01/02/2013 08:28 GMT+7

Chống lạm phát cần giải pháp căn cơ

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Năm 2013, Chính phủ phấn đấu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 6-6,5%. Tuy nhiên, điều các chuyên gia nhấn mạnh chống lạm phát không nên đi vào vài điểm phần trăm mà cần đi vào những giải pháp dài hạn, căn cơ hơn để tránh “chu kỳ” một năm giảm hai năm tăng, năm nay giảm nhưng năm sau lại tăng bù...

Theo TS Nguyễn Đức Thành - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách Đại học Kinh tế Hà Nội, chỉ số CPI năm 2013 có thể tăng tới 10% chứ khó đạt mức 6-6,5%. Như vậy có nghĩa “chu kỳ” một năm giảm hai năm tăng lại có nguy cơ tái diễn. Lý do, ông Thành cho rằng năm 2012, CPI giảm chủ yếu do giá lương thực giảm, nhu cầu yếu... Trong khi đó, năm 2013 lại có nhiều yếu tố tăng, như tăng lương, điều chỉnh giá xăng dầu, điện, than... Vì vậy, chỉ cần giá lương thực không giảm thì CPI sẽ dễ dàng đạt mức 10%!

TS Lê Đình Ân, nguyên giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch - đầu tư, cũng đồng ý quan điểm này. Ông Ân cho rằng giá dịch vụ y tế năm trước một số tỉnh tăng đã khiến CPI giữa năm tăng mạnh. Đó là chưa kể Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM cơ bản chưa tăng giá dịch vụ y tế. Năm nay, các tỉnh thành này tăng, chắc chắn CPI sẽ bị tác động mạnh. Ngoài ra, còn gói giải cứu bất động sản, Nhà nước sẽ phải tung ra một lượng tiền đáng kể, cũng sẽ tạo sức ép lên CPI...

CPI từ năm 2006 đến 2012 thực tế đã tăng 82,3%. Đó là cách tính so chỉ số giá tháng 12 năm nay với tháng 12 năm trước. Còn nếu theo thông lệ nhiều nước, công bố CPI theo bình quân năm thì con số còn cao hơn nhiều. Trong khi đó, GDP tính từ năm 2006 đến 2012 mới chỉ tăng 45,9%. Vì vậy, rõ ràng tốc độ tăng giá đang làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống người dân. TS Lê Đình Ân cho rằng lạm phát như là một sắc thuế, đánh trên tất cả người dân, bởi lạm phát làm cho thu nhập bị bào mòn, khả năng mua giảm xuống. Ngay cả khi gửi tiết kiệm, có thời điểm được hưởng lãi suất 14%/năm nhưng thực tế dân vẫn... lỗ, bởi thực tế giá tiêu dùng tăng tới trên 18%/năm.

Ông Lê Đình Ân cho rằng giải pháp căn cơ chống lạm phát cần là tăng hiệu quả đầu tư, thay đổi mô hình tăng trưởng, chú trọng công nghệ và năng suất lao động, bỏ cơ chế chính sách không phù hợp, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, nâng chất lượng điều hành... chứ những biện pháp như giãn, giảm thuế dù có tác dụng cũng chỉ nhất thời. Cứ nói nâng cao hiệu quả đầu tư nhưng vốn vẫn được tập trung vào doanh nghiệp nhà nước - khu vực đã được nêu là hiệu quả đầu tư kém - thì hiệu quả nền kinh tế khó mà lên được...

Rất nhiều cuộc hội thảo, rất nhiều kiến nghị tâm huyết đã được đưa ra gần đây. Rõ ràng chủ trương giảm lạm phát, ổn định vĩ mô đã được Chính phủ đưa ra từ lâu, nhưng tốc độ tăng giá tiêu dùng của VN từ mức nhất châu Á, năm 2012 vẫn “đậu” ở mức 6,81% - vẫn là cao - theo đánh giá của Tổng cục Thống kê. Có lẽ với thực tế này, cần bốc những liều thuốc chống lạm phát căn cơ hơn. Những giải pháp dài hạn như tái cơ cấu cần biện pháp thực hiện có thể đo đếm được bởi doanh nghiệp cần thấy những tín hiệu cụ thể để quyết định đầu tư. Trên hết, ưu tiên ổn định vĩ mô và giảm lạm phát cần được điều hành để người dân thấy trên thực tế, chứ không phải cứ một năm giảm hai năm tăng, còn thu nhập và chất lượng sống của người dân vẫn luôn bị thách thức.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên