09/03/2015 06:00 GMT+7

​Chơi thú hoang dã, có mang họa?

VÕ HƯƠNG – MAI HOA – MẠNH KHANG
VÕ HƯƠNG – MAI HOA – MẠNH KHANG

TTO - Lạ mắt, sành điệu là những lý do khiến nhiều người săn lùng mua, nuôi những loài thú lạ, thú hoang dã trong nhà như nhện, rắn, côn trùng, chó dữ, khỉ, gấu...

Nuôi thú tại nhà - Ảnh: Ảnh Việt Hà

Mới đây, bé trai 3 tuổi ở Hóc Môn, TP.HCM, khi chơi đùa trong vườn đã bị con gấu nuôi nhốt của gia đình cắn lìa tay.

Cuối tháng 2-2015, lại có vụ con gấu sổng chuồng ở quận 12 làm cả xóm hoảng loạn. Nuôi thú dữ, thú lạ tại nhà vì nhiều mục đích khác nhau đang tiềm ẩn sự nguy hiểm.

Thú chưa kiểm dịch, thấy lạ thích thì...nuôi

Anh V.T (huyện Mang Thít, Vĩnh Long) cho biết: “Ở nhà có nuôi mấy con sóc kiểng. Thấy lạ thì mình mua thôi vì mấy đứa cháu khoái lắm”.

Khi được hỏi và mức độ nguy hiểm của những con vật này, anh Toàn băn khoăn: “Thấy thích thì nuôi chơi thôi. Mình nhốt trong lồng sắt và dặn tụi nhỏ không đụng vào nên chắc sẽ không ảnh hưởng gì”.

Những con sóc kiểng này được bán ở những ngã tư trên đường anh T. đi làm với giá từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng tùy màu sắc lông.

>> Anh V.T

Được biết, loại sóc kiểng mà anh T. đang nuôi là sóc chuột, sinh sống chủ yếu trong những vườn cây ăn trái ở đồng bằng sông Cửu Long. Loại này chỉ ăn mỗi quả một ít nên rất có hại cho bà con nhà vườn.

Chị Hoàng Mai (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) e ngại: “Nhiều nhà bây giờ nuôi những giống chó lạ, trông rất dữ. Mỗi lần có việc sang nhà họ mình đều cảm thấy sợ vì không biết con chó tính tình thất thường thế nào”.

Chị Kim Liên (thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông) cho biết: “Chỗ tôi có tình trạng người dân bắt khỉ từ rừng về nuôi. Nhưng do không có chuồng, rào chắn cẩn thận nên hễ trẻ con hay người lớn đến gần là bị cào trầy xước, không ai dám đến nhà có nuôi khỉ để chơi nữa”.

>> Chị Kim Liên

Nguy hiểm khó lường

Lồng nuôi tù túng, chật hẹp dễ làm thú sinh bệnh - Ảnh Việt Hà

Ông Thân Văn Nê (phó Giám đốc Xí nghiệp động vật - Thảo Cầm Viên Sài Gòn) cho biết: “Sức sống của thú nuôi sẽ tùy thuộc vào con vật lớn hay nhỏ, thuộc loài nào. Nói chung, tất cả những loài hoang dã khi mang vào môi trường nuôi nhốt sẽ thay đổi tâm tính, chúng trở nên hung hăng hơn, khó thuần hóa hơn...”.

Ông Nên cho biết thông thường, những cơ sở được cấp phép nuôi động vật hoang dã cho một mục địch nào đó thì trước tiên loài vật ấy phải qua kiểm dịch của thú y và được nuôi cách ly để theo dõi tình trạng sức khỏe.

>> Ông Thân Văn Nê

Theo Tiến sĩ Võ Đình Sơn - chuyên gia về thú y, động vật hoang dã (giảng viên thỉnh giảng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) - người dân nuôi thú lạ, thú độc như thú cưng mà điều kiện chăn nuôi như nuôi gia súc thì chắc chắn thú sẽ bệnh, chết sạch.

“Trong điều kiện chuồng nuôi không thích hợp như chật hẹp, tù túng, gió lùa, mưa nắng, không thể hoạt động, dễ làm thú sinh bệnh. Khi sinh bệnh lại không có thuốc điều trị đặc hiệu” – ông Sơn giải thích.

>> TS Võ Đình Sơn

Theo bác sĩ Cao Xuân Minh - Giám đốc phòng khám đa khoa Ngọc Minh (Q.11, TP.HCM), với những loài động vật hoang dã, người nuôi không biết được những loại kí sinh (vi trùng, vi-rút, vi khuẩn) trên cơ thể chúng. Nhiều trường hợp các loại kí sinh này có thể lan nhanh thành những dịch bệnh.Tốt nhất là phải có kiểm tra của cơ quan chức năng.

BS Minh cho rằng dù là loài thú nuôi hiền lành nhất nhưng cũng có nguy cơ tiềm ẩn chứ chưa nói đến thú hoang dã. Riêng những loại thú dữ, dễ gây tổn thương cho người cần phải luôn đề phòng dù đã được thuần hóa.

>> BS Cao Xuân Minh

Đồng ý với quan niệm này, ông Thân Văn Nê cho biết nhân viên Thảo Cầm Viên dù đã quen với nhiều loài vậy nhưng vẫn luôn có những công tác bảo vệ an toàn khi chăm sóc chúng. Vì vậy, người dân đừng quá chủ quan vào những con vật mà mình nghĩ là thân thiết.

>> Ông Thân Văn Nê

TS Võ Đình Sơn cho biết: “Không thể lường trước được những tình huống xảy ra khi nuôi những loại thú dữ, thú hoang dã”.

Ông Sơn dẫn chứng trường hợp khi trẻ tới chơi nhà, trong khi người lớn lo tiếp khách ở nhà trên thì trẻ ra sau vườn nơi có chuồng nuôi gấu. Chỉ cần trẻ đưa một quả bí vào thì rất có thể con gấu sẽ chụp lấy và kéo tay trẻ vô chuồng.

>> TS Võ Đình Sơn

Trẻ em là nạn nhân chiếm số lượng lớn trong các vụ tai nạn do thú nuôi gây ra vì nhận thức còn thấp trong khi sự tò mò cao. Phong trào nuôi thú chỉ mới bắt đầu ở Việt Nam những năm gần đây. “Do mọi thứ đều mới mẻ nên người nào có ý định nuôi thú lạ, cần hết sực cẩn trọng” - BS Minh lưu ý

>> BS Cao Xuân Minh

Về những nguy cơ khi nuôi thú lạ, BS Phan Quốc Bảo (chuyên khoa Tai-Mũi-Họng, BV Đại học Y dược TP.HCM - Cơ sở 2) nói: Người nuôi thú thường bị cắn hoặc bị dị ứng bơi lông thú. Những giống thú ngoại nhập, đa phần không qua chăm sóc thú ý, người dân nuôi tự phát nên không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn có nguy cơ tác động đến môi trường vì là sinh vật ngoại lai.

>> BS Phan Quốc Bảo

Nhiều con vật có thể sinh trưởng bình thường ở nước ngoài nhưng khi sang Việt Nam sẽ gây ảnh hưởng môi trường. Tuyệt đối không được nuôi động vật ngoại lai không chỉ vì bản thân người nuôi hay gia đình mà còn vì cộng đồng, môi trường sống.

Trường hợp ốc bươu vàng, cây mai dương, rùa tai đỏ là những ví dụ tiêu biểu cho việc ảnh hưởng nghiêm trọng của nuôi động vật ngoại lai không kiểm soát.

>> BS Phan Quốc Bảo

Vi phạm pháp luật

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM:

Về hành chính, Việt Nam có tham gia công ước buôn bán quốc tế các loài động vật hoang dã, pháp luật Việt Nam cũng có luật bảo vệ và phát triển rừng, luật đa dạng sinh học cùng rất nhiều nghị định của chính phủ, quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về quản lý động thực vật rừng nguy cấp và quý hiếm, xuất nhập khẩu, tái xuất nhập khẩu, nhất là đối với các loài hoang dã quý hiếm bằng một danh mục rõ ràng.

>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Về hình sự, có bộ luật hình sự cùng với những thông tư liên tịch về các tội phạm trong lĩnh vực rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Theo đó, luật quy định người nào săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Luật sư Hậu nói: “Thực tế, những quy định này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, còn nhiều kẽ hở dẫn đến tình trạng người dân nuôi thú lạ, thú hoang dã, không rõ nguồn gốc tràn lan”.

>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu

 

VÕ HƯƠNG – MAI HOA – MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên