21/01/2018 11:05 GMT+7

Chống chạy chức, chạy quyền: Trên có nghiêm, dưới mới sạch

ĐỨC BÌNH thực hiện
ĐỨC BÌNH thực hiện

TTO - "Chạy chức, chạy quyền bây giờ phổ biến, rầm rộ, trắng trợn, táo tợn, cấp nào cũng có, ngành nào cũng có" - ông Nguyễn Đình Hương, nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương, mở đầu câu chuyện với Tuổi Trẻ.

Chống chạy chức, chạy quyền: Trên có nghiêm, dưới mới sạch - Ảnh 1.

"Chạy chức, chạy quyền bây giờ phổ biến, rầm rộ, trắng trợn, táo tợn, cấp nào cũng có, ngành nào cũng có" - ông Nguyễn Đình Hương, nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương, mở đầu câu chuyện với Tuổi Trẻ.

Ông Hương cho biết đã từng "phục vụ" 5 đời tổng bí thư, 4 nhiệm kỳ công tác ở Ban Tổ chức trung ương và ông nhận xét "trước đây, chạy chọt chức quyền chỉ là cá biệt vì khi đó kiểm soát quyền lực cực kỳ nghiêm ngặt".

Chống chạy chức, chạy quyền: Trên có nghiêm, dưới mới sạch - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đình Hương

“Ví như vụ Trịnh Xuân Thanh, anh ta chạy qua cả 5 “cửa”, từ dầu khí, rồi Bộ Công thương, đến Ban Tổ chức trung ương, qua Bộ Nội vụ và tỉnh Hậu Giang. Để qua được 5 “cửa” này thì mất bao nhiêu tiền? Chắc chắn là phải có “ô dù”, có người nâng đỡ, có người đỡ đầu, có đầu mối và có tiền thì mới chạy được

Ông Nguyễn Đình Hương

* Còn hiện nay tình trạng chạy chức, chạy quyền như thế nào, thưa ông?

- Chạy chức, chạy quyền giờ không chỉ phổ biến ở trước các kỳ đại hội, mà sau đại hội cũng vẫn diễn ra gần như công khai, trắng trợn. Chạy không còn là vấn nạn nữa mà đang thực sự trở thành phổ biến đối với đất nước và Đảng ta. 

Ngay từ khi triển khai thực hiện nghị quyết trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Bộ Chính trị đã báo cáo trước trung ương, chỉ ra 5 loại chạy. Đó là: chạy chức trước khi bầu cử; chạy quyền trước khi phân công công tác; chạy lợi trước khi phân bổ ngân sách, đấu thầu, cấp quota; chạy chỗ trước khi bổ nhiệm; chạy tội trước khi điều tra, xét xử.

Không chỉ chạy cho bản thân mình mà còn chạy cho vợ con, anh em, người nhà, bạn bè, cánh hẩu của mình nữa. Chính vì vậy, nhà báo Hữu Thọ mới viết hẳn một cuốn sách về chạy để phân tích các loại chạy. Ngày nay chạy còn mạnh hơn, công khai, trắng trợn hơn. Chạy cả bằng cấp, chạy cả giáo sư, tiến sĩ, chạy vào biên chế... Cái gì cũng phải chạy.

Chạy chức, chạy quyền là vấn đề hết sức nan giải. Muốn chống được vấn nạn này thì trên phải nghiêm, phải trong sạch.

* Nghị quyết trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Bộ Chính trị đã chỉ ra vấn nạn chạy chức, chạy quyền. Vậy vì sao tình trạng này đến nay không giảm?

- Vì kẻ muốn chạy là những kẻ tham lam quyền lực, chức tước, địa vị. Vì bây giờ, có làm quan thì ông sẽ được cấp đất, được quyền ban phát, cấp dự án, được quyền quyết định công tác cán bộ trong đơn vị. 

Chẳng hạn ông làm quan, có chức tước thì ông có quyền cấp cả những lô "đất vàng" cho doanh nghiệp chứ. Mỗi vụ cấp đất, cấp dự án như thế, ông kiếm bao nhiêu triệu đôla. Tóm lại khi có quyền, có chức vụ thì người ta làm được đủ thứ.

* Theo ông, kẻ chạy chức, chạy quyền là kẻ muốn làm quan to, và người được chạy lại là quan to ở trên nữa, những người có quyền hạn quyết định?

- Chạy giờ phổ biến rồi, ai chạy - chạy ai thì cũng rõ rồi. Từ đại hội Đảng XI, XII thì vấn nạn chạy đã lớn lắm rồi. Chạy để tranh giành quyền lực, dùng tiền để chạy. Chỉ có những kẻ bất tài mới chạy thôi. Những người tài họ không cần chạy. Kém mà không chạy thì làm gì có chức.

Cứ nói quy trình này nọ, nhưng thời chúng tôi cũng có những quy trình. Vấn đề là bản lĩnh, dũng khí của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

Ví như vụ Trịnh Xuân Thanh, anh ta chạy qua cả 5 "cửa", từ dầu khí, rồi Bộ Công thương, đến Ban Tổ chức trung ương, qua Bộ Nội vụ và tỉnh Hậu Giang. Để qua được 5 "cửa" này thì mất bao nhiêu tiền? Chắc chắn là phải có "ô dù", có người nâng đỡ, có người đỡ đầu, có đầu mối và có tiền thì mới chạy được.

* Ban Tổ chức trung ương đã có dự thảo về "kiểm soát quyền lực và phòng chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ". Ông đánh giá thế nào về việc này?

- Tôi rất tâm đắc với ý mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị công tác xây dựng Đảng ngày 19-1. Tổng bí thư nói xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, công việc của ban tổ chức các cấp là "then chốt của then chốt". 

Nếu "chốt" rắn chắc, cứng cáp thì công việc trôi chảy, suôn sẻ; còn nếu chẳng may cái "chốt" này mà mọt hoặc trục trặc thì không biết tình hình sẽ thế nào?

Mọi thứ đều do công tác tổ chức mà ra. Người làm công tác tổ chức, nhất là những người đứng đầu, phải gương mẫu, trong sạch.

Một câu hỏi đặt ra: tại sao có nhiều cán bộ bị kỷ luật thế, ngay cả "củi tươi" là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên trung ương cũng bị xử lý kỷ luật, bị đưa ra tòa. Nhưng sao cán bộ các cơ quan tổ chức lại chưa thấy có ai bị xử lý?

Tôi cho rằng đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không đúng thì cơ quan tổ chức phải chịu trách nhiệm vì là cơ quan tham mưu.

Vấn đề nữa cũng hết sức quan trọng là phải dân chủ, công khai và minh bạch trong việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Chạy công khai

Chạy chức, chạy quyền là có, và theo tôi chưa thể chấm dứt được. Giờ đây tôi thấy chạy chức, chạy quyền công khai. Ngày lễ tết, họ lái cả ôtô đến. Mấy năm trước thì khệ nệ bê cây cảnh cả tỉ bạc để biếu nhau, nhưng giờ họ kín đáo, tinh vi hơn. Chỉ đi người không với phong bì dày tiền.

Để phòng chống việc này, cần phát động toàn Đảng, toàn dân tố giác các hành vi, biểu hiện tham nhũng. Cần tuyên truyền và kiên trì trong cuộc chiến này thì mới ngăn chặn, đẩy lùi được.

Ông Đặng Ngọc Thanh (nguyên ủy viên Ủy ban Kiểm tra trung ương)

Ông Nguyễn Quang Đồng (chuyên gia độc lập về chính sách công):

nguyen-quang-dong11-3(read-only)

Thu hẹp "đất" tham nhũng

Người ta chạy chức, chạy quyền vì người có chức quyền mới có cơ hội tham nhũng, mới có nhiều tiền. Vì vậy, một trong những biện pháp để chống chạy chức, chạy quyền là thu hẹp mảnh đất tham nhũng, hạn chế sự can thiệp của các cơ quan làm chính sách vào hoạt động kinh tế của doanh nghiệp, người dân.

Trong số đó, việc tách bạch cơ quan làm chính sách và cơ quan thực hiện chính sách là một biện pháp quan trọng.

Việc để các cơ quan thực hiện chính sách, cơ quan quản lý nhà nước xây dựng chính sách đã tạo điều kiện cho họ "cài cắm" các quy định có lợi cho cơ quan nhà nước, can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, không nên trao quyền lực tuyệt đối vào tay một cơ quan, đơn vị để tạo điều kiện cho người có chức quyền trong các cơ quan này tham nhũng.

Theo tôi, cần có một tòa án hành chính đủ mạnh để kiểm soát các cơ quan hành chính, xét xử các quyết định trái pháp luật của UBND các tỉnh, kể cả Chính phủ.

Như vậy, các cơ quan hành chính không thể lạm dụng quyền lực để tham nhũng, từ đó hạn chế được nạn chạy chức, chạy quyền để tìm kiếm lợi ích kinh tế của cán bộ, công chức.

DƯƠNG NGỌC HÀ ghi

GS.TS Đinh Văn Tiến (nguyên phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia):

dinh-van-tien-33-5(read-only)

Người đề bạt phải chịu trách nhiệm

Nhìn lại cơ chế đề bạt cán bộ chừng 20 năm trước, hiện tượng chạy chức, chạy quyền hầu như rất hiếm khi xảy ra. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, tình trạng này ghê gớm, lộ liễu quá, ai cũng nhìn thấy.

Trung ương đã nắm bắt được tình hình này. Từ năm 2014, Đảng ta đã kiên quyết chống việc chạy chức, chạy quyền, đặc biệt hai năm gần đây đã coi đó là việc cấp bách.

Sau những vụ án lớn, đã từng bước nhìn ra ai chạy, chạy ai, chạy ở đâu... Nhưng như Tổng bí thư nói, chúng ta mới làm được một bước và hiện trạng này vẫn còn rất nhức nhối, cần phải đấu tranh mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Vấn đề quan trọng nhất là phải kiểm soát được quyền lực. Không thể giao quyền lực vào một người để họ mặc nhiên được ban bố đề bạt ai, sử dụng ai, đưa ai lên mà không có cơ chế kiểm tra, kiểm soát đặc hiệu.

Cơ chế kiểm soát quyền lực phải ràng buộc để một người đứng đầu khi đề bạt, bổ nhiệm người này, người kia vào các vị trí then chốt thì phải có trách nhiệm mãi mãi, tận cùng về sự hoàn thành nhiệm vụ của người được mình đề bạt.

Đề bạt một người không phải chỉ để được hưởng những tung hứng và "cảm ơn", mà nếu sau này người được đề bạt gây hậu quả nghiêm trọng thì người đề bạt cũng phải chịu trách nhiệm.

Những vụ đề bạt nhanh gần đây, phải lôi ra ánh sáng cả những người chịu trách nhiệm chính trước Đảng, trước nhân dân.

Ngoài ra, việc đề bạt cán bộ phải thực hiện công khai, minh bạch. Việc lấy ý kiến tập thể vẫn dừng ở mức độ tham khảo như hiện nay là không phù hợp.

Không thể lấy đó làm tiêu chí tham khảo, mà việc đề bạt các vị trí lãnh đạo bắt buộc phải gắn với tín nhiệm của nhân dân, của tập thể.

NGỌC HÀ ghi

ĐỨC BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên