Bà Phạm Phương Thảo đang trao đổi với các bạn trẻ tại diễn đàn xây dựng mẫu hình thanh niên TP.HCM - Ảnh: MINH ĐỨC
Sau Mậu Thân, đồn bót địch lấn chiếm dày đặc hơn ở miền Tây Nam Bộ, mỗi ngày như đều có tin thắng trận và cũng có tin những đồng đội, những người bạn, người thân ngã xuống trên chiến trường.
Đường hướng không thể khác
Cái giá của hòa bình đã đổi bằng sự hi sinh cao cả của biết bao cán bộ, chiến sĩ và nhân dân anh hùng, phần lớn là những người trẻ.
Vào Đảng với tôi như một đường hướng không thể khác của sự phấn đấu, của một cán bộ Đoàn. Buổi kết nạp tuy đơn sơ ngay trong nhà dân, trong vùng cài răng lược giữa ta và địch đã để lại trong tôi một cảm giác thiêng liêng, một trọng trách to lớn, nặng nề.
Từ ấy cho đến những nhiệm vụ được giao sau này, trong những tình huống hiểm nguy như lúc bị giặc bắt, tra tấn, tù đày và ngay cả khi không còn chức vụ nào tôi vẫn thấy mình phải luôn học tập, rèn luyện như một sự tự đòi hỏi tự giác.
Năm tôi vào Đảng cũng là năm anh Hai tôi, một đảng viên trẻ, một phóng viên chiến trường, hi sinh trong một trận chống càn. Sau đó mấy ngày là được tin Bác mất qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Ba tôi nói rằng đó là hai nỗi đau quá lớn đến trong cùng lúc như một thử thách quá sức chịu đựng đối với ông - một cựu tù Côn Đảo.
Anh tôi hi sinh ở cái tuổi 20 căng tràn sức sống. Với má tôi, đó là sự mất mát lớn lao không gì bù đắp. Bốn câu thơ của anh Hai vẫn như luôn âm vang trong lòng bà: "Tổ quốc ơi! Có phải/ Người sinh tôi ra bằng phẫn nộ thương đau/ Bằng trang sử tiềm tàng hay lòng tin rực cháy/ Mà trong tôi có dòng máu tự hào".
Ba má tôi là hình ảnh của thế hệ thanh niên "lên đàng", góp phần làm nên Cách mạng Tháng Tám 1945. Khi đang học Trường Collège Cần Thơ thì những biến động rung chuyển của thời cuộc đã thu hút những thanh niên yêu nước và ba tôi xếp bút nghiên làm cuộc dấn thân. Má tôi cũng tham gia hoạt động trong Hội phụ nữ cứu quốc.
Nói về cuộc đời mình, ba má tôi cho rằng đã thuận theo dòng chảy của thời gian, của lịch sử dân tộc. Chính tình thương gia đình, đồng bào, đồng chí đã đưa ba má tôi đứng vào hàng ngũ những người yêu nước. Chính việc không ngừng rèn luyện ý chí, phẩm chất con người, phẩm chất cách mạng đã giúp ba má tôi vượt qua được nhiều thử thách, nhất là những năm tháng bị địch bắt giam cầm (ba 8 năm, má 3 năm). Tuy ba má không làm chức vụ gì to tát nhưng đã rất trọn vẹn, rất sắt son với lý tưởng, niềm tin của một thế hệ.
Lúc nhỏ tôi sống với ông bà dì ở thị xã Bạc Liêu và đi học. Sau đó được vào vùng giải phóng, học tiếp rồi tham gia công tác Đoàn. Công tác Đoàn bấy giờ chủ yếu là gắn với cơ sở và ở trong dân, một năm chỉ có một vài lần về tỉnh đoàn họp.
Sống "3 cùng" với dân, những người nông dân cách mạng chân chất, hiền hòa, đó là những năm tháng quý giá giúp tôi biết gắn bó với lao động và hiểu biết nhiều hơn về cách cư xử ở đời. Có lần tôi bị lính ở đồn Vĩnh Hưng (Bạc Liêu) bắt giữ, người dân vẫn không sợ liên lụy, chạy đến nhận là con cháu...
Thực tiễn sinh động của thành phố lớn
Tôi may mắn được trưởng thành từ tổ chức Đoàn - Đội và được về thành phố này từ những ngày đầu giải phóng. Công tác Đoàn ngày ấy còn thiếu nhiều về điều kiện vật chất, kinh phí hoạt động nhưng thu hút người trẻ và rất khí thế, luôn được sự giúp đỡ của các lực lượng, các ban ngành.
Được phong trào, được tổ chức, được con người... là những cái được lớn nhất mà đội ngũ cán bộ Đoàn chúng tôi luôn hướng đến và tâm đắc trong công tác Đoàn. Những nhà lãnh đạo như chú Linh, chú Kiệt, chú Năm Xuân, chú Mười Hương... luôn đòi hỏi cao, luôn gần gũi, lắng nghe để biết được nhu cầu tuổi trẻ, luôn bao dung, nhân hậu và thương yêu lớp trẻ đến vô cùng.
Thực tiễn sinh động của thành phố lớn là môi trường tốt để người trẻ lăn lộn, trưởng thành. Kinh qua các lĩnh vực từ hoạt động đoàn thể đến công tác chính quyền, công tác Đảng, công việc được giao thường quá sức mình nhưng ở đâu tôi cũng thấy có điều kiện tốt để giao tiếp, học hỏi. Không chỉ học ở sách vở mà học qua công việc.
Thực tiễn luôn xuất hiện những điển hình, những tấm gương, luôn có những chỉ dẫn quý báu... Các chuyên gia, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, những người giỏi giang trên các lĩnh vực, kể cả những người dân bình thường luôn sẵn lòng góp ý, hiến kế vì sự phát triển của thành phố, của đất nước. Đó là sức mạnh tiềm tàng, là mạch nguồn cảm hứng, sáng tạo, luôn nâng bước, tiếp sức cho tôi.
Trưởng thành qua thời gian, điều tôi tâm đắc nhất là tấm lòng của người dân. Nếu biết dựa vào dân, vì lợi ích của dân thì tâm sáng hơn, tầm nhìn sâu rộng hơn, bớt chủ quan, phiến diện hơn trong hành xử công việc. Có lẽ bài học lớn nhất trong cuộc đời từ ngày theo Đảng chính là chữ "dân". Bài học ấy luôn vang dội, luôn thấm sâu và như luôn tươi mới, mãi mãi không bao giờ là xưa cũ, mãi mãi không bao giờ được quên.
Cuộc thi viết "Ngày tôi vào Đảng"
Cuộc thi do Thành đoàn TP.HCM tổ chức, chào mừng 90 năm Ngày thành lập Đảng 3-2 dành cho các đảng viên đang sinh sống, lao động, học tập tại TP.HCM và các tỉnh, thành trên cả nước.
Đó là những kỷ niệm, cảm xúc tự hào, niềm vinh dự trong giây phút được kết nạp Đảng, cũng có thể là kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình rèn luyện, phấn đấu của mình để được trở thành người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mỗi tác giả chỉ dự thi một bài duy nhất, không quá 1.200 chữ và bài chưa từng xuất hiện trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào trước đó. Gửi bài về NgaytoivaoDang@gmail.com, ghi rõ: bài dự thi "Ngày tôi vào Đảng", hoặc gửi trực tiếp tại địa chỉ: Phòng C4 - Ban Tuyên giáo Thành đoàn TP.HCM (số 1 Phạm Ngọc Thạch, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM), hạn chót ngày 15-1-2020.
Q.Linh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận