
Chủ tịch Công ty vàng Phú Cường tại phiên tòa - Ảnh: GIANG LONG
Hôm nay (22-4), phiên tòa xét xử ông chủ vàng Phú Cường cùng 12 bị cáo tiếp tục với phần tranh tụng, dự kiến viện kiểm sát sẽ công bố bản luận tội và đề nghị mức án.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Phương, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc Công ty cổ phần vàng Phú Cường bị cáo buộc có vai trò chủ mưu, cầm đầu, đã chuyển trái phép hơn 4.719 tỉ đồng ra nước ngoài, chuyển trái phép tiền tệ từ nước ngoài vào Việt Nam hơn 4.773 tỉ đồng thông qua ba ngân hàng.
Ông chủ vàng Phú Cường nói "ban đầu không thấy gì sai"
Trả lời thẩm vấn tại tòa, ông Phương thừa nhận đã lập nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, chỉ đạo nhân viên lập khống các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa, tạm nhập tái xuất, mua bán hàng hóa trong nước.
Hành vi trên của ông chủ vàng Phú Cường bị cáo buộc để hợp thức vốn vay ngân hàng, thanh toán quốc tế, chuyển tiền ra nước ngoài.
Trong nước, ông Phương sử dụng các pháp nhân là Công ty cổ phần vàng Phú Cường, Công ty TNHH DPC Hà Nội, Công ty cổ phần đầu tư thương mại Aqua-com, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển dự án Đông Đô, Công ty cổ phần Giá Diệp, Công ty cổ phần quốc tế Lăng Nguyên, Công ty TNHH chuyển giao khoa học và công nghệ quốc tế DPC.
Ở nước ngoài, ông Phương chỉ đạo thành lập và điều hành 3 doanh nghiệp tại Hong Kong gồm Công ty Louis Alliance Company Limited, International Trading HongKong Limited, Global Trading Service Limited.
Ông chủ vàng Phú Cường thông qua các hợp đồng nhập khẩu được lập khống để chỉ đạo nhân viên chuyển tiền ra nước ngoài qua 3 ngân hàng lớn trong nước, rồi đổ vào tài khoản của 3 công ty ở Hong Kong.

Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: GIANG LONG
Bào chữa cho việc lập nhiều công ty, ông Phương giải thích "để vay vốn đầu tư dự án, chứ không có mục đích gì khác".
Tuy nhiên quá trình kinh doanh bị cáo gặp nhiều vấn đề, dự án không đủ điều kiện được vay. "Bị cáo vì thế nghĩ ra cách làm hợp đồng nhập khẩu hàng hóa qua lại giữa các công ty để được ngân hàng phê duyệt, giải ngân", ông chủ vàng Phú Cường khai.
"Bị cáo làm những dự án gì mà cần nhiều tiền đến thế?", chủ tọa truy.
Ông Phương tỏ ra lúng túng, trả lời lắp bắp rồi khẳng định "làm cùng lúc nhiều dự án, điển hình là chăn nuôi bò".
Chủ tọa tiếp tục truy về việc tiền chuyển trót lọt từ nước ngoài vào Việt Nam đã "đi đâu, bị cáo dùng vào việc gì". Bị cáo đã chuyển tiền từ nước ngoài về các tài khoản ngoại tệ ở trong nước tổng số tiền 212 triệu USD (khoảng hơn 4.773 tỉ đồng).
Trước bục khai báo, ông chủ vàng Phú Cường phân trần do ảnh hưởng của COVID-19, các dự án thiệt hại nặng nề, lỗ rất lớn nên việc trả nợ ngân hàng bị đình trệ.
"Vay nhiều tiền thế, chuyển đi chuyển lại, dư nợ bao nhiêu có nắm được không?", chủ tọa hỏi dồn.
Ông Phương đáp trước đó "về cơ bản vẫn trả được, vẫn đang trả", nhưng từ ngày bị bắt bị cáo không nắm được.
"Thế nghĩa là bị cáo không thấy có gian dối gì à?", chủ tọa hỏi. Chủ tịch Công ty vàng Phú Cường trả lời "ban đầu không thấy gì sai".
Nhiều tổng giám đốc khai "chỉ là bù nhìn được nhờ ký hộ"
Thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố, ông Phương chấp nhận cáo buộc của viện kiểm sát về tổng số tiền đã chuyển trái phép qua biên giới từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại, tổng 425 triệu USD.
Ông chủ vàng Phú Cường cũng khai đã nhờ nhiều người đứng tên tổng giám đốc, đại diện pháp nhân các doanh nghiệp do mình lập ra. Mặc dù trên giấy tờ hồ sơ lập khống, những doanh nghiệp này hoạt động làm ăn kinh doanh cả ngàn tỉ nhưng ông Phương khai những tổng giám đốc được dựng lên chỉ là bù nhìn "không có tí chuyên môn gì về kinh doanh".
Một trong số "tổng giám đốc" đó là Hà Văn Khiến (34 tuổi), ban đầu là nhân viên tại cửa hàng vàng Phú Cường. Sau đó Khiến được Phương dựng lên làm tổng giám đốc, phó giám đốc và kế toán của 3 công ty.
Khiến bị cáo buộc ký tên trên một loạt hợp đồng tín dụng, hợp đồng kinh tế, lệnh chuyển tiền, hợp đồng mua bán ngoại tệ, bản cam kết cung cấp hồ sơ nhập khẩu cho ngân hàng. Từ đó "tổng giám đốc" này giúp Phương chuyển hơn 13 triệu USD ra nước ngoài, tương đương hơn 295 tỉ đồng.
Tại tòa, bị cáo Khiến phân trần khi được Phương nhờ thì chỉ "ký hộ thôi, chả biết là giấy gì, tiện tay thì ký". Tại cơ quan điều tra, khi được phân tích thì Khiến mới nhận thức hành vi của mình là sai.
Tương tự, bị cáo Phạm Văn Thắng cũng khai quen Phương từ lâu và được nhờ đứng tên giám đốc một doanh nghiệp. Khi cần ký hồ sơ, tài liệu để vay vốn, thanh toán quốc tế, chỉ cần Phương gọi điện thoại, ông Thắng sẽ đến ký.
"Tổng giám đốc" trên bị cáo buộc giúp Phương hợp thức hồ sơ, chuyển hơn 28 triệu USD (650 tỉ đồng) ra nước ngoài.
Nhiều bị cáo khác cũng khai "đặt niềm tin tuyệt đối" vào Phương và các hợp đồng, dự án của doanh nghiệp này nên khi được nhờ thì ký mà không biết những chữ ký của mình giúp sức cho ông chủ vàng Phú Cường chuyển cả trăm triệu USD ra nước ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận