Tuyến đường Lương Định Của, quận 2 đọng nước triền miên - Ảnh: TỰ TRUNG
Nhiều chuyên gia đã cảnh báo như vậy tại tọa đàm "Giải pháp chống lún cho TP.HCM" do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 21-8.
Tuy nhiên, theo chuyên gia về nước của Hà Lan, tiến sĩ Rien A.C. Dam, cơ hội "sửa sai" của TP.HCM vẫn còn.
Giữ lại nguồn nước ngầm
Chia sẻ câu chuyện lún, ngập ở Hà Lan, ông Rien Dam cho biết trước đây Hà Lan cũng có những bước đi sai trong sử dụng tài nguyên đất và nước.
Trong đó, việc sử dụng những cối xay gió thay cho sức người khai thác trữ lượng lớn nước ngầm dần dẫn đến nền đất ở Hà Lan lún thấp 4-6m so với mặt nước biển.
Ông Rien Dam nhận định TP.HCM đang ở thời kỳ đầu của tình trạng lún nên vẫn còn cơ hội "sửa sai". Việc này nghiên cứu các giải pháp cụ thể chứ không thể làm vội vàng.
"Ngay cả việc khai thác nước ngầm cần có một chính sách để kiểm soát chứ không thể ngay lập tức cấm ngay được" - ông nói.
Ông Dư Phước Tân - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho rằng các công trình hạ tầng, đặc biệt các công trình giao thông, đã góp phần làm tụt mực nước ngầm dẫn đến lún.
Tình trạng bêtông hóa trong xây dựng, công trình giao thông, lấn chiếm sông rạch... làm hạn chế quá trình bổ sung tự nhiên cho nguồn nước ngầm.
"Thời gian qua, quá trình làm mới vỉa hè các địa phương có dành một phần vỉa hè để phát triển mảng xanh, giúp tăng khả năng thấm nước tự nhiên nhưng vấn đề này chưa thành một quy định cụ thể" - ông Tân cho hay.
Về việc sử dụng, khai thác nước sạch, nước ngầm, ông Tân nói: người xài nước máy không chỉ trả chi phí xử lý nước mà còn phải trả phí bảo vệ môi trường trên giá nước sạch. Nhưng những người xài nước giếng không phải đóng gì cả.
Cần có giải pháp kinh tế đánh vào nước giếng để việc khai thác tài nguyên nước này được hiệu quả hợp lý.
Giải pháp hiệu quả nhất, theo ông Trần Văn Chín - tổng giám đốc Công ty VMCtech, là xây dựng các hồ điều tiết ngầm. Việc triển khai theo công nghệ Nhật Bản rất dễ thực hiện, ngay cả những nơi có diện tích nhỏ dọc các vỉa hè.
Ông Chín cũng lo ngại thành phố có chủ trương chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp sang đất đô thị, tiếp tục bêtông hóa, khả năng bổ sung nước ngầm tiếp tục thu hẹp.
Ông Chín đề xuất TP.HCM nên nghiên cứu ban hành quy định cụ thể, có quy hoạch làm sao giữ lại cho được ao hồ, sông rạch tự nhiên.
Nhiều kết quả khảo sát, quan trắc cho thấy mực nước ngầm nhiều nơi đã tụt hơn 1m so với trước. Nhưng thành phố chưa có kế hoạch để bổ sung nguồn nước này
Có dấu hiệu phục hồi
PGS.TS Lê Văn Trung - chủ nhiệm bộ môn hệ thống thông tin tài nguyên và môi trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), phó chủ tịch Hội Trắc địa bản đồ TP.HCM - cho rằng nhiều đô thị trên thế giới đều gặp phải việc này.
"Nhưng nếu các thành phố có cao độ nền cao hơn 20m so với mực nước biển thì việc lún 1 - 2m đối với họ không là vấn đề.
Ở TP.HCM, nhiều nơi chỉ cao hơn mực nước biển 1,1 - 1,4m, triều cường (có thể đến 1,72m - PV) nhiều nơi đã ngập. Nếu mặt đất lún 1m, nước biển dâng 30cm thì nhiều nơi thấp dưới mực nước biển" - ông Trung nói.
Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM đưa ra tỉ lệ khai thác nước ngầm hiện nay hơn 700.000 m3/ngày, theo ông Trung, con số này chưa đầy đủ. Cần có biện pháp kiểm soát, quản lý để không gây lãng phí nguồn tài nguyên này.
"Vấn đề là khai thác nước ngầm bao nhiêu một ngày là đủ và các biện pháp thực hiện" - ông Trung nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Lê Hữu Quang, trưởng phòng kinh doanh dịch vụ khách hàng Tổng công ty TNHH một thành viên Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), cho rằng nhu cầu sử dụng nước sạch khoảng 1,8 triệu m3/ngày (gồm cả 115.000m3 nước ngầm).
Lộ trình giảm khai thác nước ngầm của thành phố, đến năm 2025 chỉ còn khai thác 30.000 m3/ngày.
Ông Huỳnh Thanh Nhã, trưởng phòng quản lý tài nguyên nước khoáng sản và biển đảo Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, cho biết kết quả quan trắc nước ngầm thời gian qua cho thấy mực nước ngầm ở một số nơi bị tụt nghiêm trọng nhưng cũng có nơi có dấu hiệu phục hồi.
Phải có bản đồ địa chất
Ông Đỗ Tấn Long
Theo ông Đỗ Tấn Long, trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước - Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, cần phải có bản đồ địa chất từng khu vực, các công trình xây dựng phải dựa vào bản đồ địa chất thủy văn, địa chất công trình.
Do TP.HCM có nền địa chất khác nhau, có nơi phía dưới là túi bùn nhưng có nơi là địa chất ổn định nên quá trình xây dựng công trình, dự án phải theo kỹ thuật khác nhau.
Từ bản đồ địa chất trên, cần cụ thể hóa vào quy hoạch, thành những quy định, quy chuẩn về xây dựng, cốt nền... mới là yếu tố bền vững trong việc chống lún.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận