08/11/2013 17:30 GMT+7

Chống siêu bão Haiyan bằng tất cả giải pháp

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh từ Thanh Hoá đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên chiều 8-11 bàn giải pháp đối phó với siêu bão Haiyan sắp tràn vào biển Đông và hướng đến các tỉnh miền Trung nước ta.

* Hai Phó Thủ tướng vào miền Trung chống bão

7DiOiyKe.jpgPhóng to
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ ngành và địa phương từ Thanh Hoá đến Cà Mau về phòng chống bão Hải Âu - Ảnh T.PHÙNG

Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Nguyễn Xuân Phúc, các bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Thủ tướng cho biết: “các cơ quan dự báo quốc tế đều nhận định bão Haiyan là siêu bão, có cấp gió lớn nhất, cường độ mạnh nhất của bão. Mới đây bản tin trên kênh truyền hình CNN (chiếu trước hội nghị- PV) cho rằng đây cơn bão chưa từng thấy trên trái đất này và là cơn bão lớn nhất năm nay. Theo dự báo, bão vào biển Đông và đổ bộ vào một số tỉnh miền Trung nước ta và có tốc độ di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp.”

Trước diễn biến của bão, Thủ tướng nêu rõ: trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nước ta, cấp ủy Đảng, Chính phủ, quân đội, công an, các cơ quan trung ương đến địa phương là phải có sự tập trung chỉ đạo cao nhất, quyết tâm cao nhất bằng tất cả các giải pháp, bằng tất cả các lực lượng với mục tiêu cao nhất là giảm thiểu tới mức thấp nhất các thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân và nhà nước. Huy động tất cả các nguồn lực, cách làm để đạt mục tiêu trên."

Ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương - cho biết: "Đây là cơn bão thứ 31 hình thành trên Tây Bắc Thái Bình Dương. Bão di chuyển rất nhanh tốc độ trung bình 30-35km/giờ. Khi mới hình thành là cấp 8 nay đã lên tới cấp cuối của cấp cảnh báo bão là 17,cấp độ mạnh nhất trong bảng cấp gió quy định của Uỷ ban bão quốc tế trong vòng 2 ngày. Cơn bão này có phạm vi bán kính gió từ cấp 6 trở lên từ 400- đến 500km.

Theo ông Tăng dự kiến chiều tối 8-11 bão vượt qua Philippines vào biển Đông và trở thành cơn bão số 14 trên biển Đông, hướng vào đất liền nước ta (áp thấp nhiệt đới vừa qua được thống nhất gọi là bão – PV).

Ngay từ chiều nay (8-11) phía Đông biển Đông đã có gió mạnh cấp 9 đến cấp 11.

Khi vào biển Đông bão vẫn tiếp tục di chuyển nhanh với tốc độ 30km/g.

“Đây là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong lịch sử từng vào biển Đông và có thể sánh ngang với những cơn bão mạnh nhất trên trái đất từ trước tới nay là bão Andrew, bão Katrina vào Mỹ, bão Nargis đổ bộ vào Mianmar, khả năng là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong lịch sử đổ bộ vào đất liền nước ta” – ông Tăng nhận định.

Theo ông Tăng từ nay cho đến ngày bão đổ bộ, vùng biển đặc biệt nguy hiểm là giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sức gió cấp 15- đến 17 giật trên cấp 17.

Từ trưa và chiều 9-11 vùng biển ngoài khơi Trung bộ có gió mạnh cấp 8 đến cấp 10 sau tăng lên cấp 11, 12.

Dự kiến tâm bão tiếp cận bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Huế từ 4 giờ sáng 10-11 rồi đi trượt lên phía Bắc từ Huế đến Quảng Bình, đến 10 giờ sáng ảnh hưởng đến Quảng Bình tới Nghệ An.

Do ảnh hưởng của bão, vùng có gió cấp 12 đến 16, giật trên cấp 16 từ Quảng Ngãi đến Quảng Bình, vùng có gió cấp 8 đến cấp 12, giật cấp 13-14 từ các tỉnh Thanh Hoá- Hà Tĩnh, Bình Định và Phú Yên.

Với sự di chuyển của bão, ông Tăng đề mọi sự chuẩn bị trên bờ phải hoàn thành trước 21-22 giờ 9-11 vì từ nửa đêm trên bờ có gió mạnh.

Về mưa, dự báo từ chiều 9-11 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên có mưa to đến rất to rồi mưa lan dần ra các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá và Bắc bộ. Từ đêm 10-11 trung du và đồng bằng Bắc bộ có mưa to đến rất to kéo dài đến ngày 12, một số nơi kéo sang ngày 13-11. Lượng mưa từ Phú Yên đến Thanh Hoá, bắc Tây Nguyên và đồng bằng trung du Bắc bộ có mưa phổ biến 200mm, có nơi 500-600mm.

Với cường độ bão rất mạnh, ông Tăng dự báo khu vực ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi cần đề phòng nước biển dâng kết hợp triều cường cao từ 4-6m, sóng biển từ 5-8 m, vùng gần tâm bão sóng có thể cao trên 10m.

Theo ông Tăng cơn bão này có sức huỷ diệt từ trước tới nay đổ bộ vào nước ta. Trong lịch sử nước ta bị nhiều cơn bão mạnh nhưng chỉ từ cấp 12 đến cấp 13 chưa bao giờ có bão trên cấp 13. Nay có cơn bão lên cấp 17 bằng độ V theo thang báo bão của Mỹ là cấp lớn nhất, có sức huỷ diệt mạnh nhất.

Việt Nam chưa có trải nghiệm về cơn bão mạnh như thế này nhưng đánh giá từ các nước đã trải nghiệm bão mạnh nhất thì có thể mô tả: với bão cấp 17 thì người và gia súc có nguy cơ bị thương và tử vong rất cao do mảnh vỡ rơi, bay xuống. Nhà cấp 4 hoặc nhà khung có thể phá huỷ gần như hoàn toàn dù tất cả các nhà cấp 4 bất kể xây dựng kết cấu tốt thể nào; tỉ lệ cao các khung nhà sắt, bê tông của công xưởng nhà máy bị phá huỷ tường hoặc mái với tỉ lệ cao; phá huỷ ghê gớm cho mái nhà, cửa sổ, cửa ra vào. Số lượng lớn các mảnh vỡ do gió bay trong không khí rất nguy hiểm vì có tốc độ như tên bay; cửa sổ không chằng chống sẽ bị giật vỡ...

Với cơn bão mạnh chưa từng thấy, ông Tăng cho biết khi bão vào gần bờ các trạm quan trắc trong bờ sẽ đo được nên sẽ tăng thời lượng dự báo từ chiều 9-11 lên 1 tiếng 1 lần để cung cấp thông tin phòng tránh kịp thời. Ông Tăng đề nghị các cơ quan chức năng xem xét cụ thể và có thể công bố tình trạng khẩn cấp đối với những vùng bão có thể đổ bộ.

Trước diễn biến của bão và ý kiến các địa phương, Thủ tướng nhận định diễn biến của bão phức tạp nên chưa thể chủ quan khẳng định sớm được vị trí đổ bộ chính xác. Tuy nhiên, việc phòng chống phải ở mức cao nhất bằng mọi cách, mọi biện pháp.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương chỉ đạo, tàu thuyền về nơi tránh trú, neo đậu an toàn, không cho tàu ra biển... Thực hiện sơ tán dân khỏi những nơi nguy hiểm, chủ động cho học sinh nghỉ học trong ngày 9-11 và dừng tất cả mọi cuộc họp để triển khai phòng chống bão... Các bộ ngành, địa phương với nhiệm vụ, chắc năng của mình, tập trung triển khai mọi giải pháp, lực lượng, phương tiện ứng phó với bão.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác tổ chức di dân, đưa dân khỏi nơi nguy hiểm, nhất là vùng ven sông, ven biển, nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất; chủ động cho học sinh nghỉ học; có các giải pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn hồ chứa, đập thủy điện; tổ chức các lực lượng chức năng túc trực, sẵn sàng cho công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Thủ tướng cử hai phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Hoàng Trung Hải cùng bộ trưởng Cao Đức Phát vào các địa phương miền Trung trực tiếp chỉ huy việc phòng chống bão.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên