13/03/2006 07:15 GMT+7

Chọn trường thi, dễ hay khó?

PV
PV

TT - Mùa thi tuyển sinh 2006 đang bắt đầu những bước khởi động. Bạn sẽ chọn ngành nào, trường nào trước khi ghi vào bộ hồ sơ đăng ký dự thi 2006? Trường nào dễ đậu, ngành nào phù hợp với mình? Tìm cho mình chiếc vé vào giảng đường ĐH dễ hay khó?

p7K5Pg5a.jpgPhóng to

HS trung cấp ngành cơ khí Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng trong giờ thực hành. HS tốt nghiệp ngành này luôn có nhiều cơ hội việc làm. Ảnh: P.Đ.

TT - Mùa thi tuyển sinh 2006 đang bắt đầu những bước khởi động. Bạn sẽ chọn ngành nào, trường nào trước khi ghi vào bộ hồ sơ đăng ký dự thi 2006? Trường nào dễ đậu, ngành nào phù hợp với mình? Tìm cho mình chiếc vé vào giảng đường ĐH dễ hay khó?

Mời bạn tham khảo những thông tin về tuyển sinh và một số gợi ý chọn ngành học dưới đây để có thể tìm cho mình ngành nghề vừa sức.

Biết người, biết ta?

Thực tế các mùa tuyển sinh gần đây: đề thi có vẻ “dễ thở” hơn đối với TS, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ cả nước tăng dần hằng năm. Nhưng không vì thế mà việc giành một chiếc vé vào ĐH trở nên dễ dàng hơn. Trung bình hằng năm chỉ có khoảng 15-20% TS tốt nghiệp THPT trúng tuyển ĐH, một thống kê khác từ các số liệu tuyển sinh các năm gần đây cho thấy cứ bảy TS dự thi ĐH, CĐ sẽ có một TS trúng tuyển.

Muốn trúng tuyển, dĩ nhiên học lực của bạn phải thuộc hàng top những TS giỏi nhất. Và muốn chọn đúng trường vừa sức mình, để giảm rủi ro và tránh những tác động tâm lý chán nản, thất vọng khi hỏng thi, bạn cần cân nhắc kỹ trước khi chọn ngành, chọn trường theo những hướng sau đây:

- Nếu học lực của bạn khá giỏi nhiều năm liên tục, đặc biệt giỏi những môn thuộc khối thi ứng với ngành bạn định dự tuyển, bạn có thể yên tâm chọn các trường ĐHQG, học viện và ĐH công lập.

- Nếu học lực của bạn vào mức khá (không giỏi những môn sẽ dự thi), bạn cảm thấy “không chắc chắn lắm” về khả năng trúng tuyển ĐH của mình, bạn có thể nhắm đến hệ CĐ các trường ĐH công lập, các trường CĐ trung ương và địa phương. Trong điều kiện kinh tế gia đình thuận lợi, bạn có thể theo học tại các trường ĐH bán công, dân lập, tư thục hoặc các trường CĐ có hướng liên thông tiếp tục lên bậc ĐH.

Cũng cần lưu ý thêm rằng nếu bạn chọn nhóm các trường ngoài công lập, bạn phải nỗ lực rất nhiều trong quá trình học tập ở trường bởi vì điểm đầu vào các trường này luôn thấp hơn các trường công lập cùng bậc đào tạo; có nghĩa là ở đầu vào trình độ của SV ngoài công lập thấp hơn, nếu không nỗ lực vượt bậc thì đến lúc ra trường bạn sẽ khó trở thành những kỹ sư, cử nhân khá giỏi... Và dĩ nhiên rất khó được tuyển dụng vào những vị trí công việc hấp dẫn trong cuộc cạnh tranh tìm việc làm sau này.

- Nếu học lực của bạn vào mức trung bình, không có môn nào giỏi đặc biệt, bạn nên nhắm đến các trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề. Khoảng 70% các trường THCN không tổ chức thi tuyển, chỉ xét tuyển theo điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm thi ĐH, CĐ.

Bạn sẽ không quá vất vả để tìm một ngành học phù hợp với mình ở bậc trung cấp. Đây là con đường ngắn hơn để vào đời và dễ tìm việc làm. Nếu bạn thật sự có năng lực, sau khi đi làm bạn vẫn còn cơ hội học tiếp lên cao theo các chương trình đào tạo liên thông, chuyên tu, tại chức đang ngày càng mở rộng.

Trường nào dễ đậu?

Có thể tạm chia các trường ĐH cả nước thành ba nhóm theo mức điểm chuẩn hằng năm, Trong đó:

- Nhóm các trường có điểm chuẩn cao nhất (khoảng 23 điểm trở lên): ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM); các ngành thuộc nhóm kỹ thuật, công nghệ thuộc ĐHQG Hà Nội, ĐH Huế; ĐH Ngoại thương, ĐH Thương mại, ĐH Kinh tế quốc dân, các trường thuộc nhóm y, dược, răng hàm mặt, công nghệ sinh học, Học viện Quan hệ quốc tế...

- Nhóm trường có điểm chuẩn từ 17-22: các ĐH lớn ở các vùng (ĐH Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ), các trường ĐH Sư phạm, ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Thủy sản, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Kiến trúc, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Luật, ĐH Văn hóa, ĐH Ngân hàng...

Trong nhóm này có sự chênh lệch khá rõ giữa các khối thi, giữa các ngành trong cùng một trường, giữa các trường phía Bắc và phía Nam. Cụ thể, nhiều ngành tuyển khối C ở phía Bắc điểm chuẩn 18 trở lên; trong khi phía Nam lại có nhiều trường từ 17 trở xuống). Các ngành khối A, B luôn có điểm chuẩn cao hơn khối C, D.

- Nhóm các trường có điểm chuẩn bằng điểm sàn đến 17 bao gồm các trường ĐH ngoài công lập, các ĐH vùng xa: ĐH Tây nguyên, ĐH Tây Bắc, ĐH An Giang, các trường tuyển khối C, D.

Cũng cần lưu ý thêm, điểm chuẩn giữa các ngành khối A trong từng trường luôn có chênh lệch từ 4-5 điểm... Các ngành điện tử, cơ điện tử, CNTT luôn hấp dẫn rất đông TS dự thi và do đó điểm chuẩn các ngành này luôn cao ngất so với các ngành cùng khối, cùng trường.

Trong khi đó các ngành y, dược, công nghệ hóa thực phẩm có số lượng TS ít hơn nhưng điểm chuẩn cũng rất cao. Các ngành thuộc nhóm cơ khí, nông lâm, thủy sản... thường có mức điểm “dễ chịu” hơn. Đối với khối C, điểm chuẩn cao nhất thường rơi vào nhóm ngành báo chí, Luật thương mại; các ngành SP thường có mức điểm chuẩn từ 20-27 (môn chuyên ngành nhân hệ số 2)...

Bạn sẽ chọn ngành nào dễ đậu? Thông thường ngành dễ đậu được hiểu là ngành có điểm chuẩn thấp hơn. Tuy nhiên, điểm chuẩn cũng chỉ là yếu tố tham khảo, còn chính khả năng, thực lực của TS mới là yếu tố quyết định. Và trước khi đặt bút vào bộ hồ sơ dự thi ĐH 2006, ngoài yếu tố học lực (học lực khá giỏi mới có khả năng trúng tuyển), bạn cần lưu ý đến hai yếu tố khác là năng lực và tính cách của mình có phù hợp với ngành bạn chọn hay không?

Chọn ngành, chọn trường chính là chọn lấy một nghề để mình theo đuổi cả đời. Theo hướng dẫn của các chuyên viên tư vấn hướng nghiệp, trước tiên bạn nên chọn cho mình một ngành nghề phù hợp nhất với năng lực, tính cách của mình. Sau đó, tùy vào học lực, bạn hãy chọn trường nào vừa sức mình (ĐH, CĐ hay TCCN). Và phần thắng trong các cuộc thi tuyển sinh bao giờ cũng thuộc về những người chọn đúng ngành nghề phù hợp nhất với mình.

Bạn có biết?

* Lịch thi tuyển sinh 2006:

- Đợt 1: Ngày 4-7 và 5-7-2006 thi đại học khối A. Thí sinh thi khối V, sau khi dự thi môn toán, lý (theo đề thi chung khối A), thi tiếp năng khiếu vẽ đến 8-7-2006.

- Đợt 2: Ngày 9-7 và 10-7-2006 thi đại học khối B, C, D. TS thí khối H, N thi văn theo đề thi khối C; khối M thi văn, toán theo đề thi khối D; khối T thi sinh, toán theo đề thi khối B; Khối R thi văn, sử theo đề thi khối C. Sau khi thi xong các môn theo đề chung, TS mới bắt đầu thi các môn năng khiếu đến 14-7-2006.

- Đợt 3: Các trường CĐ tổ chức thi theo đề riêng vào hai ngày 16 và 17-7, các trường thi năng khiếu sẽ thi đến ngày 22-7.

- Các trường trung cấp chuyên nghiệp: sẽ tổ chức thi từ ngày 15-8 đến hết ngày 30-8. Các trường trung cấp chỉ thi hai môn, đề thi và ngày thi do từng trường quyết định. Đối với các trường trung cấp xét tuyển (khoảng 200 trường) sẽ nhận hồ sơ xét tuyển từ nay đến cuối tháng tám (hoặc đầu tháng chín).

* Các mốc thời gian cần nhớ:

- Từ 10-3 đến 17g ngày 10-4: nộp hồ sơ và lệ phí ĐHKT ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp tại trường THPT (đối với HS đang học lớp 12); TS tự do nộp tại các điểm thu nhận hồ sơ thuộc Sở GD-ĐT. Hầu hết các sở GD-ĐT nhận hồ sơ TCCN đến hết tháng năm.

- 11-4 đến 17g ngày 17-4: nộp hồ sơ trực tiếp tại trường ĐH, CĐ tổ chức thi. Các trường TCCN nhận hồ sơ dự thi đến trước ngày thi hai tuần.

- Từ 30-5 đến 5-6, các sở gửi giấy báo dự thi ĐH, CĐ cho TS.

- Ngày 10-8, các trường ĐH công bố kết quả thi.

- 15-8, các trường ĐH gửi kết quả thi cho TS.

- Từ 25-8 đến 10-9: nộp hồ sơ xét tuyển NV2.

- Trước 15-9: các trường công bố kết quả xét tuyển NV2.

- Từ 15-9 đến 30-9: nộp hồ sơ xét tuyển NV3.

- Trước 5-10: các trường công bố kết quả xét tuyển NV3.

* Tìm thông tin tuyển sinh ở đâu?

- Bạn thắc mắc về thủ tục hồ sơ, các qui định riêng với các ngành năng khiếu? Bạn nên liên hệ với bộ phận phụ trách tuyển sinh Sở GD-ĐT.

- Bạn muốn biết chỉ tiêu tuyển, môn thi, ngày thi, mã ngành, mã trường ĐH, CĐ, TCCN toàn quốc? Bạn có thể tham khảo trong quyển Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2006; Những điều cần biết về tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp 2006 do Bộ GD-ĐT ấn hành, phát hành rộng rãi cả nước vào giữa tháng 3-2006.

- Ngoài kênh thông tin trên báo đài, bạn cần ghi nhớ những trang web sau: Bộ GD-ĐT: www.edu.net.vn; Vụ ĐH và sau ĐH: www.hed.edu.vn; Vụ Giáo dục chuyên nghiệp: www.gdcn.edu.vn)

Riêng với báo Tuổi Trẻ Online: www.tuoitre.com.vn, cụ thể như sau:

- Trang Giáo dục: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ChannelID=13;

- Trang Tuyển sinh: http://www.tuoitre.com.vn/Tuyensinh/Index.aspx?ChannelID=142;

- Phần Thông tin ĐH-CĐ-TCCN 2006: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?TopicID=536

- Phần Ngành gì? Trường gì? Làm gì?: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?TopicID=559

- Phần Điểm chuẩn 2005: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?TopicID=442

PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên