TS Nguyễn Thái Học, phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, chủ tịch Hội đồng khoa học, phát biểu tại hội nghị sáng nay 6-7 - Ảnh: HÀ THANH
Sáng 6-7, Ban Nội chính Trung ương, Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức hội thảo khoa học "Phòng, chống tham nhũng tiêu cực - Vấn đề lý luận và thực tiễn".
Tại hội thảo, TS Nguyễn Thái Học, phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, chủ tịch Hội đồng khoa học, cho biết trong 5 năm qua, có trên 87.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó có trên 46.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật do liên quan đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến, tự chuyển hóa", chiếm 52,9%.
Ông Học cho rằng nguyên nhân quan trọng là công tác phòng, chống tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn phân tán ở nhiều cơ quan, chưa đặt dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của một đầu mối; chưa gắn kết chặt chẽ giữa phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực.
"5 thứ nạn đạo"
Ông Nhị Lê, nguyên phó tổng biên tập tạp chí Cộng Sản, nêu 5 thứ "nạn đạo" trong "trận tuyến" phòng chống tham nhũng, tiêu cực làm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.
Cụ thể là: đạo chích (tham nhũng vặt); đạo danh (tham nhũng về tên tuổi, công trình của người khác làm của mình); đạo vật (tham nhũng vật chất, tiền bạc); đạo vị (ăn cắp chức vụ); đạo tâm (nạn ăn cắp lòng tin).
Ông Lê đề nghị gắn chống tham nhũng, tiêu cực với chống thất thoát, lãng phí bởi xưa nay lãng phí là "làn ranh mờ", rất khó định tội. Tuy nhiên nếu "chỉ chống tham nhũng, tiêu cực mà không chống thất thoát, lãng phí thì mới chống một nửa".
"Mà chống một nửa còn tệ hại hơn cả không chống" - ông quả quyết.
Hội thảo khoa học "Phòng, chống tham nhũng tiêu cực - Vấn đề lý luận và thực tiễn" - Ảnh: HÀ THANH
"Lãng phí, thất thoát là lô cốt để tham nhũng có thể dựa vào, núp bóng. Lãng phí kỳ thực là chuyển từ túi này sang túi khác, tham nhũng dưới chiêu bài lãng phí chạy tội rất nhanh, rất khó xử", ông Nhị Lê chỉ ra và cho rằng đây là "lô cốt" cần công phá.
Qua thực tiễn xét xử các vụ án hình sự, ông Lê Hữu Thể, nguyên phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cho biết trước đây tham nhũng chỉ liên quan đến kinh tế, nay có thêm tham nhũng về chính trị, chính sách.
Điểm lại các vụ án như vụ án Bình Dương gần đây, ông Thể chỉ ra nổi lên ở những vị lãnh đạo cấp tỉnh, ở ủy ban, tỉnh ủy là "có thể sử dụng quyền lực ủng hộ doanh nghiệp này ủng hộ doanh nghiệp kia, tiêu diệt doanh nghiệp này, hạn chế doanh nghiệp kia".
"Đó là tiêu cực. Mục đích cuối cùng của tiêu cực là vụ lợi, phải đạt được cái gì đấy", ông Thể nhìn nhận.
Tập trung, thống nhất trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Chỉ ra tiêu cực gây ra các tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", PGS.TS Nguyễn Viết Thông, tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương, bổ sung tình trạng "lợi ích nhóm".
Trong khi đó, ông Phạm Anh Tuấn, nguyên phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, cho rằng vấn đề sống còn đối với Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền hiện nay là chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, trong hệ thống chính trị.
"Nếu không chống được tiêu cực, không chống được các nguy cơ kia thì chúng ta sẽ đánh mất đi tính chính danh của Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền", ông Tuấn chỉ ra.
"Cái gì nhân dân ghét?"
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đặt ra bên cạnh những kết quả, thành tích đạt được, cần phải có hoạt động chống tham nhũng, tiêu cực.
"Rất nhiều vấn đề đặt ra, nhưng theo tôi cái gì nhân dân đang ghét thì ban chỉ đạo phải đặt vấn đề đó”, ông Hùng nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận