Ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin Chào, vừa được minh oan tội kinh doanh trái phép - Ảnh: Duyên Phan |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Trương Xuân Tám - ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc - cho biết Công an huyện Bình Chánh đã làm sai khi khởi tố ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán cà phê Xin Chào, và Viện KSND huyện Bình Chánh là cơ quan tiếp tục ra cáo trạng truy tố ông.
Bồi thường thiệt hại thực tế và tổn thất tinh thần
Trong vụ án này, cáo trạng truy tố ông Tấn là quyết định sau cùng, TAND chưa đưa ra xét xử nên Viện KSND huyện Bình Chánh là cơ quan có trách nhiệm phải xin lỗi và bồi thường oan sai cho ông Tấn.
Việc bồi thường cho ông Tấn trong trường hợp này là vụ việc bồi thường oan sai do những người thi hành công vụ gây ra, được quy định trong Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Còn căn cứ để xác định mức bồi thường cụ thể cho ông Tấn sẽ được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự 2005.
Theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, khoản tiền bồi thường tạm thời có thể trích từ ngân sách nhà nước, sau đó sẽ làm rõ trách nhiệm của các cá nhân sai phạm có liên quan, từ đó buộc những cá nhân này phải bồi thường lại cho Nhà nước.
Cụ thể hơn về các khoản bồi thường, luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM - cho biết theo điều 611 Bộ luật dân sự 2005, việc bồi thường cho ông Tấn (do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm) sẽ bao gồm ba khoản chính: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút và khoản tiền bù đắp tổn thất tinh thần.
Thứ nhất là chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại: sẽ bao gồm chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; chi phí tiền tàu xe đi lại...
Thứ hai là thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Luật quy định nếu trước khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm có thu nhập thực tế, nhưng do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm khiến người bị xâm phạm phải thực hiện những công việc để hạn chế, khắc phục thiệt hại, nên khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.
Trường hợp của ông Tấn, nếu ông chứng minh được trong suốt thời gian bị khởi tố, truy tố oan cho đến khi có các quyết định đình chỉ ông đã bị mất thu nhập bao nhiêu thì sẽ được bồi thường bấy nhiêu.
Chẳng hạn, thiệt hại do mỗi ngày bán được bao nhiêu ly cà phê, bao nhiêu tô phở… tính ra thành tiền hợp lý thì cơ quan sai phạm phải bồi thường khoản này cho ông Tấn.
Thứ ba là khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Theo quy định, khoản tiền này trước hết do các bên thỏa thuận.
Nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần nhưng tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết.
Phải hoàn lại tiền nộp phạt hành chính
Theo luật sư Trương Xuân Tám, ngoài việc bồi thường cho ông Tấn theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, số tiền đóng phạt vi phạm hành chính mà ông Tấn nộp trước đây cho Công an huyện Bình Chánh cũng phải được xem xét lại.
Theo nội dung quyết định đình chỉ vụ án của Viện KSND huyện Bình Chánh thì nội dung xử phạt vi phạm hành chánh trước đó đối với ông Tấn cũng không có căn cứ.
Luật sư Hậu phân tích: quyết định đình chỉ vụ án thể hiện các ngày 13-8-2015 và 10-9-2015, Công an huyện Bình Chánh phối hợp các ngành chức năng kiểm tra hộ kinh doanh của ông Tấn, xác lập hành vi vi phạm không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, Viện KSND huyện Bình Chánh đã xác định ngành nghề kinh doanh mà ông Tấn đăng ký, pháp luật quy định không cần có giấy phép riêng và không bắt buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việc Công an huyện Bình Chánh hai lần kiểm tra đều xác định ông Tấn vi phạm kinh doanh chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và cho rằng ông Tấn kinh doanh không có giấy phép riêng để khởi tố tội kinh doanh trái phép là không có căn cứ.
Từ đó, theo luật sư Hậu, việc ông Tấn đề nghị được trả lại khoản tiền nộp phạt vi phạm hành chính mà ông đã đóng (17 triệu đồng) là có cơ sở pháp luật.
Theo quyết định đình chỉ vụ án thì việc khởi tố hình sự tội kinh doanh trái phép không có căn cứ, điều này cũng đồng nghĩa quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Tấn trước đó cũng không đủ căn cứ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận