21/11/2012 07:00 GMT+7

Chú Sáu Dân trong ký ức chúng tôi

LÊ VĂN NUÔI
LÊ VĂN NUÔI

TT - Chỉ khoảng chưa đầy hai tháng trước ngày chú Sáu Dân - Võ Văn Kiệt qua đời (ông mất ngày 11-6-2008) tôi may mắn được kề cận và giúp việc cho ông suốt hơn một tháng trời, cho đến ngày ông ngã bệnh...

Đồng chí Võ Văn Kiệt - chú Sáu Dân của chúng tôi - không phải người Sài Gòn. Ông sinh ngày 23-11-1922 tại Vĩnh Long. Nhưng điều lạ lùng là số phận thành phố này dường như gắn chặt với sự nghiệp của ông. Và ngược lại, hình ảnh của ông, câu chuyện của ông, hành động của ông đã gắn chặt trong ký ức biết bao công dân TP.HCM.

Và ký ức đó không bao giờ phai trong trái tim tuổi trẻ chúng tôi.

Thà mất chức mà dân no

yqr841Ue.jpgPhóng to
Từ phải sang: đồng chí Võ Văn Kiệt, nhà báo Võ Như Lanh (nguyên tổng biên tập Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn), nhà báo Lê Văn Nuôi (nguyên tổng biên tập báo Tuổi Trẻ) trong cuộc trò chuyện tại báo Tuổi Trẻ năm 2005 - Ảnh: N.C.T.

Một buổi trưa giữa tháng 4-2008, đang làm việc trong cơ quan, tôi bỗng nghe điện thoại reo với tiếng một người nói nhanh: “Anh Nuôi, chú Sáu Dân nói chuyện với anh nha!”. Đầu dây bên kia cất lên giọng nói trầm ấm của chú Sáu:

- Ê Nuôi, mầy đang ở đâu vậy? Bây giờ mầy bay ngay ra Đà Nẵng gặp chú được không? Chú đang ngồi với mấy anh em các tỉnh miền Trung đây, bàn chuyện khai thác tài nguyên biển. Mấy bữa nay, chú đã đi thăm đồng bào bị bão lụt, rồi đi thị sát tình hình kinh tế miền Trung. Chú vừa đến coi những làng bè bà con nuôi thủy hải sản trên biển. Bà con mình có nhiều cách làm ăn hay lắm Nuôi ơi!

- Dạ thưa chú, con đang bận công việc cơ quan nên trong nay mai, con không ra Đà Nẵng được. Ngày mốt con mới ra được, nhưng nếu vài ngày nữa chú về Sài Gòn thì chú gọi con đến gặp chú ở nhà chú ...!

- Ờ! Mai chú về rồi! Vậy thôi mầy sẽ gặp chú ở Sài Gòn nha!

Chú Sáu Dân vẫn thường gọi tôi và các anh ở Thành đoàn một cách thân mật như vậy.

Khoảng năm ngày sau đó, chú Sáu hẹn tôi đến gặp ở một ngôi nhà tọa lạc ven sông Sài Gòn - thuộc khu An Phú. Cùng dự có anh Tam Lang, huấn luyện viên bóng đá. Chú Sáu nói gọn về nhu cầu đào tạo nhiều lứa cầu thủ trẻ cho nền bóng đá nước ta, do đó chú đang muốn huy động một số anh em và một số doanh nghiệp để cùng nhau vận động cho ra đời “Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam”. Chú Sáu nói tiếp: “Có nhiều việc phải làm cho đề án này, Tam Lang góp ý về công tác chuyên môn đào tạo, huấn luyện, còn Nuôi lo việc vận động công chúng và quan hệ anh em báo chí nhe!”.

Ra về, thấy tôi không đi xe, anh Tam Lang hỏi: “Nhà em ở đâu? Lên đây anh chở về!”. Trên đường về, hai anh em tiếp tục bàn luận về dự án của chú Sáu Dân đã gợi ý.

Ngày 23-4-2008, tôi cùng anh Trịnh, thư ký riêng của chú Sáu, đến sân bay Tân Sơn Nhất bay ra Hà Nội, rồi đến khu nhà khách Tây Hồ ven hồ Tây. Anh cảnh vệ hướng dẫn tôi lên lầu một nói: “Anh Nuôi nghỉ ở phòng này, bên cạnh phòng chú Sáu đó, còn các anh thư ký và tụi em nghỉ ở tầng trệt”.

...Bước vào khu nhà nghỉ với khoảng mười ngôi biệt thư cổ kiểu kiến trúc Pháp này, tôi chợt nhớ lại vào những năm cuối 1980 đầu 1990, anh Huỳnh Tấn Mẫm và tôi đã được Ban đối ngoại Trung ương Đảng gọi đến đây vài lần. Chúng tôi được phân công gặp gỡ đại diện một số đoàn thanh niên - sinh viên thuộc các đảng cách mạng cánh tả của một số nước đang bị các chính quyền quân sự độc tài cai trị hoặc đang bị nước ngoài xâm chiếm, như hoàn cảnh của miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Chúng tôi báo cáo, trao đổi và tâm sự với anh em các nước bạn về những nội dung mà họ quan tâm tìm hiểu khi cất công “sang Việt Nam học tập kinh nghiệm đấu tranh cách mạng”.

JPCPRInu.jpgPhóng to
Đồng chí Võ Văn Kiệt gặp gỡ các tuyển thủ Việt Nam và Thái Lan trong trận đấu “Chia tay thế hệ vàng bóng đá VN” do báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2005 - Ảnh: T.T.D.

...Mỗi sáng thức dậy, chú Sáu cho người gọi tôi xuống ăn sáng với chú. Món điểm tâm quen thuộc là xôi đậu xanh ăn với chả lụa hoặc bánh cuốn và vài hũ yaourt. Sau đó, cùng ngồi xe với chú ra trung tâm Hà Nội làm việc. Những lúc xe lướt qua những con đường có đê Yên Phụ, chú Sáu chỉ tay nói: “Trước đây, chú và Chính phủ phải chỉ đạo quyết liệt lắm mới dẹp được nhà cửa lấn chiếm trên đê để xây bờ kè đê Yên Phụ; rồi mở tuyến đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài để thu ngắn đường từ sân bay Nội Bài về Hà Nội chỉ còn 30 phút thay vì 2 giờ như trước đó; xây dựng đường Láng Hạ - Hòa Lạc để phát triển phía tây Hà Nội”.

Chú Sáu Dân nói tiếp: “Chú đang định nêu ra ý kiến đề nghị nên đổi tên thủ đô lại là Thăng Long, vì tên Thăng Long có ý nghĩa tượng trưng cho một đất nước phát triển, cất cánh, rồng bay lên... Thăng Long cũng là tên thủ đô cũ mà ông cha mình đã chọn đặt rất hay. Tại sao ta không lấy lại tên này?”...

Tham dự các cuộc họp bàn về Quỹ đầu tư - phát triển tài năng bóng đá này, ngoài các vị giám đốc doanh nghiệp còn có anh Nguyễn Cao Cường (khi ấy đang là phó giám đốc Câu lạc bộ bóng đá Thể Công Viettel). Chú Sáu phân công tôi làm kế hoạch thông tin quảng bá về quỹ này, làm chương trình cuộc họp báo ra mắt quỹ dự tính vào cuối tháng 6-2008 và thảo bài phát biểu của chú tại cuộc họp báo này...

Trở về Sài Gòn, vào tuần đầu tháng 5-2008, tôi hoàn tất các việc được chú Sáu giao và chuyển đến anh Trịnh nhờ trình chú Sáu xem, trước khi lên đường đi Mỹ theo đoàn công tác của báo Tuổi Trẻ trong hơn ba tuần lễ. Cuối tháng 5, vừa về tới Sài Gòn, tôi điện thoại hỏi, được anh Trịnh cho biết: chú Sáu đang ở Hà Nội dự họp Quốc hội, chú đang nghe thảo luận dự án mở rộng thủ đô.

Vào đầu tháng 6, tôi biết tin chú Sáu trở bệnh phải vào điều trị ở Bệnh viện Thống Nhất rồi sang Singapore.Tôi cũng như nhiều người khác đều nghĩ là chú chỉ bị bệnh nhẹ thôi. Bất ngờ, vào sáng 11-6-2008, tôi được hung tin chú Sáu đột ngột qua đời. Tôi sững sờ đến chết lặng hồi lâu. Nghe đau đớn, hụt hẫng cả tuần, hệt như cảm giác khi cha tôi mất đi vài năm trước.

Mãi đến tháng 12-2008, sáu tháng sau ngày chú Sáu mất, Quỹ Đầu tư - phát triển tài năng bóng đá mới làm lễ ra mắt. Trong diễn văn khai mạc, ban tổ chức đã nói rõ quỹ này ra đời từ sự gợi ý và ủng hộ của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

_________________

“Chúng ta là những người lãnh đạo thành phố mà để dân đói thì có xứng là lãnh đạo không? Bữa nay, tất cả các anh chị ngồi đây phải nghĩ làm sao cho dân thoát đói. Ai không có kế gì thì tôi không cho về! Tôi sẽ nhốt ở đây!”.

Ông Sáu Dân nói vậy trong cuộc họp bàn về việc cứu đói cho nhân dân TP.HCM năm 1979.

Kỳ tới: Câu chuyện hạt gạo và nỗi nhục nước nghèo

LÊ VĂN NUÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên