10/12/2019 09:30 GMT+7

Chống trộm, quên phòng chống cháy

ĐỖ NGÔ TRẦN
ĐỖ NGÔ TRẦN

TTO - Lo chống trộm nhưng quên lo chuyện thoát thân khi chẳng may 'bà hỏa' viếng. Chuyện cứu hỏa do vậy chỉ trông chờ phía mặt tiền. Nhưng mặt tiền thường được rào chắn, khóa quá kỹ nên lúc có sự cố nạn nhân bị mắc kẹt trong nhà.

Chống trộm, quên phòng chống cháy - Ảnh 1.

Lực lượng Công an PCCC huyện Nhà Bè, TP.HCM tập huấn PCCC cho dân cư tại chung cư Hoàng Anh Gia Lai (Gold House) - Ảnh: TỰ TRUNG

Vụ cháy tại một căn nhà trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7, TP.HCM) rạng sáng 7-12 khiến hai phụ nữ cùng một cháu bé tử vong.

Người dân đến ứng cứu nhưng bất lực, căn nhà được khóa bằng nhiều ổ khóa, nạn nhân bị mắc kẹt bên trong, người bên ngoài không vào được.

Nhiều nhà ở đô thị hiện nay không có lối thoát hiểm. Mặt tiền phía trước nhà nhiều khi bị tận dụng để lắp đặt bảng hiệu, bảng quảng cáo, các loại dây điện, vật liệu dễ cháy.

Theo quy chuẩn ngành xây dựng, giữa các nhà dân phải có khoảng trống không chỉ để thoát hiểm khi có sự cố mà còn để đối lưu gió và thông khí, bố trí hạ tầng kỹ thuật. Thế nhưng, điều này chưa được quan tâm thật sự khi xây nhà.

Khi xây nhà, ít ai nghĩ đến lối thoát hiểm phòng khi có cháy. Một số khu dân cư mới có quy hoạch lối thoát hiểm phía sau (khoảng giữa hai dãy nhà) nhưng số này không nhiều. Nhiều khu nhà dự án mới, thiết kế hai nhà chung nhau vách tường phía sau.

Không ít khu cư xá từ xưa có chừa lối thoát hiểm phía sau đến 4m nhưng người ta lấn dần, mất lối xe cứu hỏa.

Nhiều nhà dù có cửa hậu, có bancông, có lối thoát hiểm nhưng gia chủ hàn kín bằng khung sắt và có khi khóa nhiều lớp. Có hộ gia đình lại tận dụng không gian thoát hiểm làm kho chứa đồ đạc.

Lo chống trộm nhưng quên lo chuyện thoát thân khi chẳng may "bà hỏa" viếng. Chuyện cứu hỏa do vậy chỉ trông chờ ở phía mặt tiền. Nhưng mặt tiền thường được rào chắn, khóa quá kỹ thành ra lúc có sự cố nạn nhân lại bị mắc kẹt trong nhà.

Hỏa hoạn là một nguy cơ xảy đến mọi lúc, mọi nơi. Đáng lo là bất kỳ đâu cũng dễ thấy những vật liệu dễ bắt lửa được bày ngổn ngang. Một sơ suất nhỏ cũng có thể thành nguồn lửa lớn như rò rỉ nguồn điện từ một dây điện tróc vỏ, bếp nấu ăn gần vật liệu dễ cháy, thói quen vứt tàn thuốc bừa bãi...

Nhiều thảm họa cháy lớn xảy ra do bất cẩn trong thi công với tia lửa hàn các công trình nhà ở, hàng quán. Cũng không ít vụ cháy nổ xuất phát từ nhà xưởng trong khu dân cư khi khắp nơi vẫn còn thói quen dùng nhà ở làm xưởng.

Nhà bạn có lối thoát hiểm chưa? Mỗi gia đình nên trang bị sẵn bình chữa cháy trong nhà để chủ động trong các tình huống, dập tắt lửa khi vừa mới cháy, tự cứu mình và người thân trong khi chờ ứng cứu từ bên ngoài.

Phòng trộm, thay vì bịt kín bằng khung sắt, có thể gắn thêm bản lề có khóa để mở khi cần thiết. Các loại bình chữa cháy có thể mua với giá vài trăm ngàn cũng là điều mọi nhà có thể tự trang bị.

VIdeo: Cháy tiệm giặt ủi, 1 người Hàn Quốc nhảy ra khỏi nhà và bị thương nặng VIdeo: Cháy tiệm giặt ủi, 1 người Hàn Quốc nhảy ra khỏi nhà và bị thương nặng

TTO - Ngày 9-12, đã xảy ra vụ cháy tại tiệm giặt ủi phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, khiến 3 người bị thương trong đó có một người Hàn Quốc bị thương nặng khi nhảy từ lầu 2 xuống đất.

ĐỖ NGÔ TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên