16/10/2020 13:57 GMT+7

Chú của công nhân mất tích: 'Đau khổ khi nhóm cứu hộ vì con em chúng tôi mà hi sinh'

ĐỨC DỤC - HỮU KHÁ - TẤN LỰC
ĐỨC DỤC - HỮU KHÁ - TẤN LỰC

TTO - Một cán bộ tham gia tìm kiếm các nạn nhân nói: "Sau nhiều giờ đào xúc lớp đất đá, hàng trăm chiến sĩ đã lặng người đau đớn khi nhìn thấy thân xác của đồng đội".

Chú của công nhân mất tích: Đau khổ khi nhóm cứu hộ vì con em chúng tôi mà hi sinh - Ảnh 1.

Đưa các anh trở về với gia đình - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Trò chuyện với Tuổi Trẻ Online, cán bộ có mặt tìm kiểm ở trạm kiểm lâm 67 cho biết trực tiếp chỉ huy các lực lượng cứu hộ tại vị trí xảy ra sự cố có thiếu tướng Hà Thọ Bình, phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Quân khu 4.

Lời kể người trong cuộc

Tại hiện trường, một lượng đất lớn đã san phẳng khu vực nhà ở của trạm bảo vệ rừng 67 và trượt dài tràn ra con đường phía trước. Các lực lượng đã nhanh chóng, khẩn trương sử dụng máy múc, máy xúc đổ thu dọn đất đá để tiếp cận vị trí nhà ở.

Cùng với đó lực lượng chức năng đã khoanh vùng vị trí trọng điểm để tiếp tục mở rộng khu vực tìm kiếm, nỗ lực tranh thủ từng giờ, từng phút, chạy đua với thời gian tìm kiếm các nạn nhân tại vị trí nhà kiểm lâm. 

Sau đó, lần lượt các di vật như áo mưa, mũ cối và nhiều thi thể nhóm tìm kiếm dần được phát hiện. Như thấu hiểu nổi đau các gia đình thân nhân, hàng ngàn chiến sĩ các đơn vị trực thuộc Quân khu 4 từ thông tin, công binh, cứu nạn cứu hộ và các lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế liên tục được tăng viện cùng xe múc, xe ủi tiến vào nơi sạt lở tìm kiếm không mệt mỏi.

Có mặt tại điểm đón thi thể 13 cán bộ chiến sĩ, ông Trương Văn Hoạt - chú ruột của công nhân mất tích Trương Đình Nội ở thủy điện Rào Trăng 3 - rơi lệ. "Chúng tôi đau khổ cho kiếp nạn con em mình gặp phải bao nhiêu thì cũng đau khổ bấy nhiêu khi hay tin nhóm cứu hộ vì con em mình mà hi sinh giữa rừng sâu nước thẳm.

Nỗi đau này chúng tôi xin chia sẻ với các gia đình quân nhân và cán bộ tìm kiếm. Chúng tôi sẽ mãi khắc ghi trong tim mình sự hi sinh cao cả của những quân nhân, cán bộ. Họ đã vì an nguy nhân dân mà chấp nhận mạo hiểm đến đánh cược cả tính mạng của mình"

Chú của công nhân mất tích: Đau khổ khi nhóm cứu hộ vì con em chúng tôi mà hi sinh - Ảnh 2.

Cụ già mang túi củ quả đến ủng hộ nấu cơm cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn - Ảnh: HỮU KHÁ

Tình quân dân lúc hoạn nạn

Mấy hôm nay, cái ngã ba ở thôn Tân Lập, xã Phong Xuân, nơi có tấm biển lớn màu xanh nổi bật hàng chữ trắng với dấu mũi tên chỉ đường và khoảng cách lên các công trình thủy điện luôn đông nghịt người đứng ngóng vọng phía núi. 

Để đảm bảo cho công tác  cứu hộ, các lực lượng chức năng đã phong tỏa tuyến đường 71 bắt đầu từ ngã ba này. Thân nhân của các thành viên đoàn công tác đang mất tích cũng về chờ chực, mong ngóng.

Liên tục các chuyến xe chở quân và tăng quân vào hiện trường. Một cuộc chạy đua không chỉ để tìm mọi cách nhanh nhất có thể cứu hộ người mất tích mà con cả một cuộc chạy đua với thời tiết bởi sau hai ngày tạnh ráo, những trận mưa bắt đầu đổ xuống vùng tây Phong Điền. 

Nếu mưa ập xuống, không chỉ cuộc tìm kiếm sẽ thêm khó khăn mà chính địa điểm tìm kiếm cũng có nguy cơ bị lũ cô lập. Cho dù không có phép ầmu nào diễn ra thì cũng bằng mọi giá đưa được anh em về với gia đình !

Đêm 14-10, chiếc taxi dừng trước khu nhà anh em phóng viên đang ở trọ để tác nghiệp. Hỏi ra mới biết đó là ba người chị gái của trung tá Bùi Phi Công - cục phó cục hậu cần Quân khu 4 - nghe tin dữ đã từ Vũng Tàu lặn lội lên tận Phong Xuân này để ngóng tin đứa em của mình. 

Lúc trung tá Công còn làm chủ nhiệm hậu cần của BCH Quân sự tỉnh Quảng Trị trước khi ra Quân khu 4 chúng tôi đã vài lần gặp chàng sĩ quan trẻ đầy năng lực này...

Và bao nhiêu sĩ quan trong đoàn công tác tiền trạm cứu nạn nữa. Khi tập hợp tương đối đầy đủ thông tin về chuyến đi của tướng Man, tôi vẫn nghĩ họ lên đường vì mệnh lệnh duy nhất là cứu dân. Vì họ là lính !

Nhưng những ngày ở Phong Xuân theo dõi cuộc tìm kiếm cứu nạn, tôi chợt có thêm một câu trả lời khác. Cái xã khá xa xôi này vốn vắng lặng đã trở nên ồn ào hơn khi anh em chiến sĩ làm nhiệm vụ cứu nạn xuất hiện. 

Tranh thủ học sinh nghỉ học do lũ lụt, một nhà bếp dã chiến được dựng lên, chị em hội phụ nữ hai xã Phong Xuân, Phong Mỹ phụ nấu nướng lo hàng trăm suất cơm hằng ngày cho anh em đang làm nhiệm vụ. Những người dân vừa mang chút sản vật vườn nhà đến, vừa phụ làm bếp.

Túi quả của cụ già

Trưa 15-10 một bà cụ ôm một túi đầy ắp quả, có vẻ hơi nặng so với sức của cụ, hỏi chúng tôi "Bếp bộ đội ở mô hở con?". Nhìn dáng cụ là biết đang mang đi ủng hộ cho lính.

Chúng tôi đưa cụ cùng túi quả vào gặp anh em bộ đội, hỏi ra mới biết cụ tên là Đặng Thị Kiến, năm nay đã 82 tuổi. Chồng của cụ là liệt sĩ Nguyễn Bá Quỵ đã hi sinh trên mảnh đất Phong Xuân này.

Cái túi quà nhỏ của bà cụ già lặn lội mang cho những người lính thật ra là một câu trả lời vì sao những người lính đã bất chấp hiểm nguy để đến với dân trong ngày hoạn nạn, và họ ngã xuống cũng vì dân, vì những điều giản dị và yêu thương như bà mẹ Phong Xuân đã dành cho người lính!

Đêm kinh hoàng ở Rào Trăng 3 qua lời kể của người trở về Đêm kinh hoàng ở Rào Trăng 3 qua lời kể của người trở về

TTO - Giữa đêm khuya, nhận tin nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 bị núi lở vùi lấp, các công nhân đội mưa đến khu vực bị nạn, chỉ thấy toàn đất đá. Mọi thứ im bặt. Sau khi tìm kiếm, cứu được 7 người, họ băng rừng, nhai mì tôm tìm đường sống.

ĐỨC DỤC - HỮU KHÁ - TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên