21/02/2016 08:58 GMT+7

Chọn đúng kênh, giới trẻ sẽ quan tâm hơn

NGỌC HIỂN thực hiện (ngochien@tuoitre.com.vn)
NGỌC HIỂN thực hiện (ngochien@tuoitre.com.vn)

TT - Đó là ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (trưởng bộ môn tâm lý học ứng dụng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) khi bàn chuyện người trẻ quan tâm đến các câu chuyện chính trị của đất nước.

Giới trẻ cần được truyền “lửa” để quan tâm hơn nữa các vấn đề chính trị - Ảnh: Việt Dũng
Giới trẻ cần được truyền “lửa” để quan tâm hơn nữa các vấn đề chính trị - Ảnh: Việt Dũng

* Ở nhiều cuộc tiếp xúc cử tri tại các địa phương, rất ít khi người trẻ tham gia và đóng góp ý kiến của mình. Theo anh, vì sao lại có thực trạng này?

- Ở những cuộc tiếp xúc cử tri rất ít khi thấy người trẻ tham gia bởi nó xuất phát từ vấn đề niềm tin của giới trẻ khi nêu ý kiến.

Bản thân chúng ta là những người trẻ nhưng chúng ta có tin ý kiến của mình sẽ được ghi nhận và được triển khai trên thực tế hay không? Khi cảm giác mình nói mà không được ghi nhận hoặc ghi nhận một cách hình thức và không thể thay đổi gì cả thì người ta không muốn nói gì nữa.

Lúc đó, người ta sẽ không tiêu tốn thời gian vào những công việc không có kết quả. Các bác cựu chiến binh, các bác lớn tuổi vẫn còn chất “đỏ”, họ vẫn còn niềm tin và vẫn đến các buổi tiếp xúc cử tri như thế.

TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - Ảnh N.V.
TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - Ảnh N.V.

Vậy giới trẻ hiện nay chọn cách bày tỏ ý kiến, quan điểm như thế nào, thưa anh?

- Giới trẻ ngày nay chọn cách nói ở những nơi họ cảm thấy tự do, đó chính là trên mạng xã hội, các diễn đàn trên mạng.

Như thế, nếu những nhà lãnh đạo đứng ra tổ chức những diễn đàn trực tuyến thì tôi nghĩ giới trẻ sẽ sẵn sàng đứng lên bày tỏ quan điểm của mình. Không chỉ vậy, một bạn trẻ nói một ý kiến đúng thì sẽ có hàng trăm, hàng ngàn người bấm nút “thích” hay bình luận “đồng ý” thì ý kiến đó mang sức nặng hơn, một sức nặng cộng đồng.

Khi lãnh đạo chọn kênh đối thoại là kênh online thì chứng tỏ rằng họ hiểu giới trẻ, tôn trọng người trẻ. Ắt hẳn khi đó người trẻ sẽ tin họ hơn và sẽ sẵn sàng để nói. Như vậy, điều quan trọng chính là cách tiếp cận của người lãnh đạo đối với cử tri của mình.

Những đối tượng cử tri sẽ ở những kênh khác nhau, nếu một người lãnh đạo muốn sâu sát đúng nghĩa thì phải đến tận nơi đối tượng muốn lắng nghe để nghe họ nói chứ không phải kêu gọi người dân hãy đến đây nói cho tôi nghe. Bác Hồ nói “lãnh đạo là công bộc của nhân dân”, tức đã là công bộc thì phải đi tìm nhân dân để mà nghe chứ không phải là ngồi một chỗ để chờ người ta tới nói cho mình nghe.

Thực tế có rất nhiều vị lãnh đạo sâu sát, được rất nhiều người ngưỡng mộ, giới trẻ quan tâm như cố bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Rất hiếm khi giới trẻ chịu ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính để xem một bài phát biểu như bài phát biểu của ông Nguyễn Bá Thanh được đăng tải trên YouTube, cứ nhìn vào lượt người xem thì chúng ta sẽ biết.

Hay khi các lãnh đạo TP.HCM giải quyết tức thời nhiều vấn đề cụ thể của thành phố thì đã được dư luận, giới trẻ ủng hộ và theo dõi. Như vậy, cách tiếp cận của lãnh đạo đối với giới trẻ sẽ quyết định rằng giới trẻ có ủng hộ hay không.

Chúng ta hãy nhìn dưới góc độ “lấy dân làm gốc” thì cũng “lấy giới trẻ làm gốc” thì chúng ta sẽ có tiếp cận khác với giới trẻ và sẽ đạt được hiệu quả. Chủ trương tăng người trẻ vào Quốc hội thì tôi rất ủng hộ vì chính người trẻ sẽ hiểu những người trẻ, sự quan tâm được phủ rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, nhiều lứa tuổi.

* Tuy nhiên, giới trẻ cũng phải tự có cách nhìn khác về chính mình chứ?

- Nhiều người nghĩ rằng giới trẻ đang quay lưng với chính trị và thời sự vì đang cảm thấy thiếu những hình mẫu lý tưởng để truyền cảm hứng, truyền động lực, để làm gương, làm thần tượng cho giới trẻ.

Trước khi trả lời băn khoăn đó, mỗi người hãy suy ngẫm xem “Tại sao chính chúng ta không phấn đấu và xây dựng bản thân mình trở thành một hình mẫu truyền niềm tin và động lực cho mọi người?”.

Nguyễn Trần Hải Đăng (chủ tịch Hội SV Trường ĐH Luật TP.HCM):

Nói giới trẻ không quan tâm là chưa đúng

Việc người trẻ ứng cử vào Quốc hội là một vấn đề cần thiết và cần nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa từ nhiều phía. Một mặt, họ phải là người có tư tưởng chính trị vững vàng, có đủ nhận thức về vị trí, vai trò của một người đại biểu Quốc hội và đặc biệt là có sự tín nhiệm ngay trong đơn vị của mình.

Khi bạn đủ tầm và tâm để đóng góp cho xã hội và đất nước thì có thể ứng cử chứ đừng vì muốn thể hiện cái tôi, quyền lực mà tham gia Quốc hội.

Mặt khác, xã hội và trực tiếp là các cơ quan lãnh đạo nên có cái nhìn đầy đủ hơn về tình hình giới trẻ hiện nay. Có người nói giới trẻ ít quan tâm đến vấn đề chính trị, thời cuộc là không đúng vì rất nhiều bạn trẻ quan tâm đến vấn đề hội nhập, đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội... nhưng một bộ phận các bạn trẻ lại chỉ quan tâm đến vấn đề nhân sự trong hệ thống chính trị chứ chưa quan tâm sâu hơn về thể chế, hệ thống luật pháp...

Điều này là do các bạn trẻ ít có diễn đàn để trao đổi nâng cao định hướng, nhận thức chính trị của họ.

Thực tế cho thấy người trẻ giỏi không thiếu, do vậy nếu để số lượng người trẻ tham gia Quốc hội cao hơn sẽ mang lại nhiều hiệu ứng mới mẻ, tích cực hoạt động lập pháp của nước ta. Tư duy đổi mới, đột phá, nhạy bén của người trẻ kết hợp với kinh nghiệm, bản lĩnh của thế hệ đi trước sẽ tạo nên sức mạnh để đưa đất nước phát triển giàu mạnh.

K.ANH ghi

NGỌC HIỂN thực hiện (ngochien@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên