Đường Trường Chinh (Q.Tân Bình, đoạn từ đường Âu Cơ đến đường Tân Kỳ Tân Quý) thường xuyên xảy ra kẹt xe - Ảnh: Hữu Khoa |
>> Nhiều đường lớn tại Sài Gòn sắp thành đường một chiều
Người dân: không ngại đi xa, chỉ sợ kẹt xe nặng hơn
"Tôi sẵn sàng đi xa hơn nếu thật sự nó giải quyết được “bệnh” kẹt xe ở đường Cộng Hòa. Chỉ sợ đâu lại vào đấy, kẹt vẫn kẹt mà phải chạy xa hơn thôi” - bạn đọc Vinh viết.
Bạn đọc Minh Hoàng cũng băn khoăn: "Phương án này sẽ giúp bớt kẹt ở những đường lớn nhưng sẽ kẹt ở những đường nhỏ. Và vấn đề nữa là nếu vậy thì người dân đi xe buýt sẽ đi kiểu nào?".
Bạn đọc Vudu góp ý: "Hướng đi một chiều Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa tôi thấy không ổn, phương tiện tham gia giao thông sẽ bị ùn tắc đoạn Hoàng Văn Thụ. Bình thường như hiện nay đoạn đường này cũng bị ùn rồi".
Trong khi đó bạn đọc Hùng Dũng nêu ý kiến: "Hằng ngày tôi đi làm trên đường Cộng Hòa và Trường Chinh. Việc phân luồng một chiều hoàn toàn không ổn vì lưu lượng xe trên đường Cộng Hòa rất lớn, trong khi đường Trường Chinh thì nhỏ. Nếu có phương án nên thay đổi chiều đi theo buổi: buổi sáng người ta làm vào trung tâm TP nhiều thì đường Cộng Hòa một chiều theo hướng từ Trường Chinh đến Lăng Cha Cả, còn buổi chiều thì ngược lại, đường Trường Chinh cũng như vậy thì hiệu quả hơn".
Bạn đọc Chương Dương cũng cho rằng đường Cộng Hòa - Trường Chinh thành một chiều "có vẻ chưa ổn, vì các đường ngang nối hai con đường này hiện đang kẹt cứng rồi, nếu thành một chiều thì lượng lưu thông trên các đường ngang càng tăng lên thì càng kẹt thêm ở các điểm giao cắt".
Nhiều bạn đọc cho rằng phân luồng một chiều ở đường Cộng Hòa - Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ như đề xuất của Sở GTVT là chưa hợp lý - Đồ họa: Việt Thái |
Trên fanpage Tuổi Trẻ, bạn đọc Tốc Độ Xuân phân tích: "Với mật độ các dự án cao ốc và khu chung cư ở nội ô cao như hiện nay, việc kẹt xe là điều hiển nhiên khi mà mật độ dân cư càng tăng, trong khi diện tích không thay đổi.
Phương án về lâu về dài ở đây là ngừng cấp phép và ngừng thi công các dự án đang bị treo ở nội ô, giải tỏa các khu chung cư xuống cấp ở vùng nội ô, đồng thời không xây mới ở vị trí đó mà làm nhà để xe công cộng hay công viên cây xanh.
Thật sự khó hiểu khi chúng ta cứ giải tỏa đất nội ô để làm thêm các tòa nhà cao tầng, trong khi hạ tầng giao thông không còn đáp ứng nổi. Bây giờ phải đưa dân cư ra ở vùng ngoại ô, giãn dân ra vùng ngoại thành".
"Mấy hẻm nhỏ trên đường Cộng Hòa, Trường Chinh... vào giờ cao điểm bị kẹt xe ầm ầm, giờ thêm một chiều đường chính thì không hiểu mấy đường nhỏ sẽ như thế nào? Không đâm đầu vào đường nhỏ thì phải đi “một vòng Trái đất”. Hiện tuần đổ 2 lần xăng, mai mốt tuần phải đổ 3 lần xăng thôi" - bạn đọc Doan Phuong Nam viết.
Chuyên gia: đường một chiều chỉ giải quyết cục bộ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Võ Kim Cương - nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM - cho biết các tuyến đường như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ… hiện nay kẹt xe, ùn tắc rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân và quá trình phát triển của TP.
Trên thực tế, một số tuyến đường một chiều như Võ Thị Sáu, Lý Chính Thắng… đã giảm hẳn ùn tắc giờ cao điểm tại hàng loạt tuyến đường giao cắt.
Do đó, việc tổ chức lưu thông một chiều trên các tuyến đường này sẽ giải quyết rất tốt vấn đề kẹt xe, lấn tuyến, đồng thời đường một chiều sẽ không có con lươn đường, góp phần giảm thiểu các tai nạn giao thông thường gặp do va vào con lươn đường.
Tuy nhiên, vấn đề xe cộ chỉ lưu thông một hướng duy nhất sẽ rất bất tiện cho người dân khi họ muốn quay đầu xe hoặc người đi tìm số nhà.
Còn theo PGS.TS.KS Nguyễn Văn Hiệp - giảng viên ĐH Bách khoa TP.HCM, các tuyến đường mà Sở GTVT dự kiến tổ chức lưu thông một chiều là hoàn toàn hợp lý, bắt buộc phải làm để giải tỏa bớt kẹt xe.
Hiện nay, hệ thống đường sá ở các nước phát triển trên thế giới hầu hết là đường một chiều. Tuy nhiên ở TP.HCM, việc phân luồng đường một chiều chỉ là cách giải quyết tạm thời, mang tính cục bộ kiểu “tắc chỗ nào thì gỡ ở chỗ đó”.
Theo ông Hiệp, Sở GTVT phải xác định điều chỉnh đường một chiều một số tuyến Trường Chinh, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Hai Bà Trưng… sẽ gây kẹt hàng loạt đường cắt ngang, đường nhánh của các tuyến này, ảnh hưởng giao thông toàn khu vực.
Do vậy, Sở GTVT cần phối hợp với các đơn vị khác lên kế hoạch nghiên cứu tổng thể mạng lưới giao thông toàn TP để đưa ra một kế hoạch giảm ùn tắc, kẹt xe có tác dụng lâu dài, hiệu quả trong phạm vi rộng.
Bạn có ý kiến gì về đề xuất phân luồng một chiều của Sở GTVT? Theo bạn, đường một chiều có giải quyết được kẹt xe? Bạn có hiến kế, giải pháp nào giúp giảm kẹt xe? Mời bạn gửi ý kiến qua ô BÌNH LUẬN dưới bài hoặc email đến địa chỉ tto@tuoitre.com.vn |
[poll width="400px" height="210px"]252[/poll]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận