04/10/2016 10:08 GMT+7

Chủ nhân Nobel Y học 2016 không "đi theo lối mòn"

D. KIM THOA - TÚ ANH
D. KIM THOA - TÚ ANH

TTO - Nhà khoa học Nhật Yoshinori Ohsumi cho biết sở dĩ ông cố tình chọn nghiên cứu về cơ chế tự thực của tế bào vì đó là lĩnh vực ít cạnh tranh hơn. Ông từng mơ đoạt giải Nobel khi còn nhỏ, nhưng đến lớn thì quên béng đi.

Giáo sư Ohsumi của Viện công nghệ Tokyo tại buổi họp báo sau khi giành giải Nobel y học 2016 - Ảnh: Reuters
Giáo sư Ohsumi của Viện công nghệ Tokyo tại buổi họp báo sau khi giành giải Nobel y học 2016 - Ảnh: Reuters

Theo báo Wall Journal Street, trong cuộc họp báo tại Tokyo sau khi nhận thông tin trở thành chủ nhân giải Nobel Y học 2016, tiến sĩ Ohsumi chia sẻ: chính vì mục đích lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu cơ bản ngay từ trẻ nên ông chẳng bao giờ hình dung công việc nghiên cứu này sẽ mang lại cho ông giải Nobel danh giá.

Chọn chuyện ít người làm 

Nhà sinh học 71 tuổi giải thích: "Tôi không thích phải cạnh tranh quá nhiều, và tôi cho rằng bản chất của khoa học, điều thực sự khiến nó vô cùng thú vị, là làm những việc mà người khác không làm, thay vì làm những việc mà mọi người khác đều đổ xô vào".

"Tôi bắt đầu công việc nghiên cứu của mình ở lĩnh vực mà mọi người đều nghĩ đó là nơi tập trung rác thải, và tôi bắt đầu công việc ở một thời đại mà không mấy người còn quan tâm tới quá trình thoái biến của các protein"
Nhà khoa học Nhật Yoshinori Ohsumi - chủ nhân Nobel Y học 2016

Ông nhắc tới chuyện vì sao những người lênh đênh trên biển có thể tồn tại trong nhiều tuần chỉ nhờ vào nước và cho biết, đó chính là nhờ cơ chế tự tái tạo protein của cơ thể.

Tiến sĩ Ohsumi kể với đài NHK của Nhật: "Lĩnh vực nghiên cứu này trước đây không được chú ý cho lắm nhưng giờ đây thì chúng ta thấy tình hình đã khác hẳn".

"Khi tôi bắt đầu công việc nghiên cứu trong lĩnh vực tực thực cách đây 27 năm thì mới chỉ có 20 bài báo và nay thì đã có chắc hơn 5.000 bài rồi", chủ nhân của Nobel Y học 2016 nói vui.

Các bài nghiên cứu về cơ chế tự thực của tế bào được xuất bản theo năm - Ảnh: QZ
Vấn đề "xử lý rác thải" của tế bào ngày càng được chú ý do những ứng dụng trong chữa bệnh. Trên sơ đồ là số bài nghiên cứu về "cơ chế tự thực" của tế bào được xuất bản theo năm - Ảnh: QZ

Năm nay là năm thứ hai liên tiếp một nhà khoa học Nhật đoạt giải thưởng Nobel Y học và là lần thứ 3 kể từ năm 2012. Kể từ năm 2000, các nhà khoa học Nhật liên tục nhận được các giải Nobel trong lĩnh vực khoa học.

"Giải Nobel từng là giấc mơ của tôi khi tôi còn nhỏ nhưng đến khi trở thành nhà nghiên cứu thì tôi không còn nghĩ về nó nữa", nhà khoa học dành gần như cả đời sự nghiệp ở Đại học Tokyo chia sẻ.

Chủ nhân mới của Nobel Y học cho biết mặc dù các kết quả nghiên cứu gần đây của ông đã giúp khám phá mối liên hệ giữa cơ chế tự thực và các bệnh như Alzheimer và ung thư, nhưng ông đã bắt đầu các nghiên cứu của mình không phải với ý định tìm giải pháp chữa trị các căn bệnh ấy.

Thành công nhờ tình yêu với khoa học cơ bản

Nhà khoa học Nhật chia sẻ: "Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa tầm quan trọng của nghiên cứu cơ bản. Khi tôi bắt đầu nghiên cứu, tôi chưa từng nghĩ rằng việc nghiên cứu này sẽ dẫn tới giải thưởng Nobel. Thành thực mà tôi, điều đó chưa bao giờ là động lực thôi thúc tôi".

Tiến sĩ Ohsumi cho biết ông muốn làm công việc nghiên cứu có ích cho thế giới nhưng đề nghị mọi người hiểu về chữ "có ích" đó theo một cách rộng rãi hơn.

Ông giải thích: "Tôi nghĩ đó là vấn đề bởi khi từ "có ích" được hiểu theo một nghĩa là cái gì đó có thể thương mại hóa trong vài năm tới. Trong khi nó có thể có ích trong 10 năm, 20 năm hoặc thậm chí 100 năm sau".

Vì thế ông cho biết thấy lo lắng khi các chính phủ luôn tìm cách cắt giảm hoặc đe dọa cắt giảm đối với nghiên cứu khoa học căn bản. "Cũng thú vị khi làm việc mà không biết nó sẽ dẫn đến đâu. Trong lĩnh vực nghiên cứu này thật khó mà biết liệu nó có thể dẫn đến kết quả gì. Tôi mong rằng xã hội cần kiên nhẫn chăm sóc cho lĩnh vực nghiên cứu cơ bản", tiến sĩ Ohsumi nêu ý kiến.

Trong những năm gần đây giải Nobel Y học thường được chia sẻ giữa nhóm hai hoặc ba nhà khoa học. Vì lẽ đó tiến sĩ Ohsumi phát biểu khiêm tốn: "Tôi ngạc nhiên khi mình là người duy nhất được trao giải".

Ông cũng chia sẻ thêm rằng ngay trước khi giải Nobel Y học được công bố, ông dự đoán nếu được trao giải thưởng này, có thể ông sẽ chia sẻ giải thưởng với giáo sư Noboru Mizushima của Đại học Tokyo và giáo sư Tamotsu Yoshimori của đại học Osaka bởi cả hai người này đều đã có những công trình đáng kể nghiên cứu về tự thực.

Ông Ohsumi chào đời ở Fukuoka, thuộc đảo Kyushu. Cha ông giảng dạy về kỹ nghệ nên ông đã lớn lên trong môi trường học thuật. Là con trai út trong gia đình có bốn cậu con trai, ông thừa nhận có được "định hướng" theo con đường khoa học từ ảnh hưởng của cha nhưng ông nhanh chóng thích con đường khoa học tự nhiên hơn là lĩnh vực công nghiệp như cha mình, Tiến sĩ Ohsumi từng giải thích về con đường sự nghiệp của mình trên tạp chí Journal of Cell Biology hồi năm 2012 - một trong những lần hiếm hoi ông trả lời phỏng vấn với giới truyền thông.

Nhiều hướng ứng dụng

Bà Ana Maria Cuervo, một nhà nghiên cứu cơ chế tự thực của tế bào và là đồng giám đốc của viện nghiên cứu lão hóa tại Đại học Y khoa Albert Einstein ở New York, cho rằng giải thưởng Nobel năm nay "đã thu hút sự quan tâm tới một quá trình gần như bị lãng quên trong nhiều năm".

Tiến sĩ Cuervo cho rằng ứng dụng từ nghiên cứu về cơ chế này còn rất nhiều. Ví dụ sự suy giảm cơ chế tự thực là một thực tế đặc thù đồng hành cùng tuổi tác. Phòng thí nghiệm của bà đang nghiên cứu phát triển các loại thuốc giúp kích hoạt quá trình đó. "Chúng tôi chỉ muốn sửa chữa và đưa cơ chế tự thực quay trở về ngang bằng với cấp độ này ở giai đoạn trẻ hơn", Tiến sĩ Cuervo giải thích hướng nghiên cứu.

Cũng theo bà Cuervo thì việc tránh ăn quá nhiều đường và chất béo cộng thêm ngủ đủ giấc và tập thể dục đầy đủ cũng sẽ giúp cải thiện cơ chế tự thực ở mỗi người.

D. KIM THOA - TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên