29/11/2019 09:10 GMT+7

Cây chà trên biển của ai?

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - TAND huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải trả lại cây chà được sử dụng trong việc hỗ trợ đánh bắt cá trên biển.

Cây chà trên biển của ai? - Ảnh 1.

Theo đơn khởi kiện, bà Huỳnh Thị Kim Chi (nguyên đơn dân sự của vụ kiện) làm nghề biển; năm 1998, bà có mua ghe đánh bắt xa bờ đặt tên là Phúc Hưng. Đây là loại ghe lưới rút, do đó phải sử dụng cây chà (còn gọi là cội chà). Cội chà giúp tạo bóng mát, làm nơi trú ngụ của các loài hải sản.

Rắc rối cội chà ngoài biển...

Năm 1998, bà Chi tạo nên "cây chà" (viết tắt là cây chà 23,48), đặt tên là cây chà Phúc Hưng. Cũng trong năm 1998, ông Huỳnh Vân Sơn (anh trai bà Chi) - chủ cây chà Anh Kim (gọi tắt là cây chà 19,49) thuộc vùng nam Biển Đông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, không có nhu cầu khai thác nên cho bà Chi khai thác, và bà Chi cũng đặt tên là cây chà Phúc Hưng.

Đến năm 2014, bà Chi bán ghe khai thác hải sản mang số hiệu BV 4997TS cho người khác nhưng không bán cây chà 19,49. Năm 2016, bà Chi mua ghe mang số hiệu BV 94789TS và tiếp tục đến khai thác tại cây chà 19,49 thì phát hiện ông Nguyễn Tiến Thanh đang khai thác và sử dụng cây chà 19,49. Qua trao đổi, bà Chi được ông Thanh cho biết đã mua lại cây chà 19,49 từ chị ruột của bà Chi với giá 80 triệu đồng.

Bà Chi đã nhiều lần liên hệ yêu cầu ông Thanh trả lại cây chà 19,49 nhưng ông Thanh không đồng ý. Bà Chi cho rằng việc mua bán cây chà của ông Thanh là không hợp lý vì chị gái của bà Chi không phải là chủ sở hữu cây chà. Bà Chi khởi kiện ra tòa yêu cầu ông Thanh trả lại cây chà 19,49 để bà khai thác.

Ngược lại, khi bị kiện ra tòa, ngày 13-6-2017, ông Thanh cũng có đơn phản tố yêu cầu tòa công nhận cây chà 23,48 (cũng của bà Chi) mà ông Thanh nói đã mua của ông Huỳnh Quang Phương theo giấy mua bán chà lá ngày 2-9-2015. Yêu cầu phản tố này của ông Thanh cũng không được bà Chi đồng ý vì bà Chi cho rằng chỉ có bà mới là chủ sở hữu của cây chà này nên không ai có quyền bán cho ông Thanh. Hiện nay, cây chà 23,48 bà Chi đang khai thác, sử dụng.

Cây chà của ai?

Theo trình bày của ông Thanh thì do có nhu cầu cần cội chà để phục vụ cho việc khai thác, đánh bắt thủy hải sản nên ngày 2-9-2015, ông Thanh đã mua lại cả hai cây chà trên nhằm tạo bóng mát để thu hút cá, tôm, mực và các loại thủy sinh vật khác tới trú ẩn, sinh sản.

Trong đó, cây chà 23,48 ông Thanh mua lại của ông Huỳnh Quang Phương (là em ruột bà Chi) với giá 120 triệu đồng, có làm giấy tay mua bán với nhau. Nguồn gốc cây chà 23,48 là của ông Phương, có ghe đặt tên là Phúc Hưng. 

Ông Phương là chủ ghe và cháu ruột ông Phương là thuyền trưởng kiêm tài công, đã đánh bắt tại vị trí cây chà 23,48 này từ rất lâu nhưng đến khoảng năm 2011, ông Phương bỏ ghe nằm bờ và năm 2012 bán ghe cho người khác, vị trí đánh bắt 23,48 bỏ trống 3 năm. 

Đến năm 2015, do có nhu cầu cần chà lá để đánh bắt nên ông Thanh hỏi mua và ông Phương đồng ý bán lại cho ông Thanh. Việc mua bán đã hoàn thành, ông Thanh đã giao đủ tiền cho ông Phương, nhưng đến tháng 1-2017, bà Chi cho ghe đến chiếm cây chà 23,48 và khai thác, sử dụng cho đến nay. 

Ông Thanh đề nghị bà Chi trả lại cây chà 23,48 cho ông Thanh và đề nghị tòa án công nhận cây chà 23,48 thuộc quyền sở hữu của ông Thanh.

Còn cây chà 19,49 ông Thanh mua lại của bà Huỳnh Thị Kim Hoa (chị gái ruột bà Chi) với giá 80 triệu đồng, có làm giấy tay mua bán với nhau. Nguồn gốc cây chà 19,49 của bà Hoa, trước đây bà Hoa có ghe đánh bắt ở cây chà này. Đến khoảng năm 2011, bà Hoa bán ghe cho người khác, cây chà 19,49 bỏ trống đến năm 2015 thì bà Hoa bán cho ông Thanh.

Tại tòa, bà Hoa và ông Phương thừa nhận có bán hai cây chà cho vợ chồng ông Thanh như ông Thanh khai. Ngoài ra, ông Huỳnh Quang Phương cũng cung cấp lời khai cho rằng nguồn gốc cây chà 23,48 này tên là Phúc Hưng. 

Cây chà này ông Phương xác định là sở hữu chung giữa ông Phương và bà Chi vì hai người có hùn tiền làm ăn chung với nhau. Hiện nay, cây chà này bà Chi đang khai thác, sử dụng. 

Tại thời điểm ông Phương bán cây chà 23,48 cho ông Thanh, bà Chi không biết vì trước đây bà Chi còn thiếu ông Phương một số tiền nên ông Phương bán để cấn trừ nợ.

Ông Phương và bà Hoa đồng ý với yêu cầu phản tố của ông Thanh, đề nghị tòa án công nhận ông Thanh được quyền sở hữu cây chà 19,49 và được quyền sở hữu 50% cây chà 23,48 cùng với bà Chi.

Trong khi đó, ông Huỳnh Vân Sơn (anh ruột của bà Chi, ông Phương, bà Hoa) cho biết nguồn gốc cây chà 19,49 do một mình ông Sơn đặt chà (tạo dựng) vào năm 1995. Cả ghe và chà đặt tên là Anh Kim. Đến năm 1998, do bị bệnh không làm biển nữa và lúc đó bà Chi cũng mới sắm ghe nên ông Sơn cho bà Chi cây chà 19,49, bà Chi đặt tên ghe và cây chà 19,49 là Phúc Hưng. Ông Sơn khẳng định ông chưa từng bán cho bà Hoa cây chà 19,49.

Đối với cây chà 23,48, ông Sơn khẳng định nguồn gốc là của bà Chi sáng lập năm 1998 cùng với chiếc ghe Phúc Hưng và cây chà này cũng đặt tên là cây chà Phúc Hưng. Cây chà này của một mình bà Chi, ông Huỳnh Quang Phương không liên quan gì đến cây chà này. Từ trước đến nay không có tập quán nào bán ghe là đương nhiên bán cả cây chà, việc mua bán ghe có kèm theo cây chà hay không do sự thỏa thuận giữa bên mua và bên bán.

Ngoài ra, tòa cũng mời những người có quyền và nghĩa vụ liên quan từng làm tài công cho các ghe lưới rút, những người cùng đánh bắt hải sản tại địa phương thì những người này thừa nhận 2 cây chà là của bà Chi, và các nhân chứng cung cấp lời khai cho tòa giống như lời khai của bà Chi. Họ cũng cho biết tập quán của địa phương không có quy định nào là bán ghe phải bán cả chà, mà việc bán chà hay không là do 2 bên thỏa thuận.

Trong quá trình tố tụng, ông Nguyễn Tiến Thanh đã cung cấp hai giấy tay về việc mua bán chà giữa ông Thanh và bà Hoa, ông Phước. Trên thực tế thể hiện ông Thanh khai thác, sử dụng cây chà 19,49 từ ngày 2-9-2015 đến nay và cây chà 23,48 sử dụng đến ngày 27-2-2017 thì bị ghe của bà Chi đến chiếm. Do đó, ông Thanh đề nghị tòa công nhận 2 cây chà này là của ông.

Theo xác minh tại UBND thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồn biên phòng Phước Tỉnh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì việc làm chà và mua bán chà do cá nhân những người làm biển biết với nhau, không thông báo cho chính quyền địa phương và hiện nay cơ quan có thẩm quyền cũng không quản lý việc sử dụng chà trong việc đánh bắt trên biển.

Căn cứ vào lời khai của đương sự, nhân chứng và người có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng như tập quán đánh bắt hải sản tại địa phương, hội đồng xet xử tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Chi, không chấp nhận phản tố của ông Thanh. Công nhận 2 cây chà nêu trên thuộc quyền sở hữu của bà Chi.

Đặt chà để dụ cá vào trú ẩn

Chà là một công trình nhân tạo đặt dưới đáy biển, kết cấu bởi các vật nặng để cố định vị trí cội chà như: xác vỏ tàu thuyền, xác vỏ xe, các sọt đá, lá dừa, cây tre và các vật liệu liên kết như: dây nilông, dây sóng lá, dây củ mì... kết thành khối vật thể (gọi tắt là cội chà) nhằm tạo bóng mát và nhiều khu vực trú ẩn để thu hút cá, tôm, mực và các loại thủy sinh vật khác tới trú ẩn, sinh sản.

Có hai loại chà được ngư dân áp dụng là chà nổi và chà chìm. Chà nổi là cội chà liên kết với vật nổi trên mặt nước như phao, cờ, cây tre để xác định vị trí cội chà ở trên biển. Chà chìm là cội chà không có vật nổi, do chủ chà muốn giữ bí mật vị trí cội chà của mình.

Hai người cha và chuyện nuôi con sau ly hôn ở tòa án Hai người cha và chuyện nuôi con sau ly hôn ở tòa án

TTO - Người này phân bua "Tui lấy đâu ra tiền để trợ cấp nuôi con 5 triệu đồng một tháng theo yêu cầu của bả"; người kia lại tìm đủ cách đòi nhận nuôi 2 con tự kỷ ở bên Mỹ: "Từ khi tôi về VN, vợ cũ ở Mỹ không chăm sóc các con được chu đáo...".

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên