Nam Phi: thợ mỏ đụng cảnh sát, 34 người chết
Phóng to |
Những phụ nữ có người thân là thợ mỏ tại Marikana biểu tình phản đối cảnh sát sau khi vụ đụng độ xảy ra - Ảnh: CNN |
Các nhà điều tra đã có mặt tại khu khai thác mỏ ngày 18-8 để xác định liệu phản ứng của cảnh sát khi xả súng bắn đạn thật làm 34 thợ mỏ thiệt mạng và 78 người bị thương có chính đáng hay không trước mối đe dọa của các thợ mỏ, như khẳng định của ban lãnh đạo lực lượng cảnh sát.
Một cuộc điều tra trong nội bộ cảnh sát cũng đã được bắt đầu. Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma loan báo đã cho thành lập một ủy ban điều tra mở rộng để làm sáng tỏ các sự việc.
Trong khi đó, rất nhiều gia đình của các thợ mỏ mất tích vẫn đang tìm kiếm người thân tại bệnh viện địa phương. Nhiều phụ nữ vẫn đang chạy tìm kiếm người thân, có thể em trai hay chồng mình, trong số 78 người bị thương hay trong số 259 người bị bắt giữ sau cuộc xung đột.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến thảm kịch này chính là sự bất lực của chính phủ trong việc cải thiện các điều kiện sống của tầng lớp công nhân sau 18 năm chấm dứt chủ nghĩa apartheid. Adam Habib, chuyên gia phân tích thuộc ĐH Johannesburg, cho rằng: “100 năm kể từ sau khi bắt đầu khai thác mỏ tại Nam Phi, thợ mỏ vẫn sống trong những điều kiện giống như vào đầu thế kỷ 20”.
Nhà chính trị học Ebrahim Fakir thuộc ĐH Nam Phi dự báo loại thảm họa này sẽ còn trở nên thường xuyên hơn ở Nam Phi, bởi “chính phủ chẳng làm gì để thu hẹp những bất công, những chênh lệch về thu nhập, cải thiện các điều kiện lao động, sức khỏe, y tế trong các khu mỏ”.
Mặc dù đảng cầm quyền Đại hội dân tộc Phi (ANC) đã chi hàng trăm tỉ USD xóa đói giảm nghèo nhưng chênh lệch giàu nghèo tại quốc gia này vẫn cao nhất nhì thế giới. GDP bình quân đầu người của Nam Phi là trên 8.000 USD/ năm, nhưng vẫn có 40% dân số sống với mức thu nhập thấp hơn 3 USD/ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận