01/12/2019 10:29 GMT+7

Chồng lẩn trốn 14 năm vì giết người tình, vợ con mắc tội che giấu tội phạm

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Trước bục khai báo, bị cáo mới chợt nhận ra mình 'đã sai cả rồi'. Nhưng thời gian, sức khỏe và bản án tù dài bằng cả cuộc đời dường như không cho ông cơ hội sửa sai.

Chồng lẩn trốn 14 năm vì giết người tình, vợ con mắc tội che giấu tội phạm - Ảnh 1.

Tổ ấm với người vợ hiền và hai đứa con trai khôi ngô không đủ để níu chân người đàn ông sa vào mối quan hệ ngoài luồng với một người phụ nữ khác. Trong phút "ma xui quỷ khiến", bị cáo đã gây ra cái chết cho người tình, rồi vô tình kéo cả vợ con vào vòng lao lý.

Mối tình oan nghiệt

Nguồn cơn câu chuyện từ 21 năm trước, khi bị cáo X. từ TP.HCM lên Đồng Nai lập xưởng tái chế nhựa và có quan hệ tình cảm với bà D. - người phụ nữ hơn mình 12 tuổi. Ông X. nói rằng ban đầu chỉ có ý định lợi dụng bà D. để có tiền làm xưởng, nhưng về sau thì có tình cảm thật.

Nhưng tréo ngoe là ông X. vốn đã có vợ con đề huề, nên hai người thống nhất sẽ không can thiệp vào chuyện gia đình của nhau. Song, "cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra", sau nhiều năm vụng trộm, bà D. yêu cầu ông X. công khai chuyện tình cảm.

"Hôm đó, bị cáo chở bà D. về Sài Gòn để gặp người quen. Khi xuống tới nơi thì bà D. kêu bị đau bụng nên bị cáo và bà D. vào khách sạn để có chỗ cho bả nghỉ ngơi và sinh hoạt cá nhân. Sau đó bà D. không chịu về mà cứ đòi bị cáo dẫn vợ ra để nói chuyện tình cảm, nhưng bị cáo không đồng ý" - bị cáo X. kể. 

Mâu thuẫn khiến hai người xảy ra xô xát. Trong lúc cãi vã, bị cáo X. đã dùng ghế đập vào đầu bà D. và xô bà D. té ngã xuống sàn nhà. Hôm sau, nhân viên dọn phòng khách sạn phát hiện bà D. đã chết, còn X. đã trốn thoát.

Trước tòa là người đàn ông với mái tóc đã điểm bạc, đôi chân gầy guộc như quá sức khi phải chống đỡ cả phần thân người to lớn - hệ quả từ căn bệnh tiểu đường và suy thận giai đoạn cuối.

Sau khi giết người tình, ông X. bỏ trốn suốt 14 năm trời. Sau đó do bệnh tình ngày một nặng, ông X. xin vợ con được trở về nhà để gia đình chăm sóc. Sự trở về của ông X. đã khiến cho bà H. - vợ ông - và hai người con trai phải liên lụy. Cùng với ông X., vợ và hai con ông cũng phải ra hầu tòa vì tội "che giấu tội phạm".

Cáo trạng truy tố ông X. tội giết người với tình tiết tăng nặng vì phạm tội có tính chất côn đồ. Suốt phiên tòa, bị cáo X. một mực khẳng định khi đến với nhau, ông và bà D. xác định là tình bạn thân thiết, sau này mới nảy sinh tình cảm. Do bà D. quá ghen đánh mình trước nên mới dẫn đến cớ sự này.

"Bị cáo có tình cảm với bà D. sao còn nhẫn tâm đánh người mình yêu thương như vậy? Chưa nói đến việc có tình cảm, khi thấy người khác bị thương, phản xạ của một người xa lạ là đưa họ đến bệnh viện chứ không thể bế lên giường đắp chăn rồi lau vết máu và bỏ trốn như bị cáo. Lời khai của bị cáo là mâu thuẫn, không hợp logic" - vị kiểm sát viên phân tích. "Lúc đó bị cáo bối rối quá..." - bị cáo X. nói.

"Bị cáo suy nghĩ gì về hành vi của mình, đã làm tròn trách nhiệm người cha, người chồng hay kể cả là một người bạn tốt chưa? Nếu bị cáo tỉnh ngộ, nếu bị cáo đi đầu thú thì có lẽ vợ con bị cáo không phải đứng trước tòa như hôm nay" - tòa hỏi. "Bị cáo thấy mình đã sai cả rồi. Bị cáo rất hối hận" - bị cáo X. cúi đầu nói.

Gánh tội vì... tha thứ

Bốn người trong một gia đình ngồi sát vào nhau trên băng ghế bị cáo. Nghe chồng khai, bà H. chỉ im lặng cúi đầu. Gương mặt bà hằn lên nếp nhăn nhọc nhằn, còn mái tóc đã bạc quá nửa.

Cáo trạng nêu năm 2005, công an đến nhà bà H. thông báo việc ông X. - chồng bà đang bị truy nã về tội giết người. Sau đó, công an nhiều lần đến nhà kiểm tra và xóa tên ông X. khỏi sổ hộ khẩu nên cả bà H. và hai người con đều biết rõ ông X. bị truy nã. 

Tuy nhiên, thời điểm này căn nhà mẹ con bà H. ở đang thế chấp ngân hàng, nên ông X. thường xuyên liên lạc với người nhà để đáo hạn ngân hàng. Thời gian này mẹ con bà H. cũng thường xuyên chu cấp tiền bạc cho ông X. để ông điều trị bệnh. 

Đến năm 2016, ông X. bệnh nặng không thể tự đi được nên cả ba người thống nhất để ông X. ở lại nhà chăm sóc và điều trị bệnh. Khi ông X. bị bắt, bà H. và các con cũng bị truy tố về tội che giấu tội phạm.

Luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng về pháp luật, hành vi của bà H. và các con đã sai, thế nhưng xét đến tình cảm vợ chồng, cha con, về đạo hiếu của người Á Đông thì hành vi của họ có thể hiểu được và xin hội đồng xét xử cho các bị cáo hưởng một mức án khoan hồng. Sau khi nghị án, tòa tuyên phạt ông X. mức án chung thân về tội giết người, còn bà H. và các con được hưởng án treo.

Các con của ông X. kể rằng ông bị suy thận nặng nên một tuần phải chạy thận ba lần. Bao nhiêu tiền của cứ thế đội nón ra đi, đồ đạc giá trị trong nhà cũng đã bán hết. Giờ cha ở trong trại, tiền chạy thận được Nhà nước chi trả nhưng trong trại điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nên gia đình vẫn mong muốn được bảo lãnh cha về lo liệu, chăm sóc những ngày cuối đời.

Sau bao biến cố, bà H. nói rằng bà không giận cũng không trách chồng dẫu ông đã có lúc không vẹn tròn đạo nghĩa, bởi: "Gia đình mà, làm sao bỏ được".

Sau khi hội đồng xét xử tuyên án, bà H. và hai con trai cố nán lại một chút để nhìn chồng, nhìn cha trong tích tắc khi ông được dẫn giải ra xe bít bùng về trại tạm giam.

Cây chà trên biển của ai? Cây chà trên biển của ai?

TTO - TAND huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải trả lại cây chà được sử dụng trong việc hỗ trợ đánh bắt cá trên biển.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên