Huyện đảo Lý Sơn có lượng mưa đo được gần 300mm - Ảnh: V.M.
Đảo Lý Sơn mưa gần 300mm, xuất hiện gió giật cấp 10
Trưa 11-9, UBND tỉnh Quảng Ngãi phát đi công điện khẩn, yêu cầu các địa phương triển khai các biện pháp hạn chế người, phương tiện ra đường trong thời gian bão số 5 (bão Conson) đổ bộ; tổ chức kiểm soát, điều tiết, hạn chế phương tiện đi vào vùng dự kiến bão ảnh hưởng.
Riêng các huyện đảo Lý Sơn, Bình Sơn không để người dân ra khỏi nhà từ 12h trưa 11-9 để đảm bảo an toàn tính mạng cho đến khi hết gió mạnh (dưới cấp 6).
Huyện Lý Sơn, Bình Sơn, TP Quảng Ngãi được dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão. Do đó, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 5, sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông hiện có để truyền tin dự báo, cảnh báo bão để người dân biết, chủ động phòng tránh.
Người dân xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi khẩn trương thu hoạch cá, đề phòng bão vào - Ảnh: T.M.
Các địa phương tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ bị chia cắt đến nơi an toàn.
Đặc biệt lưu ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân ở vùng đã bị sạt lở đất và có nguy cơ cao bị sạt lở đất tại các huyện miền núi: Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà.
Theo công điện trên, Quảng Ngãi cũng tiếp tục nghiêm cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động. Đồng thời, tiếp tục rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc quay về bờ ngay để neo đậu an toàn. Tuyệt đối không để người lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi có sóng, gió lớn.
Ông Nhâm Xuân Sỹ, giám đốc Đài khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, cho biết, do ảnh hưởng bão số 5, lượng mưa cực lớn trải trên diện rộng, phổ biến 150-250mm. Huyện Lý Sơn lượng mưa đo được khoảng 300mm và đã có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10. Tại Khu kinh tế Dung Quất có gió cấp 6, giật cấp 7.
"Đây là lượng mưa lớn, trải khắp tỉnh. Dù tâm bão không đi thẳng vào Quảng Ngãi nhưng huyện Bình Sơn và Lý Sơn có gió mạnh, mưa liên tục. Hạ lưu sông Trà Bồng dự báo sẽ ngập sâu. Bà con vùng trũng thấp nên chủ động sơ tán", ông Sỹ nói.
TRẦN MAI
Lực lượng công an, bộ đội biên phòng kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế - Ảnh: MẠNH HÙNG
Huế hạn chế dân ra đường
Sáng 11-9, ông Phan Thanh Hùng, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế, cho biết do ảnh hưởng của bão số 5, trên địa bàn tỉnh sẽ có gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 7-8.
Để đảm bảo an toàn, tỉnh này đã có công văn yêu cầu các địa phương vận động người dân hạn chế ra đường từ 14h chiều cùng ngày. Tỉnh cũng dự kiến sẽ ban hành lệnh cấm người dân ra đường từ tối 11-9 cho đến khi bão tan.
Những nơi chịu ảnh hưởng của bão cũng được yêu cầu tiến hành di dân và hoàn thành trước 17h chiều cùng ngày.
Do ảnh hưởng của bão, dự kiến trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có mưa rất to với tổng lượng mưa từ 150-300mm, có nơi trên 400mm. Trận mưa lớn kéo dài đến ngày 13-9 có khả năng gây ra lụt cục bộ tại TP Huế do nước mưa không kịp thoát.
Ông Hùng cũng cho biết toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã được đưa vào bờ an toàn. Hiện nay trên địa bàn còn khoảng 1.000ha lúa đang được các địa phương gấp rút thu hoạch trước khi bão vào.
"Chúng tôi cũng đã lập danh sách những địa điểm dễ xảy ra sạt lở đất để gửi về các địa phương và đề nghị chủ động di dời dân cư ở những điểm này đến nơi an toàn", ông Hùng nói.
NHẬT LINH
Bộ đội biên phòng Quảng Bình thu hoạch lúa giúp dân ở xã Thượng Hóa - Ảnh: L.G.
Bộ đội biên phòng Quảng Bình thu hoạch lúa giúp dân
Chạy đua với mưa bão số 5, bộ đội biên phòng Quảng Bình trên toàn tuyến biên giới Việt - Lào cùng dân thu hoạch xong lúa hè thu trước khi mưa bão đổ bộ vào…
Ngày 11-9, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Bình cho biết đến hôm nay, toàn bộ diện tích lúa hè thu 2021 của bà con các dân tộc ít người sống trên dải biên giới Việt - Lào đã được thu hoạch xong.
Cán bộ và chiến sĩ Đồn biên phòng Làng Ho (Lệ Thủy) đã cùng người dân Bru-Vân Kiều các bản Eo Bù - Chút Mút, Tân Ly thu hoạch và đưa về tận nhà của từng gia đình hơn 32 tấn thóc trên diện tích 7ha. Đây là lượng thóc, cùng các loại lương thực khác, bảo đảm cái ăn từ nay đến hết mùa giáp hạt của 557 người.
Tại Đồn biên phòng Ra Mai (Minh Hóa) cũng cắt cử hơn 50 lượt cán bộ, chiến sĩ gặt lúa giúp người dân các bộ tộc Mày, Sách, Mã Liềng ở các xã Trọng Hóa và Thanh Hóa.
Đại úy Cao Xuân Hoành, chính trị viên phó Đồn biên phòng Ra Mai, cho biết ngoài gặt lúa xong cho dân, đồn còn giúp dân chằng chống nhà cửa và chuẩn bị 1 tấn gạo để cấp phát cho dân nếu mưa bão số 5 gây lũ lụt, chia cắt địa bàn.
Đồn biên phòng Cà Xèng (Minh Hóa) cũng dành nhiều thời gian cùng bà con dân tộc Rục thu hoạch hết 7ha lúa hè thu trên cánh đồng Rục Làn.
Những cánh đồng lúa hiện nay của đồng bào các dân tộc vùng biên giới Việt - Lào ở Quảng Bình thường được bà con gọi là ruộng lúa biên phòng. Ruộng do bộ đội biên phòng khai hoang, trực tiếp cùng người dân làm đất, ủ giống, bón phân, tưới nước… cho đến thu hoạch và đưa lúa về đến nhà cho bà con.
LAM GIANG
Ngư dân xã Tam Quang di chuyển tàu thuyền đến nơi an toàn, neo chống đảm bảo để tránh bão - Ảnh: Đ.T.
Dân Quảng Nam tất bật ứng phó với bão
Trước diễn biến khó lường của bão số 5 (bão Conson), người dân Quảng Nam hối hả đưa thuyền vào bờ, thu hoạch lúa, di dân đến nơi an toàn… nhằm giảm thiểu thiệt hại trước khi bão đổ bộ.
Ngày 11-9, tại cảng Kỳ Hà, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam, hàng chục tàu thuyền đã cập bến để tránh bão. Sau khi vào bờ, các ngư dân gấp rút bán số lượng cá ít ỏi vừa đánh bắt được và nhanh chóng di chuyển tàu thuyền đến nơi an toàn để tránh bão.
Ngư dân gấp rút bán số lượng cá ít ỏi vừa đánh bắt được - Ảnh: Đ.T.
Ông Nguyễn Văn Thanh (57 tuổi, xã Tam Quang, huyện Núi Thành) cho biết đang đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa thì nhận thông báo về cơn bão số 5 nên cho tàu cá quay đầu về đất liền để tránh bão.
Hôm nay là ngày thứ 14 kể từ ngày tàu xuất bến, nhưng do ảnh hưởng mưa bão nên chưa đánh bắt được gì. Lần ra khơi này tàu cá của ông lỗ gần 60 triệu đồng. "Dù vất vả, thua lỗ nhưng tôi và các thuyền viên cũng thấy vui khi đã kịp về đất liền trước khi bão đổ bộ" - ông Thanh nói.
Trong khi đó, tại huyện Thăng Bình, Quảng Nam, người dân địa phương đang khẩn trương thu hoạch vụ lúa hè thu năm 2021 trước khi bão đổ bộ.
Lực lượng chức năng vận chuyển gạo đến các xã, thôn có nguy cơ bị chia cắt - Ảnh: Đ.T.
Ông Huỳnh Ngọc Hồng (46 tuổi, trú thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) cho biết nghe tin bão chuẩn bị đổ bộ, vợ chồng ông hối hả chạy đi gặt lúa. "Không gặt kịp trước khi bão vào thì thửa này coi như bỏ luôn" - ông Hồng chia sẻ.
Vụ hè thu năm 2021, toàn tỉnh Quảng Nam gieo sạ hơn 36.000ha, tập trung ở những vùng trọng điểm như huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành... Đến thời điểm hiện nay, các địa phương đã thu hoạch được 28.000ha/36.000ha theo kế hoạch.
Tại các huyện miền núi Quảng Nam, chính quyền địa phương đang lên phương án di dời dân ở các vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở núi, lũ quét đến nơi an toàn.
Người dân vùng có nguy cơ ngập úng, ảnh hưởng được sơ tán - Ảnh: Đ.T.
Ông Lưu Huyền Thoại - chủ tịch UBND xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn - cho biết cùng ngày, chính quyền đã di dời 11 hộ dân với 35 nhân khẩu ở các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn.
"Hiện trên địa bàn đang có mưa rất lớn, mực nước ở các sông đang dâng. Để giảm thiệt hại, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó" - ông Thoại nói.
Huyện Phước Sơn cũng vận chuyển 14 tấn gạo đến các xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc để dự trữ, phòng bão lũ bị chia cắt.
Ngư dân vận chuyển cá lên bờ trước khi đưa tàu thuyền đến nơi an toàn - Ảnh: Đ.T.
ĐỨC TÀI
Nghệ An sơ tán dân tránh bão đảm bảo phòng dịch
Đến chiều cùng ngày, tỉnh Nghệ An đã kêu gọi gần 3.400 tàu thuyền với hơn 17.100 lao động vào bờ tránh, trú bão nhằm đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho các ngư dân.
Không riêng gì tàu cá Nghệ An, tàu cá của các tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Bình, Hà Tĩnh… đánh bắt cá ở vịnh Bắc Bộ cũng đưa tàu thuyền vào bờ tránh bão tại cảng cá Cửa Hội và thị xã Cửa Lò.
Dọc bờ biển Cửa Lò, hàng trăm hộ kinh doanh ăn uống đóng quán vì dịch suốt nhiều tháng qua cũng tất bật chằng chéo, dùng bao cát chắn để hạn chế thiệt hại. Các công nhân công ty cây xanh và nhân viên điện lực đang tập trung cắt tỉa cây, đảm bảo an toàn hành lang lưới điện.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - cho biết đến sáng 11-9, toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 53.000/65.000ha lúa hè thu (hơn 80% diện tích). Tỉnh yêu cầu các địa phương đôn đốc người dân thu hoạch nhanh, gọn lúa hè thu với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
"Hiện một số hồ chứa thủy điện đã có thông báo xả lũ. Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương cần theo dõi, nắm chắc tình hình, diễn biến mưa lũ trước và sau bão để có các giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân vùng hạ du", ông Hiếu nói.
Tàu thuyền ngư dân chạy vào lạch tránh bão số 5 - Ảnh: DOÃN HÒA
Hàng quán dọc bãi biển Cửa Lò đều đã đóng cửa - Ảnh: DOÃN HÒA
Nhân viên Công ty Điện lực Cửa Lò, Nghệ An cắt tỉa cây xanh để phòng cây gãy đổ lên đường dây diện - Ảnh: DOÃN HÒA
DOÃN HÒA
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận