Bữa nay chồng tôi đi chợ. Anh dậy từ tờ mờ sáng, hỏi tôi có cần mua thêm thứ gì ngoài những thứ tôi yêu cầu không, rồi quày quả dẫn xe ra. Ngó thấy mặt cũng hơi có chút căng thẳng, kiểu mặt của mấy bà nội trợ chính thống, mỗi lần cuối tuần đi chợ lòng trăm mối lo: mua gì ngon, ăn gì sạch...
Nhà tôi dù ở thành phố nhưng tôi hay đi chợ hơn là siêu thị hoặc đặt hàng sẵn trên mạng. Đi chợ có niềm vui riêng của đi chợ, vì thường thứ ta mua sẽ không giống lắm với thứ dự định sẵn trong đầu.
1. Đàn ông đi chợ, nghĩ cũng có cái sướng, toàn có sẵn bí kíp và kinh nghiệm của mấy bà vợ rành chợ như rành lòng bàn tay. Tối hôm trước, tôi đã "vẽ" sẵn đường đi nước bước cho chồng: anh đi thẳng vào cổng chợ, bỏ qua bốn sạp hàng trái cây, thấy cái sạp thịt đầu tiên, nơi có bà già với cô con gái tóc tém, thịt ở đó ngon mà người bán cũng dễ chịu nữa.
Mua rau thì từ sạp thịt quẹo phải, rồi thẳng tới ngã ba, ngay góc có chị chuyên bán rau quê nhãn lồng, mồng tơi... Từ chỗ chị bán rau đi luồn vô mé bên trong là hàng cá, tôm...
Chồng tôi, lần đầu tiên đi chợ, nghe lời vợ răm rắp, mua đúng, đủ mấy món đã được dặn. Dòm cái giỏ thực phẩm là tôi biết mua ngay mấy chỗ tôi chỉ sẵn chớ không có "mạo hiểm".
Nói chung, đi chợ thì nhiêu khê rồi, người đi chợ hay để cái gọi là cảm xúc lấn át: vui, buồn, tức giận, mặc cả, thêm, bớt, hớn hở... vì luôn có giao tiếp mà, khác với chuyện vô siêu thị, không cần giao tiếp vẫn mua được hàng.
Chợ thì muốn lựa bó cải hay trái bí cũng phải đi 2-3 sạp hàng, so đọ coi chỗ nào ngon. Mua vì sự vừa mắt với hàng hóa, mà cũng kèm theo thuận tai và... vừa mắt cả với người bán nữa. Bà nội trợ đã "chấm" chỗ sạp hàng nào, lần sau cứ thẳng tới đó là coi như có những món ưng ý vừa bụng, lại còn coi nhau như quen biết lâu năm mà hỏi cả chuyện đời tư...
2. Lần thứ hai đi chợ, chồng tôi đã biết cộng vô thêm cái kinh nghiệm của riêng bản thân, anh hớn hở khoe trái bầu mình mua "non ghê", khoe mua được mớ rau má vườn mà người ta nhổ lên còn để cả củ, anh vui hẳn vì "lâu rồi mới thấy rau má có củ, hồi xưa bố nói ăn củ rau má chắc răng lắm", khoe mua được mớ cá bống trứng "hiếm hoi lắm nha em, cả chợ có một người bán đó".
Để trái dưa hấu, món "nằm ngoài danh mục yêu cầu" ra bàn, anh nói "mùa này ăn dưa hấu mới mát"... Nghe chồng khoe "thành tích", tôi cũng thấy mắc cười trong bụng, tất nhiên là tôi khen lấy khen để cái sự đi chợ có đầu tư, làm cho mình riêng biệt chớ không đi theo "lối mòn" của anh.
3. Hồi nhỏ, tôi có hay đi bán rau với má ở chợ quê. Má tôi hễ thấy đàn ông nào xách giỏ tới mua hàng là luôn bán rẻ hơn, lựa giùm mấy rau trái tươi hơn, còn cho thêm khi trái chanh, nhúm ớt...
Hỏi má sao bán cho "mấy chú" thì bao dung hơn bán cho "mấy thím", má nói: "Để về khỏi bị bà vợ rầy, tại đàn ông mua đồ ít trả giá, ít cò kè thêm bớt". Má nói, chính vì vậy nhiều sạp hàng thấy đàn ông sà vô mua là coi như "trúng mánh" bán cho mắc, biết người ta không lựa kỹ thì lấy đại mấy cái trầy xước úng, mình đừng làm vậy.
Chắc vì thấu hiểu chuyện chợ búa của đàn ông là chuyện chẳng đặng đừng, nên má tôi bán rẻ đã đành, mà để cho chắc ăn, bà cũng ít khi nào cho... ba tôi đi chợ. Theo má tôi, ba dễ "bị lừa" bởi mấy bà tiểu thương "ngọt xớt", rồi trả tiền món hàng mắc gấp ba gấp bốn, với má, nhiêu tiền chợ của ba là má mua "cả cái chợ".
Thiệt, từ nhỏ tới lớn quen theo nếp nghĩ của má, tôi cũng thấy anh chồng mình đi chợ hơi "tội tội". Kiểu quá ngây thơ giữa trùng vây mấy bà tiểu thương "lanh như điện" nên anh cũng có lúc "sập bẫy", có bữa mua trúng trái bí thì già, quả cà thì héo, ký khổ qua bị sâu đục... Thấy mặt chồng buồn so, ra vẻ có lỗi cũng thương thương nên tôi không nỡ "lên mặt". Người có "chuyên môn" đi chợ như tôi cũng không kham nổi mua được món ngon hoài.
Nhưng, từ chuyện đi chợ thay vợ, tôi thấy chồng mình đã có chút thay đổi và biến chuyển trong việc nhìn nhận chuyện chợ búa, cơm nước, nội trợ của vợ.
Đi chợ không phải chỉ để đi chợ, mà ở đó còn cả "triết lý chợ" chồng cần phải thấu đáo. Đi chợ không chỉ để làm no bao tử, mà bao hàm cả chuyện sức khỏe, năng lượng tích cực, cảm xúc đồng cảm... của vợ của chồng với nhau.
Nói gì thì nói, thay vì gặp sự "chẳng đặng đừng, cực chẳng đã"... mấy anh chồng mới đi chợ, đó chỉ là đi chợ "giùm" những bữa vợ không đi được, thì cũng nên có sự tình nguyện. Vợ sẽ vui hơn nếu hôm nay nghe chồng nói: em ở nhà, anh đi chợ thay cho.
Hãy đi chợ, chỉ để anh thấy người vợ nhỏ bé của mình đã "chiến đấu" thế nào trong cuộc sống, đã vén khéo sao cho gia đình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận