ tại đền Trần Nam Định trong giờ khai ấn đền Trần - Ảnh: Nguyễn Khánh

Sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các đại biểu làm lễ dâng hương tại bàn thờ Trung Thiên, đền Thiên Trường, đoàn rước kiệu ấn bắt đầu từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường. Nghi lễ khai ấn diễn ra tại nội cung đền Thiên Trường.

Đến khoảng 0h ngày 11-2, nghi lễ khai ấn kết thúc, người dân tiếp tục được vào lễ đầu năm tại cả ba đền Thiên Trường, Trùng Hoa, Cố Trạch.

Đến khoảng 2h sáng ngày 11-2 (ngày rằm tháng Giêng âm lịch), ban tổ chức thực hiện nghi lễ hồi kiệu ấn về đền Cố Trạch.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thắp hương tại Đền Thiên Trường trong giờ khai ấn
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thắp hương tại đền Thiên Trường trong giờ khai ấn - Ảnh: Nguyễn Khánh

Từ 5h sáng cùng ngày, Hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi phường Lộc Vượng sẽ phát ấn cho nhân dân tại ba nhà Giải Vũ, nhà trưng bày hiện vật thời Trần, đền Trùng Hoa.

Theo thông báo của ban tổ chức đến nhân dân và du khách ngay cổng đền Trần, từ xa xưa, trên mảnh đất địa linh nhân kiệt Tức Mặc – Hành cung Thiên Trường – kinh đô thứ hai của triều đại nhà Trần, các vua Trần đã khởi tục lệ khai ấn, được người đời xưa và nay đón nhận, truyền tụng như một nét văn hoá đặc sắc của dân tộc.

Để duy trì truyền thống quý báu đó, hàng năm nhân dân địa phương vẫn duy trì lễ hội khai ấn theo đúng nghi lễ cổ truyền, phản ánh đầy đủ yếu tố tâm linh và đậm đà bản sắc văn hoá dân gian.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn những ý kiến khác nhau của các nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử liên quan đến nghi lễ khai ấn và phát ấn tại đền Trần, phường Lộc Vượng, TP Nam Định.

Các bô lão tại Phường Lộc Vượng làm lễ Khai ấn Đền Trần
Các bô lão tại Phường Lộc Vượng làm lễ Khai ấn Đền Trần  - Ảnh: Nguyễn Khánh
Các thôn nữ vác lễ vật vào Đền Thiên Trường trước khi làm lễ
Các thôn nữ đội lễ vật vào đền Thiên Trường trước khi làm lễ - Ảnh: Nguyễn Khánh

Trong diễn văn đọc tại lễ dâng hương các vị vua Trần, ông Lê Quốc Chỉnh, Chủ tịch UBND TP Nam Định khẳng định: “Bằng nhiều nguồn sử liệu khác nhau bao gồm tài liệu chính sử và đặc biệt là các cuốn Ngọc phả nhà Trần, Trần thị gia huấn, chúng ta được biết dòng họ nhà Trần đã dấy nghiệp từ vùng đất Tức Mặc, nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.

Người xưa đã coi đây là vùng đất địa linh nơi đã sản sinh ra những nhân kiệt, võ công, văn trị của thời đại nhà trần – một thời đại lịch sử được đánh giá là đỉnh cao của văn minh Đại Việt. 

Sau khi thay vương triều Lý, dòng họ Trần đã nắm triều chính và quản lý quốc gia đại Việt từ năm 1225 đến năm 1400.

Gần hai thế kỷ với những anh quân, với những văn thần võ tướng, vương triều Trần đã cùng quân dân cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng, bảo toàn lãnh thổ Đại Việt, giữ vững độc lập dân tộc, đề cao tinh thần tự lực, tự cường.

Những bài học lịch sử về xây dựng chính quyền, đoàn kết dân tộc, sử dụng nhân tài, phát triển văn hoá, kinh tế, giáo dục nhất là kinh nghiệm chống giặc ngoại xâm qua bảy thế kỷ đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị thời sự, tính lý luận và thực tiễn cao”.

Vì vậy, theo ông Chỉnh lễ hội truyền thống đền Trần trong đó có lễ khai ấn có ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn, tích đức vô cương, mọi người bước vào năm mới mạnh khoẻ, lao động hăng say, học tập, công tác tốt.

Ngày nay lễ hội khai ấn không chỉ mang đậm giá trị truyền thống, yếu tố tâm linh mà còn mang tính giáo dục lịch sử sâu sắc thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.

 

 

 

V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên