13/03/2018 18:57 GMT+7

Choáng loài nhện lười săn mồi, chỉ rình xơi đồng loại

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Trong tự nhiên có nhiều loài khiến chính đồng loại của mình sợ hãi. Trong đó đứng đầu danh sách là nhện bồ nông.

Cách bắt mồi của nhện bồ nông - Video: Science News

Như tên gọi, loài này có cái cổ và mỏ dài giống hệt như bồ nông. Mỏ của chúng có thể chuyển động góc rộng đến 90 độ.

Nhện bồ nông thường có kích thước bằng hạt gạo trong khi loài lớn nhất cũng chỉ bằng đầu ngón tay út.

Con người phát hiện loài này lần đầu tiên vào năm 1854 dưới dạng mẫu vật được bảo quản trong khối hổ phách 50 triệu năm. Sau đó vài chục năm, các nhà khoa học mới chính thức phát hiện chúng sống tại Madagascar, Nam Phi và Úc.

Cả 3 châu lục này từng nằm cạnh nhau cách đây 175 triệu năm, do đó các nhà khoa học cho rằng chúng xuất hiện trước khi 3 châu lục tách ra.

Choáng loài nhện lười săn mồi, chỉ rình xơi đồng loại - Ảnh 2.

Cận cảnh nhện bồ nông sát thủ - Ảnh: Hannah Wood

Hannah Wood - chuyên gia về lớp nhện và động vật nhiều chân ở Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia Smithsonian (Mỹ) và nhà côn trùng học Nikolaj Scharff ở Đại học Copenhagen (Đan Mạch) là hai người có công tìm kiếm và nghiên cứu loài động vật thú vị này. 

Điểm đặc biệt của loài này là thay vì làm mạng nhện rồi rình bắt mồi, chúng lại lang thang trong rừng rậm vào ban đêm tìm đồng loại làm thức ăn.

Thông thường, các loài nhện khi di chuyển đều để lại những đường tơ để biết đường trở về chỗ cũ. Nhện bồ nông đã men theo đường tơ do những con nhện khác chăng ra để tìm hang ổ con mồi.

Khi phát hiện con mồi, nhện bồ nông giật mạng nhện giả như côn trùng mắc bẫy để dụ con nhện kia ra. Lúc này nhện bồ nông dùng mỏ kẹp chặt con mồi, cắn cho đến khi chúng chết hẳn mới nhả ra.

Nhờ chiếc mỏ và cổ dài, chúng có thể để con mồi ở phía xa nên không bị phản công hay dính độc.

Choáng loài nhện lười săn mồi, chỉ rình xơi đồng loại - Ảnh 3.

Nhện bồ nông dùng cái mỏ dài để kẹp con mồi - Ảnh: India Today

Tuy nhiên đối thủ của chúng lắm lúc cũng có răng độc và cũng có thể tấn công bất cứ lúc nào. Do đó loài nhện này đã tiến hóa theo hướng thông minh hơn, đồng thời đôi nanh của chúng cũng dài hơn và linh hoạt hơn.

Các nhà khoa học cho rằng bạn không thể dùng tay để bắt nhện vì chúng rất nhanh và khéo léo. Họ thường dùng máy hút mới có thể bắt được chúng.

Vì sao phải vào tận những khu rừng sâu ở Madagascar để tìm kiếm loài nhện này? Hai nhà khoa học cho rằng tìm hiểu những loài mới sẽ có thể nghiên cứu thêm nhiều thứ mới mà bạn không thể ngờ. 

Chẳng hạn như nộc độc của loài nhện bồ nông này, có thể trong tương lai sẽ được ứng dụng trong y học như một loại thuốc chữa bệnh.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên