Đây là chia sẻ của ông Lê Quang Huy - chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Caty Food (đơn vị sở hữu thương hiệu mì thanh long) - với Tuổi Trẻ Online khi được đặt câu hỏi về những ý kiến trái chiều xung quanh mì tôm thanh long những ngày qua.
Mì tôm thanh long ra đời từ chiến dịch giải cứu thanh long thời dịch
Ông chủ mì tôm thanh long Caty cho biết bản thân ông cũng "ngỡ ngàng, ngạc nhiên tới vỡ òa cảm xúc" khi mì tôm thanh long bỗng dưng nổi tiếng. "Chúng tôi đã cháy hàng trên các sàn thương mại điện tử, nhà máy phải tăng ca sáng ngày chạy hết công suất để đáp ứng nhu cầu bùng nổ của khách hàng".
Lý giải lý do vì sao đoạn quảng cáo có hình ảnh đơn giản tới nghèo nàn, ông Huy thừa nhận do kinh phí có hạn, đoạn video giới thiệu mì tôm thanh long chủ yếu do đội ngũ nhân sự công ty tự lên kịch bản từ nội dung tới hình ảnh, riêng lời bài hát do chính ông sáng tác.
"Mì tôm thanh long không mới, đã ra mắt từ tháng 1-2022 và đoạn phim giới thiệu cũng ra cùng thời điểm đó", ông kể. Theo ông Huy, gần 2 năm qua, bản thân ông cũng không nghĩ có ngày đoạn quảng cáo và món mì tôm thanh long bỗng trở nên nổi tiếng tới vậy.
"Khi video được mọi người đón nhận, giới trẻ dịch bài hát qua tiếng Anh, Trung, Thái, thậm chí hát karaoke, đám cưới... tôi cũng vui lắm", ông Huy nói.
Ông Huy chia sẻ mì tôm thanh long vốn xuất phát từ mong muốn tìm đầu ra ổn định cho bà con trồng thanh long. Chính vì vậy, ngay cả khi mì thanh long cháy hàng, điều khiến ông hạnh phúc hơn đó là trái thanh long được nâng cao giá trị, doanh nghiệp, nhà sáng tạo sẽ chú ý và làm nhiều sản phẩm từ trái thanh long.
Ngoài vị trí chủ tịch Caty Food, ông Huy đồng thời giữ chức phó chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận. "Trước khi trở thành phó chủ tịch Hiệp hội Thanh long, tôi cũng từng là người trồng thanh long nên tôi hiểu sâu sắc nỗi khổ của bà con", ông Huy nói.
Để trồng được trái thanh long, người nông dân vô cùng vất vả, "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" cùng nhiều chi phí khác nhau. Vậy mà có giai đoạn thanh long bị vứt bỏ bên vệ đường, vừa bán vừa cho, thậm chí cho bò ăn lãng phí.
"Tôi luôn trăn trở làm thế nào để giúp người trồng thanh long thoát nỗi lo 'giải cứu' mỗi khi rộ mùa, làm cách nào gia tăng giá trị cho trái thanh long Bình Thuận", ông Huy chia sẻ.
Suýt bỏ cuộc vì làm mì thanh long quá khó
Nhớ lại thời điểm 3-4 năm trước, khi bắt tay vào làm mì tôm thanh long, ông Huy nói "không nghĩ khó tới vậy, tôi đã nghĩ đơn giản cứ trộn bột mì cùng trái thanh long sẽ ra món mì thanh long".
Tuy nhiên, món mì thanh long làm hoài không xong bởi bột mì và thanh long có kết cấu và nhiệt độ chín hoàn toàn khác nhau, rất khó kết hợp.
Cuối cùng, Caty Food phối hợp cùng Trường đại học Công Thương TP.HCM và Viện Khoa học kinh tế và công nghệ Sài Gòn để nghiên cứu sản xuất mì tôm thanh long.
"Chúng tôi phải mất tới 2 năm mới tìm ra cách ứng dụng công nghệ nano để đưa thành phần trái thanh long vào sợi mì. Trong quá trình nghiên cứu, có lúc các giáo sư, chuyên gia đã nản và muốn bỏ cuộc vì quá khó kết hợp", ông kể.
Theo ông Huy, mì phối hợp rau củ có nhiều, nhưng mì trái cây chưa từng có. Đó cũng là nguyên nhân vì sao đoạn quảng cáo có câu hát "lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm".
Vì sản phẩm thời điểm đó quá mới lạ, để khẳng định với người tiêu dùng rằng trái thanh long có trong mì tôm, ông Huy kể thậm chí công ty đã phải thành lập hội đồng khoa học, được Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận thẩm định phương án với đầy đủ căn cứ, giấy chứng nhận về việc đưa trái thanh long vào sợi mì là đúng.
Khi được đặt câu hỏi làm cách nào để giữ lửa cho mì tôm thanh long, cũng như cạnh tranh với các đối thủ nặng ký, lâu năm trên thị trường, không đi vào vết xe đổ "sớm nở tối tàn" của các trend ăn uống hiện nay, ông trả lời: "Sau khi bán rộng rãi, mì tôm thanh long đã thành công chinh phục những thị trường khó tính bậc nhất trên thế giới, trong đó có Mỹ và Trung Quốc.
Tôi tin sản phẩm của chúng tôi có thể phát triển bền vững và chinh phục khẩu vị người tiêu dùng Việt".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận