05/09/2015 08:50 GMT+7

​Chộn rộn với ngày khai giảng “ngắn, gọn”

NHÓM PV GIÁO DỤC
NHÓM PV GIÁO DỤC

TT - Hôm nay 5-9, trên 22 triệu học sinh sinh viên cả nước, với gần 44.000 trường học các cấp bước vào năm học mới 2015 - 2016.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Văn Tạo (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM) tổng dượt lần cuối bài đồng diễn chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới chiều 4-9 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Số học sinh năm học này tăng gần 338.000 so với năm học trước. Trong đó, có 4,42 triệu trẻ mầm non (tăng 180.000 trẻ), 15,08 triệu học sinh phổ thông (tăng 180.000 học sinh), 350.000 học sinh trung cấp chuyên nghiệp và 2,36 triệu sinh viên ĐH-CĐ (tăng 38.000 sinh viên).

Năm học này, tổng số giáo viên, giảng viên cả nước là 1,24 triệu (tăng so với năm học trước 14.383 giáo viên), trong đó có 277.684 giáo viên mầm non, 856.730 giáo viên phổ thông, 10.911 giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, 91.183 giảng viên ĐH, CĐ và khoảng 300.000 cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

Năm học 2015 - 2016 được bộ trưởng Bộ GD-ĐT xác định là năm học tiếp tục nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng khẳng định năm học 2015 - 2016 khuyến khích các nhà trường tăng cường hoạt động giáo dục, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nhằm giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh sinh viên, giảm bớt các quy định mang tính hình thức, gây khó khăn cho giáo viên, cho học sinh sinh viên.

Khởi đầu cho việc này là chỉ đạo của Bộ GD-ĐT điều chỉnh một số vấn đề bất cập trong việc tổ chức lễ khai giảng năm học mới.

Theo đó, lễ khai giảng năm học mới sẽ diễn ra trong một ngày duy nhất là ngày 5-9 và chỉ tiến hành trong khoảng một giờ ở các trường học trên cả nước. Nội dung lễ khai giảng năm học theo hướng gọn nhẹ, trang trọng, cùng với đó là các hoạt động vui tươi, có ý nghĩa dành cho học sinh và thầy cô giáo.

TP.HCM: tổ chức sân chơi cho học sinh

Theo chương trình lễ khai giảng của Trường tiểu học Lạc Long Quân (Q.11), phần lễ chỉ diễn ra trong 50 phút, sau đó nhà trường sẽ tổ chức sân chơi cho học sinh. Sân chơi này bao gồm: tham quan thư viện, xem phim hoạt hình, trò chơi “Ai sút bóng giỏi?”, sân khấu “Trình diễn trang phục đến trường”, gian hàng tặng bạn mùa khai trường, “Điều em muốn nói vào đầu năm học”...

Tại trường này cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Hương còn nắn nót viết lá thư đầu năm học mới để gửi đến 1.436 học sinh của trường mình. Bức thư được gửi kèm một chú voi con ngộ nghĩnh mà học sinh nào cũng được nhận trong ngày khai giảng.

Tại Trường tiểu học Võ Trường Toản (Q.10), thầy Nguyễn Thế Dũng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết điểm nhấn trong lễ khai giảng là phần học sinh cũ đón học sinh mới (lớp 1), nghe tiếng trống khai trường và tập trung vào các trò chơi dân gian ở sân trường. “Chúng tôi sẽ làm một lễ khai giảng gọn nhẹ nhưng ấm áp, nhiều cảm xúc cho học sinh” - thầy Dũng nói.

Tại Trường mầm non Sơn Ca 11 (Q.Phú Nhuận), theo cô Nguyễn Thị Bích Thủy - hiệu trưởng, ngày khai giảng không có phần “lễ” mà chỉ có phần “hội” với trò chơi lego, bong bóng tạo hình, tô màu, xem biểu diễn ảo thuật, múa lân... dưới sân trường. Sau đó, phụ huynh sẽ đưa bé lên lớp làm quen và vui chơi với cô giáo để tạo sự thân thiện giữa cô và trò.

Cô Thủy cho biết: “Sẽ không có tiết mục phát biểu hay thông báo gì của hiệu trưởng là năm học mới đã bắt đầu. Chúng tôi chỉ tổ chức sao cho lễ khai giảng thật sự là một ngày hội vui chơi của học sinh”.

Tương tự, “ở Trường mầm non 20-10 (Q.1), sau khi học sinh đến trường vui chơi cùng với ba mẹ và cô giáo sẽ ra về với một phần quà. Ngoài ra, nhà trường sẽ không tổ chức lễ như các trường phổ thông” - cô Trần Thị Phương Thảo, hiệu trưởng Trường mầm non 20-10, khẳng định.

Còn cô Đỗ Ngọc Chi, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1), chia sẻ: “Lễ khai giảng năm nay sẽ không có phần phát biểu của lãnh đạo để rút ngắn tối đa phần lễ, dành thời gian cho phần hội, cho các em học sinh được thoải mái vui chơi trò chơi dân gian như ném bóng, kéo co, nhặt đậu...”.

Hà Nội: lãnh đạo dự khai giảng không đọc diễn văn

Tại Hà Nội, Sở GD-ĐT đã có văn bản đề nghị ngành điện lực cung cấp đủ điện, ngành công an phối hợp trong việc giảm ùn tắc giao thông, phân luồng giao thông vào giờ học sinh sinh viên đến trường khai giảng, đảm bảo an ninh trật tự.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết năm học này Hà Nội có gần 1,7 triệu học sinh với gần 2.600 trường học các cấp. Sở đã chỉ đạo tất cả các trường thực hiện nghiêm nội dung lễ khai giảng năm nay, gồm chào cờ, hát quốc ca, đọc thư Chủ tịch nước.

Sau khai giảng sẽ là tiết học đầu tiên của các trường THCS và THPT về nếp sống văn minh, thanh lịch. “Các lãnh đạo đến dự sẽ không đọc diễn văn mà thay bằng hành động - đánh trống, tặng hoa hoặc chỉ phát biểu ngắn gọn” - ông Thống khẳng định.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy hầu hết các trường ở Hà Nội chỉ tập trung học sinh vào ngày 4-9 để phổ biến về giờ tổ chức lễ khai giảng, những công việc thầy cô giáo, học sinh phải làm. Tại Trường Nam Từ Liêm (Hà Nội), một trường theo lịch ngày 5-9 sẽ có lãnh đạo cấp cao đến dự, học sinh cũng theo đúng quy định tập trung vào sáng 4-9.

“Đúng 7g15 học sinh có mặt tại trường để tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Chúng tôi không triệu tập học sinh trước để tập dượt. Lễ khai giảng năm nay cũng sẽ giảm bớt những phần không cần thiết, dành nhiều thời gian cho các hoạt động tập thể của học sinh” - cô Ngô Thị Thanh, hiệu trưởng Trường Nam Từ Liêm, cho biết.

Đắk Lắk: sửa sang lán trại chào năm học mới

Học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) sửa sang lại lán trại để trọ học trước lễ khai giảng (ảnh chụp chiều 4-9) - Ảnh: LĨNH HỒNG

Ngày 4-9, thầy cô và học sinh các trường học ở vùng sâu thuộc huyện Krông Bông (Đắk Lắk) đã tập trung chuẩn bị cho lễ đón chào năm học mới.

Nhà cách trường đến 30km, nhiều học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông) đã có mặt tại các lán trại dựng sẵn để trọ học. Ngoài sách vở được nhà trường cấp cho, học sinh mang thêm gạo và những món quà quê lên trọ học. “Chúng mình đã tới lán trước một tuần để sửa sang, dọn dẹp. Gạo, một số thức ăn cũng mang từ nhà lên để bớt tốn kém” - bạn Vàng Seo Mong, lớp 12A4 Trường THPT Trần Hưng Đạo, chia sẻ.

“Hôm nay thầy cô trong trường cũng đã gom góp một ít áo quần đem tới cho chúng mình đón năm học mới. Tuy không phải quần áo mới nhưng đều rất đẹp” - bạn Mã Văn Hội, lớp 12A3 Trường THPT Trần Hưng Đạo, hồ hởi khoe.

Thầy Dương Kim Thạch, hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, cho biết đúng 7g30 ngày 5-9 trường sẽ làm lễ khai giảng và chỉ kéo dài không quá 30 phút. “Phần phát biểu sẽ rất ngắn gọn, ngoài đọc thư Chủ tịch nước và phát biểu khai mạc, thời gian còn lại dành cho các cá nhân, doanh nghiệp tặng quà cho học sinh” - thầy Thạch nói.

Đà Nẵng: diễn văn khai giảng không quá 10 phút

Ngày 4-9, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản chỉ đạo Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng về việc tổ chức lễ khai giảng. Theo đó, lễ sẽ được tổ chức vào ngày 5-9 với tinh thần ngắn gọn, không có phần phát biểu của lãnh đạo các cấp.

Chương trình sẽ bao gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm: đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước... Diễn văn khai giảng của hiệu trưởng nhà trường hoặc giám đốc trung tâm không quá 10 phút. Phần hội sẽ là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian...

An Giang: cấm tổ chức liên hoan, tiệc tùng

Tại An Giang, ông La Công Tâm, giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, cho biết sở đã có thông báo hướng dẫn việc tổ chức lễ khai giảng năm học 2015 - 2016. Theo đó các trường tổ chức buổi khai giảng trang trọng, ý nghĩa, gọn nhẹ, tránh hình thức rườm rà, nhiều phát biểu dài dòng...

Ông Lê Văn Hậu, trưởng Phòng giáo dục huyện An Phú, cho biết phòng cũng chỉ đạo các trường làm lễ khai giảng năm học mới ngắn gọn, tiết kiệm, chủ yếu dành cho học sinh sinh hoạt vui chơi. Sau lễ khai giảng học sinh vẫn học bình thường. Đặc biệt, các trường sẽ huy động học sinh đến lớp, chống bỏ học, bởi mấy năm học trước tỉ lệ học sinh bỏ học ở huyện còn cao.

“Thường mọi năm, sau buổi khai giảng nhân sự có mặt của đại diện phụ huynh, chính quyền địa phương, nhiều trường thường có tổ chức liên hoan. Còn năm nay cấm tổ chức liên hoan, tiệc tùng” - ông Hậu nói.

Cần Thơ: khai giảng không quá 60 phút

Ông Trần Trọng Khiếm, giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết sở đã có công văn yêu cầu tất cả các trường trên địa bàn TP tổ chức lễ khai giảng không quá 60 phút. Theo đó, đúng 7g30 sáng 5-9, đồng loạt các trường sẽ tổ chức lễ khai giảng, đảm bảo phần lễ và hội diễn ra liên tục, không kéo dài lê thê.

Các trường bố trí thời gian, địa điểm hợp lý, tránh ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe giáo viên và học sinh, đặc biệt chương trình phải tiết kiệm, tạo ấn tượng đẹp cho học sinh đầu cấp. Đồng thời phải đảm bảo không để học sinh thiếu sách vở, cần nắm bắt tình hình học sinh có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời hỗ trợ.

Cô Trần Thị Lụa - hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều - cho biết lễ khai giảng năm nay sẽ rất vui và ý nghĩa, thầy trò vẫn còn được giảng dạy, học tập tại ngôi trường cổ, ngôi trường vẫn được lưu giữ, không bị đập bỏ để xây mới.

“Lẽ ra đầu năm học mới tất cả giáo viên, học sinh đều phải chuyển sang trường mới để học. Nhưng chúng tôi đều có nguyện vọng được dự lễ khai giảng tại ngôi trường này, nên hiện việc học sẽ diễn ra bình thường, khi nào có quyết định trùng tu thì chúng tôi mới di chuyển đến nơi khác” - cô Lụa nói. 

NHÓM PV GIÁO DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên