Liên quan vụ Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) Nguyễn Thị Giang Hương bị lừa đảo, chiều 23-3, ông Lê Thành Mỹ, bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, cho biết sau khi báo chí thông tin bà Nguyễn Thị Giang Hương bị lừa đảo hơn 100 tỉ đồng, Huyện ủy đã báo cáo sơ bộ cho Tỉnh ủy Đồng Nai.
Lưu ý về việc kê khai tài sản
Theo ông Lê Thành Mỹ, đầu tuần tới Huyện ủy sẽ yêu cầu bà Hương báo cáo diễn tiến toàn bộ sự việc bà bị lừa đảo ra sao.
Một lãnh đạo Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai cho hay báo chí thông tin số tiền của chủ tịch huyện bị lừa quá lớn nên Ủy ban kiểm tra sẽ lưu ý về việc kê khai tài sản của chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, bà Nguyễn Thị Giang Hương đã bị nhóm lừa đảo dùng nhiều thủ đoạn, trong đó có công nghệ cao để lấy tiền của bà Hương từ nhiều tài khoản với số tiền hơn 100 tỉ đồng.
Các nguồn tin cho hay số tiền bà Hương bị lừa có thể chưa dừng ở con số hơn 100 tỉ đồng. Hiện công an vẫn đang điều tra các dòng tiền trong tài khoản cũng như việc kiểm soát nguồn tiền ở các ngân hàng mà bà Hương đứng tên.
Nói về những trường hợp bị lừa như trên, một lãnh đạo Cục công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước) cho hay hình thức chiêu trò thủ đoạn của tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi.
Chúng mạo danh các cơ quan nhà nước như thuế, công an... rồi đưa ra các tình huống cập nhật, đồng bộ lại tài khoản định danh điện tử mức độ 2, quyết toán thuế, thậm chí còn nói liên quan đến đường dây mua bán ma túy, lừa đảo... để thao túng tâm lý người dân.
Sau đó kẻ lừa đảo dụ người dân truy cập vào đường link mà chúng gửi hoặc cài đặt các ứng dụng. Đây là những phần mềm có chứa mã độc có thể chiếm được quyền kiểm soát di động đối với điện thoại có hệ điều hành Androi.
Khó lấy lại tiền bị lừa
Trao đổi về việc có thể lấy lại tiền trong trường hợp bắt được thủ phạm hay không? Nhiều vị lãnh đạo ngân hàng cho rằng tiền bị lừa đảo thường khó thu hồi ngay cả khi bắt được thủ phạm.
Bởi khi lừa đảo, tiền được kẻ xấu chuyển đi ngay qua nhiều tài khoản hoặc được "rửa" qua một hệ thống phức tạp bằng cách chuyển đổi thành thẻ cào, tiền kỹ thuật số, hoặc nạp vào các tài khoản cá độ, chơi game bất hợp pháp.
Do đó khách hàng rất khó có thể yêu cầu ngân hàng đền bù thiệt hại cho các giao dịch được xác thực bởi đầy đủ thông tin đăng nhập và mã OTP xác thực và trên cùng thiết bị mà khách hàng đang sử dụng cho các giao dịch bình thường khác.
Chính vì vậy, hệ thống ngân hàng xác nhận đây là các giao dịch hợp lệ và đã thực hiện như các giao dịch khác do chủ tài khoản thực hiện, đúng theo quy định cung cấp và sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử giữa khách hàng và ngân hàng.
Và lúc này ngân hàng chỉ có thể phối hợp với cơ quan phòng chống tội phạm công nghệ cao, cơ quan công an và điều tra để hỗ trợ khách hàng trong việc cung cấp thông tin nhanh nhất và đầy đủ để cơ quan chức năng với đủ thẩm quyền và nguồn lực chuyên ngành nhằm thực hiện các công tác điều tra và xử lý.
Các ngân hàng và khách hàng đều phải đợi kết quả điều tra từ cơ quan chức năng.
Nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc tiếp tục xảy ra, Vụ thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng việc đặt ngưỡng giao dịch buộc phải xác minh chính chủ trong thời gian tới là cần thiết.
Điều này nhằm vô hiệu hóa nạn cho thuê, cho mượn tài khoản để nhận tiền lừa đảo. Theo thống kê, 90% giao dịch liên ngân hàng có giá trị dưới 2 triệu đồng, chỉ có 10% là giao dịch trên 2 triệu đồng.
Các ngân hàng hoàn toàn có thể đặt ngưỡng 5 triệu, 10 triệu đồng trở lên phải xác minh chính chủ (khuôn mặt, vân tay...). Quá trình này chỉ mất 5 - 10 giây, không ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng nhưng đảm bảo chính chủ, đúng theo quy định hiện hành. Nếu xác minh không đúng chính chủ, ngân hàng có quyền tạm dừng giao dịch và yêu cầu xác thực tại quầy.
"Khi chiếm quyền kiểm soát điện thoại nghĩa là kẻ lừa đảo đọc được dữ liệu cá nhân, đọc tin nhắn chứa mã OTP, kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng trên điện thoại của người dân.
Chủ điện thoại không hề nhận được tin nhắn dù đang cầm điện thoại trên tay. Và khi vào được tài khoản ngân hàng của người khác, kẻ gian chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản", vị lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin giải thích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận