Nguy hiểm hơn khi nhiều đoạn đường đê cũng là đường giao thông bị sạt lở xuống sông.
Liên tục sạt lở
Trên địa bàn xã Phú An (huyện Cai Lậy) vừa xảy ra một điểm sạt lở dài 120m ven bờ sông Phú An. Điểm sạt lở này ăn sâu vô đất liền khoảng 5-6m, đất sụp xuống dòng nước. Bốn căn nhà gần đó có nhiều dấu hiệu bị chấn động do vụ sạt lở gây ra.
Vụ sạt lở cũng cắt đứt đường đi lại của hàng trăm người dân địa phương. Đoạn đường sạt lở vừa là đường giao thông và cũng là tuyến đê ngăn lũ, ngăn triều cường nên vụ sạt lở đã ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn hộ dân phía trong đê.
Ngày 19-7, đi dọc theo bờ sông Phú An, thuộc xã Phú An (huyện Cai Lậy), rất nhiều điểm sạt lở đang được khắc phục tạm. Một số chỗ đã xảy ra hiện tượng rạn nứt mặt đường, hàm ếch bờ đê...
Trước đó, rạng sáng 3-7, sông Ba Rài thuộc ấp Hội Trí, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cũng xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng làm tuyến lộ 54B có chiều dài khoảng 20m, ăn sâu vào bên trong từ 4-5m bị sụp hoàn toàn xuống sông khiến giao thông bị chia cắt.
Khoảng hai tháng trước, cũng trên địa bàn xã Hội Xuân từng xảy ra một vụ sạt lở làm khoảng 30m đoạn lộ 54B bị sụp xuống sông Ba Rài.
Làm đường đê tách biệt với đường giao thông
Một điểm chung ở các vụ sạt lở trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Tiền Giang là sạt lở ở đường giao thông kết hợp đê ngăn triều cường. Vị trí sạt lở là các đoạn cong của sông, kênh rạch.
Trong buổi khảo sát thực tế với các sở ngành tại các điểm sạt lở trên địa bàn huyện Cai Lậy ngày 19-7, ông Nguyễn Văn Vĩnh - chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - cho biết tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
"Sạt lở chia cắt giao thông, dù bà con có thể đi bằng đường khác nhưng thường xa hơn, bất tiện hơn. Cần nghiên cứu làm đường giao thông phải lùi xa khỏi bờ sông, kênh rạch để tránh nguy cơ sạt lở, đảm bảo việc đi lại của bà con không bị đứt đoạn khi xảy ra sạt lở", ông Vĩnh nói.
Trên thực tế, hầu hết các tuyến đường giao thông dọc các bờ sông, kênh rạch đều tận dụng mặt đê ngăn triều để đi lại. Do một phần ảnh hưởng của dòng chảy, một phần do các phương tiện nặng chạy trên mặt đê khiến tình trạng sạt lở xảy ra thường xuyên hơn.
Theo ông Vĩnh, một nguyên nhân khác nữa khiến tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch xảy ra nhiều hơn trong thời gian qua là do dọc các bờ sông trồng nhiều cây lớn. Khi có dông lốc cây nghiêng ngả, chấn động đến vùng đất dưới gốc khiến nguy cơ sạt lở tăng cao.
Ông Vĩnh đề nghị các sở ngành, các huyện cần hỗ trợ chỗ ở cho người dân bị ảnh hưởng sạt lở, vận động người dân di dời, không để người dân do chủ quan, luyến tiếc tài sản mà ở lại điểm sạt lở.
Đồng thời, tính phương án làm tuyến đường khác vòng ra phía sau nhà dân và điểm sạt lở vừa xảy ra, trả lại chức năng đường đê, hạn chế phương tiện lưu thông để tránh tình trạng sụp lún, sạt lở về sau.
Gần 80 tỉ đồng đầu tư kè chống sạt lở
Ngày 19-7, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết đơn vị đang đầu tư hai công trình kè chống sạt lở tại xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo) và xã Tân Phong (huyện Cai Lậy) với tổng mức đầu tư khoảng 79,5 tỉ đồng.
Công trình kè chống sạt lở tại xã Xuân Đông có chiều dài 530m với tổng mức đầu tư 35,8 tỉ đồng, thời gian thi công trong vòng 150 ngày. Còn công trình kè chống sạt lở tại xã Tân Phong có chiều dài 350m với tổng mức đầu tư 43,7 tỉ đồng, thời gian thi công trong vòng 150 ngày.
Nguồn vốn để thực hiện hai công trình kè chống sạt lở do trung ương hỗ trợ mỗi công trình 30 tỉ đồng, còn lại do kinh phí tỉnh đối ứng. Dự kiến hai công trình kè chống sạt lở này sẽ hoàn thành trong tháng 10-2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận