Nam Phi tự vấn sau cái chết của 34 thợ mỏNam Phi: thợ mỏ đụng cảnh sát, 34 người chết
Phóng to |
Phụ nữ biểu tình ở khu mỏ Marikana để phản đối việc cảnh sát bắn giết thợ mỏ - Ảnh: Reuters |
|
“Đòi chúng tôi quay lại là một sự sỉ nhục - thợ mỏ Zachariah Mbewu nói - Rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp của chúng tôi đã thiệt mạng, vậy mà họ muốn chúng tôi quay lại làm việc như chẳng có gì xảy ra”. Đa số thợ mỏ tuyên bố sẽ chỉ đi làm trở lại nếu Lonmin đáp ứng các yêu cầu của họ. Những người đình công đòi chủ mỏ phải tăng lương từ mức 4.000-5.000 rand (484-605 USD)/tháng hiện tại lên 12.500 rand (1.512 USD)/tháng.
“Cuộc sống ở đây không phải là cuộc sống”
Trong xã luận ngày 20-8, nhật báo The Sowetan khẳng định tròn 18 năm sau ngày kết thúc chế độ phân biệt chủng tộc (apartheid), sự giận dữ và cay đắng của người lao động nghèo da đen ở Nam Phi như đang bùng nổ. “Cuộc sống của người công nhân vô cùng rẻ mạt - tờ báo viết - Ở một quốc gia khác, cuộc “tắm máu” ngày 16-8 sẽ buộc chính phủ phải thực hiện những biện pháp khẩn cấp. Nhưng đây là một quốc gia bất thường. Giá trị cuộc sống của con người ở đây là vô nghĩa”.
Tổ chức phi chính phủ Bench Marks Foundation vừa đưa ra báo cáo trong đó cho biết giới thợ mỏ Nam Phi đang phải làm việc trong môi trường cực kỳ độc hại, nguy hiểm, đồng lương hằng tháng quá thấp so với công sức bỏ ra.
Bench Marks Foundation cũng tố cáo các mỏ khoáng sản của Công ty Lonmin “có số lượng công nhân chết vì tai nạn lao động quá cao, điều kiện sống của họ cực kỳ tồi tệ”. AFP mô tả một số lớn thợ mỏ làm việc tại mỏ bạch kim Marikana hiện sống trong khu ký túc xá tồi tàn do Công ty Lonmin xây gần khu mỏ. Rất nhiều người khác đang phải chui rúc trong những căn lều tự tạo, mái lợp bằng tôn han gỉ, khi trời nắng thì nóng bức kinh khủng, còn khi trời rét thì lạnh thấu xương. Nơi cộng đồng những người thợ mỏ này sinh sống trở thành một khu ổ chuột bẩn thỉu, ngập ngụa rác thải, thiếu nước.
“Cuộc sống ở đây không phải là cuộc sống - thợ mỏ Belinia Mavie, 25 tuổi, than thở - Chúng tôi thiếu nước trầm trọng và không có nhà vệ sinh. Nhiều người phải đào hố để tiểu tiện, đại tiện”.
Một thợ mỏ khác cho biết anh muốn đưa vợ con đến Marikana sinh sống để gia đình cùng có nhau, nhưng điều kiện sống quá tồi tệ khiến họ không thể làm được điều đó. “Tôi không thể sống với vợ con trong tình trạng như thế này” - anh than thở. Vợ con anh phải sống ở tỉnh Free State cách đó rất xa và chẳng mấy khi đến thăm anh. Rất nhiều thợ mỏ khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
“Apartheid mới”
Báo The Sunday Independent đăng xã luận tố cáo “điều kiện sống đáng ghê tởm” vẫn đang tồn tại trong các khu mỏ ở Nam Phi. “Phần lớn công nhân mỏ Marikana sống trong khu ổ chuột, tâm chấn của sự sụp đổ về đạo đức và xã hội của đất nước chúng ta, và là nguồn gốc tạo ra bạo lực” - báo này nhấn mạnh.
Nhà phân tích Adam Habib của Đại học Johannesburg cho rằng 100 năm sau khi việc khai thác mỏ bắt đầu ở Nam Phi, và 18 năm sau chế độ apartheid, cuộc sống của người công nhân ở đất nước này vẫn chẳng khác gì hồi đầu thế kỷ 20. “Sự bất công, bất bình đẳng xã hội vẫn không hề thay đổi” - ông nhấn mạnh.
“Đa số người dân chúng tôi mong muốn cuộc sống tự do, thoát khỏi đói nghèo, bất công xã hội sau khi chế độ apartheid sụp đổ - một người dân ở Johannesburg than thở trên báo Daily Maverick - Nhưng giờ những gì chúng tôi chứng kiến là sự đau khổ, bởi người nghèo ngày càng nghèo hơn, còn giới nhà giàu ngày càng giàu thêm”.
Ở Nam Phi, dư luận thường nhắc đến cái gọi là “chủ nghĩa apartheid mới”. Đó chính là khoảng cách giàu - nghèo ngày càng tăng, sự phân chia đẳng cấp giàu - nghèo ngày càng lộ rõ. Công nhân, nông dân vẫn ngày ngày còng lưng lao động để nhận số tiền lương còm cõi, trong khi giới chính trị gia và doanh nhân lại đang vinh thân phì gia bằng cách lợi dụng mối quan hệ với chính phủ và ngành công nghiệp khai thác mỏ để trở thành một tầng lớp đặc quyền, đặc lợi và giàu có.
Giới chuyên gia cảnh báo nếu tình trạng này tiếp tục, những cuộc “tắm máu” như thảm kịch tại khu mỏ Marikana sẽ còn tiếp tục diễn ra. Đất nước Nam Phi của ông Nelson Mandela sau cuộc đấu tranh xóa bỏ apartheid, giờ như đang đứng trước một cuộc đấu tranh chống “apartheid mới”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận