Phóng to |
Thỉnh thoảng gặp nhau, hỏi chuyện làm ăn nghe nó toàn than cực, nắng nôi vất vả ngày có 200.000đ, không nuôi nổi ba cái tàu há mồm ở nhà. Nhìn bộ dạng bèo nhèo thấy thương mà không giúp được gì! Bẵng đi thời gian, tình cờ gặp lại nó có vẻ tươi tỉnh hơn, từ mặt mũi, nước da, cái điện thoại, giọng nói cho tới bộ đồ trên người. Tư tui tròn mắt: “Mới trúng số hả?”. Thằng em họ lắc đầu: “Số má gì, lên đời thôi. Từ thợ hồ thành chủ thầu cò con”.
Hôm đó Tư tui được ông “chủ thầu cò con” đãi một chầu lẩu dê rượu Minh Mạng khuyến mãi thêm câu chuyện nghề vui vui...
Là thế này:
Sau thời gian gần chục năm làm nghề thợ hồ, tay chai vài lớp, bay mòn dăm cái và thước thợ gãy đôi lần thì anh Tám thợ hồ chợt nhận ra rằng mình cũng có thể trở thành một chủ thầu be bé mà dân trong nghề quen gọi là thầu cò con.
Vậy là nhận thầu! Ban đầu là làm cái cổng, sửa cái bếp, đóng cái la-phông… Khi nhận thầu thì tính… nhẩm, kêu thêm anh bạn làm chung rồi trả công. Tính ra cũng khá hơn chút đỉnh so với đi làm thợ tính lương ngày.Thừa thắng xông lên, Tám gồng mình nhận xây nhà cấp 4 và sửa chữa, cơi nới những căn nhà to to hơn một chút, cỡ cấp… 3,5 chẳng hạn, rồi gọi thêm nhiều bạn thợ phụ giúp, trả công.
Vậy là khá lên. Ba cái tàu há mồm ở nhà đã bớt há vì được ăn no mặc ấm hơn. Bà xã được sắm cho sợi dây chuyền vàng Tây, mặt mày hớn hở khoe khắp cùng ngõ xóm như thể chân dài vừa được đại gia tặng kim cương. thằng con lớn sắm được cái máy tính secondhand giá chưa tới hai triệu cũng hí hửng không kém gì thiếu gia có Ipod…
“Thầu cò con mà cũng kiếm khá vậy à?” Thằng em họ trả lời ngay cái thắc mắc chính đáng của Tư tui: “Anh biết rồi đó, mấy cái nhà nhỏ nhỏ lúc xây dựng hổng có cái… ba-rem thành ra dễ tính, dễ có lời!”. Ra vậy, tôi cắc cớ hỏi tiếp: “Nhưng đó toàn là nhà nghèo, tính đắt, tội chết?”. Tám thợ hồ gật đầu ngay tắp lự: “Đúng rồi, ai đi ăn của người... cùng cảnh ngộ. Làm nhà cho họ, thu nhập chỉ nhiều hơn làm công ít nhiều thôi, nhưng gặp mấy nhà khá khá mà sửa chữa là tranh thủ kiếm ăn ngay. Anh biết đó, sửa chữa mà, tính sao cũng… hợp lý cả”.
Nói chung là mừng cho thằng em lên đời, dù là đời chủ thầu cò con, còn hơn suốt đời làm thân thợ hồ. Nhưng có vẻ như sự thú vị nghề nghiệp đang nằm ở chỗ khác. Thì đây, thằng em họ nháy mắt: “Em mới làm lại nhà, chút nữa anh về nhà em chơi cho biết”. Chà, ghê quá! Năm ngoái tôi có ghé nhà Tám, nhà trong hẻm quanh co, mái tôn thấp lè tè, vách tường nứt nẻ, xiêu vẹo, nền nhà tráng xi-măng nham nhở… Còn bây giờ, đúng là khang trang hẳn. Nhà cao hơn, có cái gác lửng, lợp tôn xi-măng, la-phông nhựa, vách tường vững chãi, nền nhà lót gạch men đủ màu sắc. Ngạc nhiên hơn là những thứ tiện nghi hiện đại mà một năm trước đây chưa hề thấy, đó là cái tủ lạnh, cái máy giặt, dàn karaoke và cả một chiếc máy nước nóng trong phòng tắm! Nhìn cặp mắt cứ trố lên ngạc nhiên của tôi, Tám mỉm cười: “Em làm nhà chỉ tốn công. Còn lại từ viên gạch cho tới tấm tôn, tất cả đều là đồ người ta thải ra và cho em đó anh!”.
Thì ra làm nghề thầu cò con ngoài “lợi” ra còn có cả “lộc”. Tôi mừng cho thằng em họ và gật gù nói với nó rằng dân mình cũng hào phóng, trả tiền thuê rồi còn tặng thêm đồ cũ. Ông nhà thầu cò con, em họ tôi mím môi: “Cũng tùy người anh ơi. Mấy thứ này, chỉ toàn là người vừa… hết nghèo cho. Mấy người càng giàu, họ càng... không cho thứ gì. Một viên gạch bể cũng không, thậm chí cái bao xi-măng họ cũng giành với mình để bán ve chai!”. Tôi chỉ nhún vai và không ngạc nhiên lắm với cái thông tin mà Tám vừa nói. Còn Tám, bỗng đổi giọng trầm buồn: “Có khi nhờ vậy họ mới giàu, phải không anh?”
Tuổi Trẻ Cười số 451 (1-05-2012) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận