02/12/2022 09:20 GMT+7

Chông chênh đường học của nữ sinh chuyên văn

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Làm xong bài thi tốt nghiệp, nhẩm tính thấy ổn, cô bé liền kiếm việc làm thêm. Nhưng rồi tai nạn ập đến, số tiền ít ỏi mà hai mẹ con dành dụm cả năm trời để con gái vào đại học ở TP.HCM cũng trôi hết...

Chông chênh đường học của nữ sinh chuyên văn - Ảnh 1.

Nỗ lực kiếm tiền phụ mẹ để chuẩn bị cho hành trình học đại học của Vy bất thành vì tai nạn bất ngờ ập đến - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Đó là câu chuyện của nữ sinh chuyên văn Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (Tây Ninh) Lục Mai Tường Vy. Mặc cho những khó khăn bủa vây, cô gái vẫn hay cười như những đóa tường vi khoe sắc giữa tiết trời khắc nghiệt.

Tai nạn bất ngờ

Chạy theo Vy trên chiếc xe đạp xộc xệch vào mấy khúc cua hơi loạng choạng vì bàn tay phải còn đang băng kín gạc trắng, chúng tôi tìm về căn nhà cấp bốn của hai mẹ con. 

Vừa vào nhà, đập vào mắt là cảnh tượng bàng hoàng: bà Mai Hồng Điệp (mẹ Vy) ngã sõng soài, hổn hển thở. Xung quanh, đống gạo đổ tung tóe khắp nhà. Vy hốt hoảng chạy lại chỗ mẹ, mặc chiếc xe đạp đổ rầm sau lưng vì chưa kịp gạt chống.

Đưa đôi tay run run ghì lấy tay mẹ, Vy kể căn bệnh tim vẫn thường làm khổ bà. Bà Điệp thều thào: "Đợi con lâu quá, trời sắp mưa nên mẹ sợ ướt, hư gạo nên ráng, ai ngờ...". Ngồi cùng mẹ một lúc, Vy đứng lên ra ngoài dọn dẹp đống gạo ngổn ngang giữa nhà. Bỗng cô bé la lên, gạo trong xô một lần nữa lại đổ ra sàn. Xô gạo quá nặng, Vy quên mất tay còn đang bị thương. "Gạo này không bán được nữa, đem đi sàng lại rồi mang lên Sài Gòn ăn dần", Vy cười.

Sau ngày thi, Vy xin làm phục vụ ở một tiệm trà sữa tại TP Tây Ninh. Mới làm được ba hôm thì gặp nạn. Chiếc máy dập nắp ly nhựa đã dập thẳng vào ngón trỏ cùng một phần bàn tay phải của Vy. Lực khá mạnh và nhiệt độ cao khiến tay Vy bỏng nặng. Nhưng Vy chỉ dám tìm đến mấy phòng khám nhỏ quanh vùng vì không có tiền.

Gần hai tuần điều trị, vết thương có biểu hiện nhiễm trùng, hoại tử nặng. Hốt hoảng, hai mẹ con chở nhau trên chiếc xe máy cũ từ Tây Ninh lên Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM. Vy kể bác sĩ nói chậm vài ngày chắc phải cắt luôn ngón tay. 

Tai nạn cuốn phăng số tiền hơn 18 triệu đồng, cũng là tất cả tiền vốn lẫn lời từ sạp gạo của bà Điệp, trong đó có hơn 2 triệu đồng tiền lương của Vy làm thêm. Ấy là khoản dành dụm và đều được đặt tên: học phí nhập học, tiền trọ, tiền xăng xe...

Hôm hai mẹ con đi thành phố điều trị chấn thương, căn nhà cũ và sạp gạo được gửi nhờ hàng xóm xung quanh và người thân trông hộ. Hễ có khách mua gạo, mọi người lại xúm nhau mở cửa, bán giúp. Bà Sáu, tổ trưởng khu phố 7 (phường 3, TP Tây Ninh), kể tự nhiên thấy có một người đến mở cổng nhà bưng gạo đi, sợ người ta lấy cắp nên bà Sáu la lên, mãi hồi hỏi ra mới biết là chị gái bà Điệp đến bán gạo giúp. "Cả khu này thương con Vy, nó ngoan ngoãn và học giỏi lắm. Mẹ con nó nghèo thiệt đó nhưng thấy ai khó là lại xúc gạo đi cho", bà Sáu cười.

Nếu không học, tôi và mẹ sao thoát khỏi vòng vây của nghèo khó, nên học là cách duy nhất tôi có thể giúp mẹ có cuộc sống tốt hơn khi về già.

LỤC MAI TƯỜNG VY

Nó học giỏi lắm!

Số tiền để dành đã không còn. Sát hạn nhập học, thiệt tình bà Điệp cũng không biết vay ở đâu vì chỗ nào vay được bà đều đã vay hết rồi. Nhưng con bé học giỏi, bà cũng không nỡ kêu con nghỉ. 

"12 năm học là đủ nhiêu đó lần nhận được giấy khen học sinh giỏi. Vy nổi trội môn văn với nhiều bài văn hay thường được trích đọc trước toàn trường vào mỗi dịp đặc biệt" - cô Trần Nguyễn Thùy Dương, giáo viên Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, nói về học trò.

Chưa một lần đến lớp học thêm, bằng phương thức xét tuyển học bạ trên 25 điểm khối D, Tường Vy đỗ ngành luật kinh tế và đã trở thành tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Cô Thùy Dương bảo chắc sinh ra, lớn lên trong điều kiện khó khăn đặc biệt nên Vy luôn có cái nhìn sâu sắc, trưởng thành hơn các bạn cùng khóa, và có lẽ đó cũng là lý do giúp bạn học tốt môn văn.

Vì vết thương đã hoại tử, bác sĩ buộc phải cắt một phần da trên cơ thể của Vy để đắp cho phần da đã hoại tử ở ngón trỏ. Nhiều lần phẫu thuật đau không ít nhưng Vy chưa bao giờ khóc vì sẽ làm mẹ thêm nặng lòng. Bởi từ sâu thẳm, "nỗi đau" khi bạn bè dù chỉ là vô ý trêu đùa Vy là đứa trẻ không cha (bố mẹ ly dị khi Vy 3 tuổi) còn lớn hơn gấp nhiều lần sự đau đớn của mỗi lần phẫu thuật trong tai nạn này.

Cùng con "đến trường"

Ngày Vy lên TP.HCM trọ học, bà Điệp cũng gói ghém hành lý, đóng cửa sạp gạo đi cùng con. Hai mẹ con thuê căn phòng trọ chật hẹp giữa quận 10 (TP.HCM). Bà Điệp bảo muốn được ở gần để chăm sóc con, một phần cũng vì ở Tây Ninh bà không còn vốn liếng để tiếp tục nhập gạo về bán.

Một tháng nay trên Sài Gòn, bà Điệp đã xin được công việc phụ quán ở một tiệm cơm. Tuy nhiên, công việc chạy bàn, bưng bê, dọn rửa quay mòng mòng không phù hợp với bệnh tim, có hôm bà đã ngất xỉu nên tính đường về lại quê sau khi sắp xếp ổn định cho con gái.

Chông chênh đường học của nữ sinh chuyên văn - Ảnh 4.

20 mùa học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ - Đồ họa: NGỌC THÀNH

Gói mì bẻ đôi nuôi giấc mơ vươn xa Gói mì bẻ đôi nuôi giấc mơ vươn xa

TTO - Từ ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa cánh rừng cao su bạt ngàn tại một huyện vùng biên của tỉnh Tây Ninh, cô học trò Nguyễn Thị Hồng Nhung khao khát những chuyến đi xa để khám phá thế giới, khai phá bản thân.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
😀😁😂🤣😃😄😅😆😉😊😋😎😍😘🥰😗😙😚🙂🤗🤩🤔🤨😐😑😶🙄😏😣😥😮🤐😯😪😫😴😌😛😜😝🤤😒😓😔😕🙃🤑😲☹️🙁😖😞😟😤😢😭😦😧😨😩🤯😬😰😱🥵🥶😳🤪😵😡😠🤬😷🤒🤕🤢🤮🤧😇🤠🤡🥳🥴🥺🤥🤫🤭🧐🤓😈👿👹👺💀👻👽🤖💩😺😸😹😻😼😽🙀😿😾
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận