04/08/2019 13:33 GMT+7

Khi anh đã là chồng người ta...

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - “Ngày anh làm đám cưới vợ mới, 3 mẹ con tôi lủi thủi. Ngày các con anh đau bệnh, tôi phải ôm con đi cấp cứu nửa đêm thì anh ở đâu mà giờ anh tính toán chi li” - người phụ nữ nói giữa tòa, giọng chị nghe như tiếng nấc nghẹn.

Khi anh đã là chồng người ta... - Ảnh 1.

Bảy năm trước, khi họ ly hôn, chị ôm hai con ra khỏi nhà. Bảy năm qua, căn nhà từng là tổ ấm của anh với chị đã trở thành tổ ấm của anh với người phụ nữ khác. Rồi đến khi ra tòa, anh mặc cả với chị từng đồng tiền trợ cấp nuôi con.

Bảy năm qua, căn nhà của chị anh sử dụng, anh đưa vợ mới vô ở. Chị ấy phải ôm con đi thuê nhà ở chỗ khác. Anh giờ ổn định hết, anh có nhà, có vợ cùng lo lắng mọi việc. Anh phải thương chị một mình nuôi hai con anh mới phải.

Một thành viên hội đồng xét xử

Tổ ấm tan vỡ

Phiên xét xử phúc thẩm vụ ly hôn, tranh chấp nuôi con và chia tài sản chung được Tòa gia đình và người chưa thành niên, TAND TP.HCM mở vào một ngày cuối tháng 6. Cũng như đa số vụ ly hôn khác, nếu tòa không hỏi thì anh chị lặng thinh, chẳng thèm nói với nhau một lời. 

Cách đây 16 năm, họ kết hôn và có những ngày hạnh phúc ngắn ngủi. Bảy năm sau ngày kết hôn, anh đâm đơn ra tòa xin ly hôn vì mâu thuẫn, thường xuyên cãi vã. Hai đứa con trai xinh xắn cũng không thể nào giúp cha mẹ hàn gắn gia đình.

Tháng 3-2013, hai người được tòa án công nhận thuận tình ly hôn. Chỉ 10 ngày sau khi tòa án có quyết định ly hôn thì anh đăng ký kết hôn với người phụ nữ khác. Căn nhà là tài sản chung của hai vợ chồng được tòa tuyên giao cho anh ở, anh phải đưa lại cho chị 100 triệu đồng, cấp dưỡng nuôi hai con 500.000 đồng/tháng. 

Anh yên ấm với vợ mới và có thêm hai con, thế nhưng giữa họ vẫn có sự ràng buộc khi bản án ly hôn bị cấp giám đốc thẩm tuyên hủy. Rồi người này, người kia kháng cáo liên quan đến tài sản chung là căn nhà và trợ cấp nuôi con.

"Từ khi ly hôn, tôi phải ở nhờ nhà ngoại. Tôi làm công chức ngày 8 tiếng, vừa đi làm vừa lo đưa đón hai con đi học chính, học thêm. Lương thì ít, không đủ để lo cho các con ăn học. Tôi đề nghị tòa phải buộc ảnh cấp dưỡng cho các con. Từ khi ly hôn, ảnh không cấp dưỡng cũng chẳng quan tâm, chẳng thăm nom các cháu bao giờ..." - chị đang nói thì anh cắt ngang: "Án ly hôn đang bị hủy, xử lại thì giờ đang kháng cáo, sao cấp dưỡng được". 

Chị nghe vậy liền quay qua phía anh gằn giọng: "Nếu không cấp dưỡng thì thời gian qua hai con anh sống như thế nào. Ngay cả bảy năm chung sống, anh cũng không làm tròn trách nhiệm của người cha, chưa bao giờ anh đưa tiền về để tôi lo cho con".

Vị chủ tọa liền ngắt lời chị, bảo bây giờ tình cảm không còn thì đừng lôi chuyện mâu thuẫn ra nói để làm gì. Việc cần làm là anh chị nên có tiếng nói chung về tài sản và trợ cấp nuôi con. Vụ án ly hôn của anh chị kéo dài dù anh đã cưới vợ mới là do tranh chấp tài sản không giải quyết được. Hai người họ ai cũng đòi lấy căn nhà để ở nhưng lại không muốn thối tiền cho người kia, hoặc chỉ muốn đưa lại số tiền thấp hơn giá trị thực của căn nhà. 

"Giữa anh chị đã có hai con chung chứ không ít. Anh phải thấy sự hi sinh của chị. Bao năm qua, chị ở vậy nuôi con anh, anh thì vui với gia đình mới. Anh có cho chị hơn cũng không thiệt - vị chủ tọa giải thích và cho biết căn nhà anh đang ở có giá trị khoảng 1 tỉ đồng - "Nếu anh nhận nhà thì phải đưa lại cho chị 500 triệu đồng, hai bên có đồng ý không?". 

Chị nói liền: "Dạ chịu". Nhưng đời nào anh chịu. Ở tòa sơ thẩm, anh đưa ý kiến sẽ trợ cấp nuôi con một lần, cả tiền nhà và tiền trợ cấp nuôi con là 300 triệu đồng. Bây giờ ở tòa phúc thẩm, nghe chủ tọa nói vậy, anh liền bảo: "Tòa định giá như vậy là cao quá. Mảnh đất trong hẻm, nhà nhỏ xíu à. Nếu nhà đó giá 1 tỉ đồng thì để cô ấy lấy nhà, đưa lại cho tôi 500 triệu đồng".

Mặc cho tòa giải thích, cả hai vẫn không thống nhất được phương án. Họ đề nghị sẽ bán nhà cho người khác để lấy tiền chia đôi.

Tính toán với con mình dứt ruột sinh ra

Suy tính tới lui, chị quay qua nói với anh: "Vậy hay em lấy nhà rồi em thối lại anh 400 triệu. Nếu anh lấy nhà, anh phải đưa em 500 triệu, coi như những năm qua anh không trợ cấp nuôi con". Vị đại diện viện kiểm sát nghe vậy liền khuyên anh đồng ý. Bởi trong 7 năm qua chị đã ở vậy nuôi con, hi sinh cho các con của anh. Vậy nên chị có lấy thêm 100 triệu đồng chênh lệch vẫn là quá rẻ. 

Anh vẫn không đồng ý mà còn ra điều kiện: "Nếu tôi lấy nhà rồi thối cho cô 500 triệu thì tôi không cần phải cấp dưỡng nuôi con nữa được không?". Chị chưa kịp trả lời thì vị chủ tọa lớn giọng: "Anh tính toán làm gì với đứa con anh dứt ruột sinh ra. Người này cứ muốn được lợi hơn người kia làm cái gì".

Riêng chị vẫn cố gắng thuyết phục: "Nếu anh đưa em 500 triệu tiền nhà và cấp dưỡng nuôi hai con 4 triệu 1 tháng thì em sẽ đồng ý, không tranh giành gì với anh nữa. Em cũng sẽ không đòi hỏi gì nữa hết, kể cả phần thừa kế của các con từ ông bà nội". Anh nghe vậy liền đáp gọn: "Tài sản đó của gia đình anh, của em đâu mà em giành?"...

Chị không nói nhiều, nhưng 3 thành viên hội đồng xét xử và đại diện viện kiểm sát dường như hiểu nỗi vất vả của chị thời gian qua nên thay nhau hòa giải, thuyết phục anh. "Bảy năm qua, căn nhà của chị anh sử dụng, anh đưa vợ mới vô ở. Chị có tức không? Có chứ. Chị ấy phải ôm con đi thuê nhà ở chỗ khác. Anh giờ ổn định hết, anh có nhà, có vợ cùng lo lắng mọi việc. Anh phải thương chị một mình nuôi hai con anh mới phải". 

Anh nghe tòa nói vậy liền tranh thủ trả giá: "Tôi muốn thối cho cô ấy 400 triệu đồng. Trợ cấp nuôi hai đứa con 2 triệu mỗi tháng nữa. Nếu cô không đồng ý thì tòa cứ xét xử. Vụ án kéo dài đã 7 năm rồi, có kéo dài nữa cũng chẳng sao".

Chị nghe thế, giọng nói nghẹn lại như tiếng khóc: "Ngày anh cưới vợ mới, ba mẹ con tôi lủi thủi. Ngày các con anh đau bệnh, tôi phải ôm con đi cấp cứu nửa đêm thì anh ở đâu mà giờ anh tính toán chi li. Nếu anh đã nói vậy, tôi sẽ lấy nhà rồi giao cho anh 400 triệu và anh phải trợ cấp nuôi con 4 triệu đồng một tháng...".

Anh không đồng ý trợ cấp cho con 4 triệu đồng một tháng, mà chỉ đồng ý mức 2 triệu. Họ nói qua nói lại rất lâu. Vị chủ tọa nhiều lần phải thốt lên: "Sao anh là đàn ông mà tính toán quá vậy? Anh nghĩ sao mà ở thành phố này nuôi một đứa con chỉ có 1 triệu đồng mỗi tháng. Bảy năm qua, chị nuôi con cho anh mà không tính toán. Con anh nay 15 tuổi rồi, còn 3 năm nữa các cháu trưởng thành mà anh tính toán từng li từng tí. Anh thử nghĩ xem nếu các con anh có mặt ở đây nghe được những lời này thì các cháu sẽ buồn thế nào?".

Hội đồng xét xử mất thêm rất nhiều lời lẽ và công sức thuyết phục, anh mới chịu đồng ý đưa cho chị 400 triệu đồng tiền nhà và 200 triệu đồng tiền trợ cấp nuôi con một lần. Tòa án công nhận sự thỏa thuận của hai bên.

Họ đồng ý ly hôn, hai con chung do chị nuôi dưỡng. Căn nhà là tài sản chung do anh sở hữu, anh có trách nhiệm đưa lại cho chị 600 triệu đồng bao gồm tiền tài sản chung và trợ cấp nuôi con. Bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tuyên án. Nếu anh không giao tiền cho chị thì chị có quyền đề nghị bán nhà để thi hành án.

"Ảnh đồng ý vậy thôi, chứ không biết đến đời nào tôi mới lấy được tiền" - chị nói sau khi nghe tòa tuyên án. Còn anh nhanh chóng rời khỏi phòng xử mà không ngoái đầu nhìn lại chị lấy một lần.

Sợ các con tổn thương

Sau khi anh chị ly hôn, thỉnh thoảng anh có đến thăm con. Những lần thăm hỏi thưa dần, rồi mất hẳn khi anh có con với vợ mới. Lúc đầu, các con thường xuyên hỏi chị: "Sao ba không đến thăm con?". Chị phải tìm mọi cách để giải thích. Nhưng lâu dần, các con chị quen với cuộc sống không có bố nên không còn hỏi nữa.

Chị trở nên lo sợ những dịp lễ tết, đám tiệc phải gặp mặt anh em họ hàng. Khi đó, kiểu gì người thân của chị cũng sẽ hỏi hai đứa trẻ về bố của chúng. Chị bảo sợ các con tổn thương nên không bao giờ nhắc đến chồng cũ trước mặt con, kể cả việc anh mặc cả chuyện trợ cấp cho con như thể đó là một gánh nặng.


TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên