18/12/2016 15:52 GMT+7

Chống kẹt xe bằng đường một chiều, được không?

N.ẨN - T.DUNG - S.BÌNH - M.PHƯỢNG - Q.KHẢI ghi
N.ẨN - T.DUNG - S.BÌNH - M.PHƯỢNG - Q.KHẢI ghi

TTO - Trước việc Sở GTVT dự kiến phân luồng một số đường lớn ở trung tâm và cửa ngõ phía bắc TP.HCM thành đường một chiều để chống kẹt xe, đã có nhiều ý kiến khác nhau về giải pháp này.

Dự kiến đường Lê Quang Định lưu thông một chiều từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Phan Văn Trị. Trong ảnh: xe cộ chen chúc hai chiều trên đường Lê Quang Định - Ảnh: HỮU KHOA
Dự kiến đường Lê Quang Định lưu thông một chiều từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Phan Văn Trị. Trong ảnh: xe cộ chen chúc hai chiều trên đường Lê Quang Định - Ảnh: HỮU KHOA

Liệu đường một chiều có giải quyết được nạn kẹt xe hiện nay không? Nếu được, việc tổ chức đi một chiều phải như thế nào? Tuổi Trẻ tiếp tục nêu thêm các ý kiến sau đây.

* Ông Trung (chủ một cửa hàng trên đường Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình):

Ảnh hưởng hộ kinh doanh

Bây giờ Cộng Hòa là đường hai chiều mà còn kẹt, đường này thành một chiều thì lượng xe dồn về đó càng kẹt dữ hơn. Vì người ta phải đi vòng, rồi kẹt tùm lum hết.

Đường Hoàng Văn Thụ hiện nay kẹt hoài còn vì mấy cái nhà hàng tiệc cưới, rạp chiếu phim. Giờ chỉ có cách làm đường trên cao mới hết kẹt.

Về kinh doanh, những hộ ở bên trái đường như chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng đến 80% luôn. Ngày xưa tôi bán ở đường Hoàng Văn Thụ đoạn gần ngã tư Bảy Hiền, lúc ấy rất xôm tụ.

Tuy nhiên, khi đoạn đường ấy trở thành đường một chiều, người ta dẹp tiệm gần hết. Giờ tôi nghĩ đường này một chiều thì mé bên này sẽ phải dẹp tiệm rất nhiều.

* Ông Quang Phú (người dân ở đường Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình):

Không đủ đường đi thì khó làm một chiều

Hiện nay đường Hoàng Hoa Thám đã kẹt xe vào giờ cao điểm ở đoạn ngã tư Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, khi đường Cộng Hòa thành một chiều chắc chắn sẽ kẹt dữ hơn vì dân ở đây phải đi vòng, không có lối ra ở Cộng Hòa. Đây cũng chỉ là một trường hợp.

Trên đường Cộng Hòa và Trường Chinh không có nhiều đường nối (Ấp Bắc, Tân Kỳ - Tân Quý, Bình Giã...), các đường nối này lại nhỏ, cũng đông người đi rồi.

Khi chuyển thành đường một chiều thì với lượng xe cộ hiện nay họ không chỉ không có đường đi mà còn đi rất xa, cản trở rất nhiều cho đời sống người dân.

Theo tôi thì một chiều là giải pháp giao thông, nhưng với điều kiện là đường lớn và nhiều đường, đặc biệt là phải có hai đường song song gần nhau (như đường Điện Biên Phủ và Nguyễn Đình Chiểu một chiều là hợp lý).

Trong khi đó, đường Trường Chinh và Cộng Hòa không song song mà cùng đường Hoàng Văn Thụ tạo thành tam giác, nếu làm được một chiều sẽ tạo ra xung đột giao thông cho người dân ở khu vực rộng lớn này.

* Ông Trần Doãn Phi Anh (nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển kinh tế giao thông vận tải phía Nam, Bộ GTVT):

Vòng giao thông lớn, ách tắc lớn hơn

Việc tổ chức giao thông đường một chiều ở trục Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ - Trường Chinh phải thật kỹ để tránh sai lầm.

Theo tôi, vấn nạn kẹt xe ở TP.HCM rất trầm trọng do chưa đủ sức về vốn để đầu tư cải tạo mở rộng đường. Trong khi đó, việc xây dựng các tuyến metro để đưa vào sử dụng lại triển khai quá chậm. Còn việc đầu tư phát triển xe buýt lại bế tắc khi nhiều chuyến xe buýt chỉ có vài người ngồi trên xe.

Do đó, việc dự kiến tổ chức các tuyến đường một chiều để giải quyết kẹt xe chính là đi đúng xu hướng mà các nước tiên tiến trên thế giới đã thực hiện.

Tuy nhiên, ở các nước tổ chức đường một chiều rất tốt vì họ có mạng lưới đường giao thông khá hoàn chỉnh như đường lớn bố trí xe lớn và có những đường nhánh dành cho xe con và người đi bộ để họ không chen ra đường chính.

Trong khi đó, ở TP.HCM lại không có mạng lưới đường nhánh nhỏ như ở các nước.

Vì vậy nếu tổ chức một chiều đường Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ - Trường Chinh trở thành một vòng giao thông lớn sẽ tạo nên áp lực giao thông rất lớn. Bởi vì mọi người sẽ đi nhiều hơn trên đường vòng giao thông lớn này và sẽ tạo nên ách tắc lớn hơn.

Sở GTVT TP.HCM đề xuất chuyển nhiều đường hai chiều thành một chiều, dự định thực hiện trong năm 2017, trong đó có đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình (ảnh) - Ảnh: Quang Định
Xe cộ thường xuyên ùn tắc trên đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình - Ảnh: Quang Định

* Một lãnh đạo UBND Q.Bình Thạnh:

Giải pháp hợp lý

Hiện tại đường Phan Văn Trị và Lê Quang Định trên địa bàn Q.Bình Thạnh là đường hai chiều, mật độ giao thông rất đông, một số thời điểm xảy ra ùn tắc, nhất là thời gian cao điểm.

Trong quy hoạch, các đường này ít có khả năng mở rộng, vì vậy việc phân luồng lại giao thông trên các trục đường này là giải pháp hợp lý, có thể thực hiện được.

Để khẳng định ngay việc phân luồng các tuyến đường trên từ hai chiều thành một chiều giải quyết ngay việc ùn tắc giao thông chưa thì rất khó, vì phải tiến hành làm rồi mới đánh giá được.

Khi chuyển đường hai chiều thành một chiều thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến những hộ dân sống trên đường này, đặc biệt những hộ kinh doanh mặt tiền bên trái làn đường, quá trình triển khai Sở GTVT cũng nên tham khảo thêm ý kiến người dân.

Quận sẽ hỗ trợ công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương chung.

* PGS.TS Nguyễn Lê Ninh (thành viên hội đồng tư vấn về khoa học kỹ thuật công nghệ MTTQ TP.HCM):

“Một chiều hóa”

TP.HCM cần có những giải pháp lâu dài mới giải quyết triệt để được vấn đề ùn tắc, kẹt xe.

Từ năm 2006, trong các cuộc họp của UBND TP và Sở GTVT, tôi đã nhiều lần đề xuất nên “một chiều hóa”, tổ chức cho xe cộ đi một chiều trên những tuyến đường có đông xe cộ qua lại, hay xảy ra ùn tắc, kẹt xe gây ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển.

Việc xe chạy một chiều sẽ nhanh chóng giải quyết được vấn nạn kẹt xe trên một số tuyến đường đã quá tải.

Mặc dù vậy, Sở GTVT phải tổ chức khảo sát cụ thể trên từng tuyến đường để xem xét con đường nào cần thiết phải tổ chức cho xe đi một chiều, nên khảo sát luôn các tuyến đường nhánh xung quanh để tránh gây ảnh hưởng đến giao thông tại những con đường này.

Nhiều người dân sẽ phản đối vì cho rằng khi tổ chức đường một chiều sẽ phải đi đường vòng mất thời gian, công sức. Chính vì vậy, Sở GTVT cần có chính sách vận động người dân, hỗ trợ vì lợi ích chung, lợi ích lâu dài.

Lâu dài, chúng ta phải mở rộng phạm vi phát triển ra các quận, huyện ngoại thành. Đồng thời có phương án xây thêm chung cư ở gần các công ty, nhà máy, xí nghiệp để tiện đi lại cho người dân, phát triển hệ thống xe buýt cũng là biện pháp giảm thiểu số lượng phương tiện cá nhân trên đường.

* Trung tá Nguyễn Văn Hải (đội trưởng đội CSGT tuần tra dẫn đoàn - Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM):

Sẽ không bị “nháo nhào”

Theo quan điểm cá nhân, tôi hoàn toàn ủng hộ nhiều đường như Cộng Hòa, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Phạm Ngọc Thạch... từ hai chiều chuyển thành một chiều.

Bởi trước tình hình ùn tắc giao thông hiện nay, việc chuyển thành đường một chiều thì lượng xe lưu thông sẽ thoáng hơn, hạn chế xảy ra xung đột giữa các xe, nhất là giờ cao điểm. Tuy nhiên, chúng ta phải tổ chức hướng lưu thông giữa các đường một chiều sao cho hợp lý.

Ở nhiều quốc gia châu Á như Singapore, Nhật..., nhiều đường tại trung tâm thành phố phần lớn là một chiều, giao thông đảm bảo trật tự, không bị “nháo nhào”, xung đột.

Còn việc những hộ kinh doanh lo sợ bị ảnh hưởng thì theo quy luật “có cầu có cung”, nghĩa là anh kinh doanh tốt thì đường một chiều dẫu đi có xa hơn, người dân vẫn tìm đến nơi kinh doanh của anh.

N.ẨN - T.DUNG - S.BÌNH - M.PHƯỢNG - Q.KHẢI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên