Đến 16h, lượng người đổ về đền Trần càng đông hơn. Nhằm tránh tình trạng quá tải, ban tổ chức đã sử dụng các hàng rào sắt để phân luồng giao thông - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Ông Cao Xuân Hoạt, trưởng ban quản lý di tích đền Trần, cho biết thông tin trên.
Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã làm việc với ban tổ chức lễ hội đền Trần.
Tại buổi làm việc, bà Phạm Thị Oanh - phó chủ tịch thường trực UBND TP Nam Định, trưởng ban tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần cho biết năm nay nơi này sẽ phát ấn lúc 5h sáng, sớm hơn 30 phút so với năm trước.
Để đảm bảo lễ khai ấn, phát ấn đền Trần Nam Định diễn ra an toàn, ban tổ chức sẽ tăng cường tuyên truyền để các đại biểu tham dự lễ khai ấn có ý thức không ném tiền vào kiệu rước và không tham gia tranh cướp lộc sau khi lễ khai ấn kết thúc.
Lực lượng an ninh sẽ được bố trí đứng quanh bàn thờ nhiều hơn, lễ vật sau khai ấn được thu dọn ngay để tránh bị tranh cướp.
Ông Phạm Xuân Phúc, phó chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL, băn khoăn rằng năm nào lực lượng bảo vệ lễ khai ấn đền Trần vòng trong vòng ngoài cũng lên đến hàng nghìn người, nhưng vẫn xảy ra tình trạng ném tiền vào kiệu ấn và cướp lộc sau khai ấn. Vì thế, ông Phúc đề xuất cần phải theo dõi xem lực lượng cướp lộc là ai.
Ông Huỳnh Vĩnh Ái, thứ trưởng Bộ VT-TT&DL, cho rằng thời gian qua báo chí đã phản ánh những mặt chưa tốt của lễ hội đền Trần. Nhưng lễ hội đền Trần là niềm tự hào không chỉ của địa phương mà còn của cả nước.
“Thường trên thế giới có một cái đền, khi mà người ta đến đó phải có một vật kỷ niệm mang về. Thậm chí có những vật kỷ niệm không có lịch sử trước đó. Nhưng ấn đền Trần trước đã có là điều quá hay rồi. Cái ấn cũng như một vật kỷ niệm nhưng ở đây còn có ý nghĩa về mặt tâm linh. Vì thế, đây là chuyện bình thường, nhưng đừng lợi dụng quá thì không hay” - ông Ái nói. Việc thu tiền khi phát ấn, ông Ái nói điều này cũng là đúng thôi.
Trả lời câu hỏi của báo chí rằng nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng khẳng định việc phát ấn đền Trần là không có trong lịch sử, ông Cao Xuân Hoạt trả lời giá trị của lá ấn, về việc phát ấn, khai ấn thì đã có hai cuộc hội thảo trước đây khẳng định rồi. Cho nên lễ hội đền Trần đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đến chiều 10-2, lượng du khách đổ về đền Trần làm lễ, dâng hương đã rất đông. Lực lượng an ninh lập nhiều hàng rào sắt bên ngoài và trong đền để chuẩn bị cho lễ khai ấn.
Tuyến đường Trần Thừa trước cửa đền Trần cũng đã cấm xe đi lại. Các lều bạt y tế bên đường được dựng lên để kịp thời sơ cứu những trường hợp có vấn đề về sức khỏe.
Trong bài viết đăng trên Tuổi Trẻ, TS khảo cổ học Nguyễn Hồng Kiên khẳng định tại hội thảo khoa học về lễ hội đền Trần của Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh Nam Định tổ chức năm 2011, ông đã có tham luận khẳng định việc khai ấn ở đền Trần Tức Mặc là một xuyên tạc lịch sử và không nhận được một phản biện khoa học nào. Tại Hội thảo quốc gia về vai trò của Hán Nôm trong văn hóa đương đại (tháng 8-2016), theo nhiều nhà nghiên cứu, qua những nghiên cứu tư liệu địa phương chí, quốc sử các triều đại, hội điển được biên soạn vào thời Nguyễn, thế kỷ XIX cũng không tìm thấy chi tiết nào đề cập hoạt động phát ấn ở bất cứ di tích đền Trần nào trong lịch sử. |
Một hàng rào sắt được dựng lên trước cổng đền Trần. Trong giờ khai ấn, chỉ những người có giấy mời và thẻ ban tổ chức cung cấp mới được vào đền làm lễ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Lực lượng cảnh sát cơ động túc trực khắp mọi nơi nhằm đảm bảo an toàn lễ hội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Ban tổ chức dựng một hàng rào sắt tại khu vực phát ấn vào sáng mai 11-2 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Người dân đến làm lễ tại đền Cố Trạch thuộc quần thể di tích đền Trần - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận