30/10/2014 19:57 GMT+7

​Chủ nghĩa bài Phi bùng lên tại Mỹ vì Ebola

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Virút Ebola đang thổi bùng lên cơn sốt bài ngoại, phân biệt đối xử với người châu Phi tại Mỹ, đặc biệt ở thành phố New York.

Hai học sinh gốc Senegal bị bạn học đánh đập ở New York vì là người gốc Phi - Ảnh: Time
Hai học sinh gốc Senegal bị bạn học đánh đập ở New York vì là người gốc Phi - Ảnh: Time

Theo tạp chí Time, làn sóng bài Phi đang trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở thành phố New York, nơi cộng đồng người gốc Phi tập trung đông đảo.

Mới đây hai học sinh gốc Senegal ở trường 318 tại khu Bronx ở New York đã bị bạn học gọi là “Ebola” và đánh đập tàn nhẫn.

“Không chỉ các con tôi, rất nhiều đứa trẻ gốc Phi khác ở đây đang phải chịu đựng sự đau khổ” - ông Ousmane Drame, cha của hai học sinh bị đánh đập, bức xúc khẳng định.

Ở New York, rất nhiều tài xế taxi người da đen bị khách hàng tẩy chay vì sợ nhiễm virút Ebola.

Tại khu Staten Island ở New York, nơi cộng đồng người Liberia tập trung đông nhất, một số người lao động bị buộc phải nghỉ việc không lương. Người Liberia ở Minnesota cũng phải nghỉ việc nếu hắt xì hoặc ho.

Tại New Jersey, hai học sinh tiểu học từ Rwanda bị đuổi khỏi trường sau khi các phụ huynh khác gây sức ép lên ban giám hiệu.

Ở ĐH Navarro tại Texas, ban giám hiệu từ chối nhận đơn xin học của các sinh viên đến từ Tây Phi, kể cả những nước không có dịch Ebola.

Mới hôm qua, gia đình học sinh lớp ba Ikeoluwa Opayemi đã đâm đơn kiện trường Milford Public School ở Connecticut vì cấm cô bé đến lớp trong 21 ngày sau khi cô tới Lagos (Nigeria) để dự đám cưới của một người thân.

“Đây là một vấn đề lớn - ông Charles Cooper, chủ tịch Hội đồng Tư vấn châu Phi ở New York, khẳng định - Chủ nghĩa bài Phi đang lan rộng trong thành phố. Rất nhiều người gốc Phi đang lo sợ”. Nguyên nhân xuất phát từ sự hoảng loạn quá mức.

Khảo sát của Trường Y tế công Harvard cho thấy hơn 50% người trưởng thành ở Mỹ lo ngại dịch Ebola sẽ bùng phát tại nước này trong năm 2015. Khoảng 30% sợ người thân trong gia đình mình sẽ bị nhiễm bệnh.

Các chuyên gia y tế bình luận phản ứng của người dân Mỹ đối với Ebola cũng giống như những gì đã xảy ra khi đại dịch HIV/AIDS xuất hiện hồi đầu thập niên 1980. Khi đó, rất nhiều người Mỹ không dám đến gần bất kỳ ai bị nghi nhiễm HIV mà không cần biết bệnh có dễ lây hay không.

Giáo sư Robert Fullilove thuộc ĐH Columbia nhận định tình cảnh hiện tại chẳng khác gì 30 năm về trước.

Haiti là nước đầu tiên ở Tây Bán cầu có những trường hợp nhiễm HIV. Do đó người Mỹ sợ hãi không dám đến gần người Haiti và người đồng tính (do tỷ lệ nhiễm HIV ở người đồng tính cao).

“Khi đó người Haiti bị tẩy chay. Và giờ điều đó xảy ra đối với người Liberia và thậm chí toàn bộ người dân châu Phi” - bác sĩ Joia Mukherjee thuộc Trường Y tế công Harvard cho biết. 

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên