08/05/2019 12:14 GMT+7

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội: Cử tri hoài nghi tính minh bạch hoạt động của EVN

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu như vậy tại phiên khai mạc thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 8-5.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội: Cử tri hoài nghi tính minh bạch hoạt động của EVN - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết cơ quan thẩm tra đề nghị xác định rõ sai phạm và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 8-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 34 để cho ý kiến một số vấn đề, chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, trong đó có việc xem xét các báo cáo đánh giá bổ sung về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách.

Các báo cáo đánh giá bổ sung về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 cùng với phát biểu của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy rõ nét “bức tranh” có hai gam màu chính: sáng, tối.

Tăng trưởng cao nhất 11 năm qua

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết qua thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế khẳng định tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 đạt kết quả tốt, đã hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao (3 chỉ tiêu đạt và 9 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch).

"Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, là mức cao nhất 11 năm gần đây. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội được củng cố" - ông Thanh nói.

Vấn đề cần lưu ý, theo Ủy ban Kinh tế, là việc cơ cấu lại đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu, giải ngân vốn đầu tư công chậm, chỉ đạt 75,8% dự toán dẫn đến nguồn vốn đầu tư công tồn dư lớn. Số lượng, chất lượng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm được cải thiện, không đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra.

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ "xác định rõ các trường hợp sai phạm trong công tác tổ chức thi THPT quốc gia năm 2018, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, nhất là sự tiếp tay, vi phạm của công chức, cán bộ trong ngành giáo dục hoặc giữ chức vụ quản lý ở địa phương; tập trung chỉ đạo và tổ chức tốt kỳ thi THPT và đại học năm 2019, tránh những sai sót, tồn tại đã từng xảy ra".

Đề cập đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình phân tích: "Đánh giá về sai phạm trong thi cử, tôi cho rằng đây không chỉ là hiện tượng sai phạm của một số cán bộ quản lý ở một vài địa phương, mà đây là một vấn đề trong hệ thống thi cử mà chúng ta cần ngăn chặn".

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội: Cử tri hoài nghi tính minh bạch hoạt động của EVN - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nói rằng ông ngồi ở đâu cũng nghe đề cập những vấn đề bức xúc xã hội - Ảnh: Quochoi.vn

Xã hội tồn tại nhiều bức xúc

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, những điểm sáng trong phát triển kinh tế, kết quả trong công tác phòng chống tham nhũng là rất đáng mừng, nhưng "cảm nhận báo cáo vẫn thiên về kinh tế nhiều hơn, chưa phân tích kỹ các vấn đề xã hội".

Bà Nga chỉ ra một số vấn đề nổi cộm: Thứ nhất là tệ nạn ma túy, chưa bao giờ phát hiện những vụ án lớn như vậy, bắt cả tấn ma túy. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đề nghị Chính phủ có báo cáo kỹ hơn hoặc báo cáo riêng về vấn đề này, đặc biệt là tình trạng sử dụng ma túy đá.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội: Cử tri hoài nghi tính minh bạch hoạt động của EVN - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga - Ảnh: LÊ KIÊN

Vấn đề thứ hai là tai nạn giao thông, cần đánh giá kỹ hơn để có giải pháp chặn đứng tình trạng này. 

Thứ ba là các vụ án giết người, thời gian gần đây tình trạng rất nghiêm trọng, đặc biệt là các vụ giết người thân trong gia đình. Một vấn đề nữa nổi lên bức xúc là bạo lực học đường, xâm hại trẻ em…

Vẫn theo chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, gần đây nổi lên vấn đề giá, dư luận đang bức xúc việc tăng giá xăng, giá điện. 

"Chúng tôi hoan nghênh Thủ tướng đã yêu cầu kiểm tra. Trong vấn đề này thì cử tri vẫn hoài nghi tính minh bạch hoạt động của EVN, trong đó có tính hợp lý của thang, biểu giá điện…", bà Nga nêu.

Cũng đánh giá cao về nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan chức năng trong chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy kinh tế phát triển, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Nguyễn Văn Giàu dành nhiều thời gian để nêu bật những điều băn khoăn, bức xúc.

Theo ông Giàu, Chính phủ cần phải đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống giao thông, đặc biệt là giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 

"Vừa rồi dịp lễ 30-4, nhiều nút giao thông như phà Cát Lái, Bình Khánh, cầu Rạch Miễu… kẹt xe nhiều tiếng đồng hồ. Vừa rồi tôi được biết Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đi trên đường cao tốc Trung Lương mà cũng kẹt xe cả tiếng đồng hồ", ông nói.

Qua tiếp xúc cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết bà con rất lo lắng về tình trạng tệ nạn xã hội rất đáng báo động. Vụ án ma tùy bắt cả tấn, tệ nạn có ở nhiều nơi. Rồi lái xe sử dụng ma túy. Có nhiều người lương thiện chết oan ức. Bạo lực học đường, xâm hại trẻ em cũng đang nóng lên…

"Những vấn đề nêu trên đi tiếp xúc cử tri cũng nghe nói, ở nhà cũng nghe nói, ngồi chơi với bạn cũng nghe nói", ông Nguyễn Văn Giàu nêu.

Và "đề nghị tới đây Quốc hội có nghị quyết, yêu cầu phải giảm những bức xúc trên ngay, cùng với đó là có chế tài mạnh. Trách nhiệm chính trị cũng cần nêu rõ cấp phường, cấp quận ra sao, bộ, ngành thế nào? Công việc bức xúc như vậy thì có tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý không? Thực trạng bức xúc mà công việc vẫn đều đều thì có giảm được không?".

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên