Những điểm mới này trong dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến người dân trên cổng thông tin của bộ, được kỳ vọng sẽ khiến hoạt động quảng cáo lành mạnh hơn, loại bỏ quảng cáo sai sự thật.
Những người nổi tiếng tham gia quảng cáo sẽ không còn vô can như luật cũ. Nhưng để có những quy định chặt chẽ hơn trong luật sửa đổi là điều cần bàn.
Sửa luật để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn
Theo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nhiều người lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của mạng xã hội, lợi dụng người có ảnh hưởng (KOL) để đưa các nội dung quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Thời gian qua, không ít các KOL giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc cho người tiêu dùng.
Luật Quảng cáo hiện chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Do đó, chưa có chế tài hoặc ràng buộc với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trong trường hợp nội dung quảng cáo sai sự thật.
Luật cũng chưa yêu cầu người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải tìm hiểu, sử dụng sản phẩm và có trách nhiệm về các nội dung cung cấp.
Dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi đã tìm cách lấp những khoảng trống này. Theo đó, các KOL tham gia quảng cáo phải đảm bảo ba yêu cầu.
Trong đó đáng chú ý là khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm.
Dự thảo cũng bổ sung thêm điều 15a quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là phải chịu trách nhiệm trực tiếp về nội dung quảng cáo, liên quan đến tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; cũng như yêu cầu phải thẩm định sản phẩm quảng cáo.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ về dự thảo sửa đổi này, ông Nguyễn Trường Sơn - chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, thành viên ban soạn thảo dự thảo - nói tiêu chí xây dựng luật là đảm bảo ngăn chặn quảng cáo sai sự thật, bảo vệ người tiêu dùng.
Luật Quảng cáo hiện hành còn lỗ hổng dẫn đến thực tế vừa qua một số KOL quảng cáo không đúng sự thật nhưng cơ quan chức năng không xử phạt được vì chưa có quy định.
Ông Sơn cũng lưu ý bên cạnh luật thì vẫn cần tới dư luận xã hội để đấu tranh loại bỏ những hành vi quảng cáo sai trái.
Về những quy định của dự thảo có vẻ "khắt khe" với những người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, các KOL tham gia quảng cáo, ông Sơn nói những quy định mới ban đầu có thể gây tranh cãi nhưng những sửa đổi không nằm ngoài mục đích dẫn dắt hoạt động quảng cáo phát triển đúng đắn, không quảng cáo sai sự thật, bảo vệ người tiêu dùng.
Cần chặt chẽ và các bộ tiêu chuẩn nghề
Ở góc độ chuyên gia chính sách công, bà Nguyễn Lan Phương, Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông - IPS, lại có một số lưu ý.
Bà Phương nói cơ quan quản lý mong muốn giải quyết tình trạng nội dung quảng cáo không đúng với chất lượng sản phẩm trên thực tế qua quy trách nhiệm cho người chuyển tải quảng cáo.
Tuy nhiên, cần phân biệt hai loại: nội dung quảng cáo sản phẩm do đơn vị sản xuất, kinh doanh chuẩn bị để KOL chuyển tải và nội dung do KOL tự sản xuất dựa trên trải nghiệm cá nhân.
Đối với loại thứ nhất, KOL không có khả năng kiểm soát sản phẩm và nội dung quảng cáo so với chất lượng thực tế.
KOL chỉ có khả năng yêu cầu đơn vị sản xuất, kinh doanh cung cấp bằng chứng (nếu có) về chất lượng sản phẩm. Trong trường hợp này KOL không phải chịu trách nhiệm cho hành vi mà mình không có khả năng bảo đảm thực hiện.
Bên cạnh đó, theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023, KOL quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội được coi là "bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng".
Theo đó, bên thứ ba không phải chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ trong trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ.
Đối với loại nội dung thứ hai, KOL không có khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm nhưng có khả năng kiểm soát nội dung quảng cáo so với chất lượng thực tế dựa trên trải nghiệm cá nhân.
Trong trường hợp này, KOL có khả năng phải chịu trách nhiệm với nội dung quảng cáo mà mình đăng tải, thể hiện.
Nếu KOL đăng nội dung quảng cáo sai sự thật gây thiệt hại cho người tiêu dùng, người này có thể phải chịu trách nhiệm dân sự, hành chính hoặc hình sự theo quy định pháp luật.
Bà Phương nói các quy định mới trong dự thảo cần làm rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng nói riêng, tránh đánh đồng hai trường hợp.
Bà Lan Phương cũng chia sẻ kinh nghiệm một số nước để đảm bảo quảng cáo của KOL trên mạng xã hội giữ được tính minh bạch, trung thực, chống lại các quảng cáo lừa đảo khách hàng, ngoài Luật Quảng cáo thì còn có những bộ tiêu chuẩn của ngành.
Như Hướng dẫn tiêu chuẩn quảng cáo cho KOL của Hiệp hội Quảng cáo Úc, Công bố 101 tiêu chuẩn dành cho KOL trên mạng xã hội của Ủy ban Thương mại liên bang Hoa Kỳ (FTC), Hướng dẫn KOL thực hiện quảng cáo một cách rõ ràng do ba cơ quan Anh quốc là Cơ quan Tiêu chuẩn quảng cáo (ASA), Cơ quan Thị trường và cạnh tranh (CMA), Ủy ban Thực thi quảng cáo (CAP) ban hành.
Ngoài ra, ở cấp độ quốc tế, Phòng Thương mại quốc tế (ICC) đưa ra Quy tắc truyền thông tiếp thị và quảng cáo...
Luật Quảng cáo phải thật chi tiết
Thường các đơn vị ký hợp đồng với nghệ sĩ để quảng cáo sản phẩm theo nhiều hình thức khác nhau. Ngoài quảng cáo trên các phương tiện truyền thông thì nghệ sĩ còn viết bài đăng trên mạng, đưa đường link sản phẩm vào, quay clip...
Tôi vừa từ chối hợp tác với một số cửa hàng để quảng cáo vì họ không đưa ra được giấy tờ pháp lý cho sản phẩm này.
Tiền thì ai chẳng thích nhưng quan điểm của tôi khi được mời quảng cáo cho sản phẩm nào thì trước tiên phải tìm hiểu sản phẩm đó là gì, thuộc công ty nào, đã có đủ giấy phép, xuất xứ nguồn gốc, được cấp phép lưu hành ra thị trường chưa rồi mới dám nhận.
Theo tôi Luật Quảng cáo cần phân loại rõ ràng về lĩnh vực sản phẩm nữa thì khách quan hơn. Nếu quảng cáo một bộ quần áo, chai nước hoa, ta không khó để cảm nhận ngay được.
Còn món ăn, nước uống, sản phẩm sức khỏe cần có một quá trình dài mới có thể biết tốt xấu thế nào. Và tùy từng cơ địa của mỗi người cũng cho kết quả khác nhau. Vì vậy, luật cần chi tiết hơn và phân biệt rõ sản phẩm về sức khỏe, đồ ăn thức uống với những sản phẩm khác.
Mặt khác, nếu phải trải nghiệm sản phẩm thì mất một thời gian dài mới có kết quả. Lâu như vậy nhưng các nhãn hàng cần quảng cáo gấp. Vậy quy định có cần thiết khi những đơn vị liên quan đã kiểm duyệt và cấp đầy đủ giấy tờ cần thiết?
Diễn viên Quang Sự
Nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm
Khi nghệ sĩ quảng bá rộng rãi một nhãn hàng nào đó để công chúng biết đến chính là nhờ danh tiếng của người nghệ sĩ.
Đã là người của công chúng, khi nhận quảng cáo thì sản phẩm đó phải tốt, có ích lợi cho người dùng, người hâm mộ.
Tôi luôn yêu cầu nhà sản xuất, đơn vị quảng cáo phải đưa giấy phép của cơ quan chức năng, tư cách pháp nhân của sản phẩm.
Kiểm tra kỹ và đủ thông tin tôi mới nhận lời, tôi rất kỹ trong vấn đề này.
Tất cả các sản phẩm nhận lời quảng cáo, tôi đều đã dùng và cảm nhận hiệu quả.
Nói ra sợ đụng chạm, nếu không có bệnh thì tôi không bao giờ nhận lời quảng cáo loại thuốc bổ, thuốc hỗ trợ điều trị bệnh đó.
Tôi ủng hộ quy định người quảng cáo, nhất là nghệ sĩ, phải chịu trách nhiệm trực tiếp về nội dung quảng cáo liên quan đến tính năng, chất lượng, công dụng của hàng hóa, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, đặc biệt là người hâm mộ.
Tuy nhiên, những quy định này phải hợp tình hợp lý trong văn bản pháp luật. Cần chế tài đủ sức răn đe để không tiếp tục xảy ra tình trạng người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm kém chất lượng.
Nghệ sĩ Kim Xuân
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận