21/02/2022 10:32 GMT+7

Chốt chặn những khuất tất, gian dối

TRẦN HUỲNH thực hiện
TRẦN HUỲNH thực hiện

TTO - 'Vai trò của hội đồng ngành rất quan trọng. Cần phải có một quy trình chọn được những chuyên gia đầu ngành, thực sự công tâm tham gia hội đồng ngành để hội đồng thực sự là chốt chặn ngăn những gian dối trong học thuật, nghiên cứu khoa học'.

Chốt chặn những khuất tất, gian dối - Ảnh 1.

Không thể có chuyện hội đồng ngành không thẩm định được các tạp chí giả mạo hay các tạp chí săn mồi rồi yêu cầu Hội đồng Chức danh nhà nước làm thay. Nếu hội đồng ngành không thẩm định được các khía cạnh chuyên môn thì tồn tại làm gì?

GS.TSKH Ngô Việt Trung

GS.TSKH NGÔ VIỆT TRUNG - nguyên viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, thành viên Hội đồng Giáo sư ngành toán học - khẳng định như vậy khi nói về giải pháp củng cố sự liêm chính trong khoa học, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng quy trình công nhận chức danh GS, PGS.

* Theo ông, việc Hội đồng Giáo sư nhà nước đưa ra các tiêu chí về số bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có cần thiết và quy định hiện nay của hội đồng có kẽ hở nào để bị lợi dụng?

- Các nhà khoa học quốc tế thường được đánh giá qua công bố hay các phát minh sáng chế của họ. Việc đưa ra các tiêu chí công bố quốc tế hay phát minh sáng chế là cần thiết, vì cộng đồng khoa học Việt Nam còn yếu kém chưa có nhiều chuyên gia đủ sức đánh giá thành tích khoa học trong từng lĩnh vực. 

Thực ra, tiêu chuẩn công bố cho các GS, PGS của chúng ta hiện vẫn còn thấp hơn so với mặt bằng thế giới. Nhiều người cho rằng một số ngành xã hội không cần phải công bố quốc tế. Nếu những ngành này có những bài phân tích xã hội chính xác thì việc đăng ở các tạp chí quốc tế không phải là khó. 

Do vậy, nếu không có được những phân tích như vậy thì ngành đó làm thế nào có thể đưa ra những biện pháp giúp cho đất nước phát triển. Nếu chỉ nói những lời sáo rỗng thì cần gì các "nhà khoa học" của các ngành đó.

Đã là tiêu chuẩn cứng thì thế nào cũng có kẽ hở. Không thể lập ra một danh sách cụ thể các tạp chí đạt chuẩn cho từng ngành được, vì vậy mới cần một hội đồng ngành xét hồ sơ và quan trọng hơn là đánh giá trình độ thực của ứng viên. 

Nên nhớ rằng tiêu chuẩn công bố chỉ là điều kiện tối thiểu để được hội đồng ngành xét. Điều kiện tiên quyết chính là ứng viên có xứng đáng với chức danh hay không.

* Trong thời đại thông tin hiện nay, mọi thứ rồi sẽ "lộ sáng", tính liêm chính trong khoa học ngày càng được củng cố, coi trọng và không ai có thể thoát khỏi sự "soi chiếu" của xã hội mạng, nên nếu ai đó đã lỡ "nhúng chàm" thì không nên làm ứng viên GS, PGS?

phong van1

GS.TSKH NGÔ VIỆT TRUNG

- Tiêu chuẩn đầu tiên cho các chức danh trong chương 2, điều 4, quyết định 37 của Thủ tướng là "không vi phạm đạo đức nhà giáo", có thể hiểu bao gồm cả liêm chính khoa học. 

Rất khó quy định cụ thể thế nào là "đạo đức". Tuy nhiên, chúng ta có thể theo thông lệ quốc tế để biết và xử lý những trường hợp vi phạm liêm chính khoa học. 

Đã là tiêu chuẩn đầu tiên thì không thể phong chức danh cho những người vi phạm tiêu chuẩn này, kể cả khi họ đạt các tiêu chuẩn cứng khác. 

Cũng giống như ở các bản án, cần phải có thời hạn phục hồi cho những người vi phạm sau 2 - 3 năm. Thời hạn này phải đủ tính nghiêm khắc để răn đe những người khác. 

Qua đây, chúng ta hoan nghênh Hội đồng Giáo sư nhà nước công khai lý lịch khoa học của các ứng viên. Lý lịch khoa học ủy viên hội đồng của các hội đồng ngành cũng nên công khai để đảm bảo không có ai bị "nhúng chàm".

* Rõ ràng, vấn nạn "đạo văn", vi phạm liêm chính trong khoa học hiện nay được cho là còn khá nhức nhối. Làm sao để khắc phục, thưa ông?

- Để chống lại hiện tượng vi phạm liêm chính khoa học, các cơ quan chức năng phải mạnh dạn xử lý ngay các trường hợp bị phát hiện theo thông lệ quốc tế. Đặc biệt là phải xử lý những kẻ đầu têu trong những chuyện này. 

Vừa qua, ở bên Mỹ tòa án đã kết tội hiệu trưởng một trường đại học đã giả mạo số sinh viên học trực tuyến nhằm nâng xếp hạng đại học này về học trực tuyến lên hàng đầu. Ông này không những phải ngồi tù mà còn phải đền một số tiền rất lớn cho các học viên của trường này. 

Tôi cho rằng đối với ai tổ chức mua bán bài báo cần phải xử lý về tội lừa đảo hay tiếp tay lừa đảo.

Thật sự nghiêm trọng

Theo GS.TSKH Ngô Việt Trung, thực trạng liêm chính khoa học ở Việt Nam thật sự nghiêm trọng, không chỉ riêng trong việc đăng bài ở các các tạp chí mạo danh mà còn thể hiện qua nhiều khía cạnh từ chuyện "đạo văn", giả mạo số liệu nghiên cứu, mua bán công bố.

Nguy hiểm hơn, không chỉ cá nhân mà còn có cả đại học vi phạm liêm chính khoa học. Nguyên nhân chính là những vụ việc này không được các cơ quan chức năng xử lý trong một thời gian dài. Nhiều người đầu têu những việc này thậm chí còn được vinh danh về những cách "đi tắt đón đầu" trong khoa học.

Việt Nam đang tiệm cận Pakistan - nước nổi tiếng thế giới về thành tích công bố rởm và xếp hạng đại học rởm. Thậm chí một số đại học chúng ta còn tinh vi hơn trong việc ngụy tạo thành tích nghiên cứu để có xếp hạng cao trên thế giới.

Cứ tưởng tượng xem nếu chúng ta cho phép tồn tại những đại học hay giáo sư kiểu này thì họ sẽ đào tạo ra những con người cũng coi chuyện gian dối là bình thường.

Liêm chính khoa học: Không có chỗ cho gian dối, khuất tất Liêm chính khoa học: Không có chỗ cho gian dối, khuất tất

TTO - Cứ tới mùa xét công nhận chức danh GS, PGS lại rộ lên những lùm xùm về các ứng viên, nhất là phần công bố quốc tế.

TRẦN HUỲNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên