Khách hàng tham quan một dự án mở bán trên địa bàn quận 9, TP.HCM - Ảnh: Đ.Dân |
Dự kiến sẽ có rất nhiều thay đổi trong quy định cho vay, đặc biệt là với cho vay bất động sản.
Nắn lại dòng vốn
Cụ thể tỉ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn được giảm mạnh, từ mức 60% xuống 40% đối với các Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng Hợp tác xã.
Đối với các các tổ chức tài chính phi ngân hàng tỉ lệ này giảm từ 200% xuống 80%.
Theo NHNN, việc giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhằm giảm tập trung cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực chủ yếu là cho vay trung dài hạn, đồng thời giảm rủi ro thanh khoản.
Số liệu thống kê cho thấy dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản liên tục có sự tăng trưởng trong thời gian qua.
Đến cuối tháng 9-2015 dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chiếm 8,05% tổng dư nợ tín dụng, tương ứng 358.377 tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2015 đạt 14,59%, cao hơn khoảng 2,5% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung 9 tháng đầu năm 2015.
Trong đó dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản tập trung lớn nhất vào phân khúc xây dựng, sửa chữa, mua nhà, xây dựng đô thị, chiếm trên 60%.
Tại hội nghị tổng kết ngành ngân hàng TP.HCM được tổ chức giữa tháng 1 qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh cảnh báo về thực trạng này.
Theo ông Thanh, tín dụng trung dài hạn tăng cao gây áp lực lên NH bởi vốn huy động phần lớn là vốn ngắn hạn. Đặc biệt trong năm 2015 một lượng vốn lớn đổ vào kênh bất động sản và các dự án BOT. Đây là điều rất rủi ro và trong năm 2016 Ngân hàng Nhà nước sẽ không để tình trạng này tiếp diễn.
Đáng chú ý, dự thảo còn nâng tỉ trọng rủi ro đối với các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản từ 150% lên 250%. Lý giải về thay đổi này, NHNN cho biết đây là động tác nhằm “phát đi tín hiệu” đối với thị trường và hệ thống ngân hàng nhằm kiểm soát rủi ro cho vay đối với lĩnh vực này.
Song song với siết tín dụng bất động sản, NHNN cũng quy định việc các ngân hàng cho vay và chiết khấu giấy tờ có giá để khách hàng ủy thác cho tổ chức, cá nhân đầu tư, kinh doanh cổ phiếu phải được tính vào các khoản cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động này.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu chưa niêm yết của doanh nghiệp. Theo NHNN, quy định này nhằm đảm bảo tính thị trường của trái phiếu và mức độ an toàn của khoản vay.
Ngăn sở hữu chéo
Bên cạnh các trường hợp nêu trong quy định cũ, NHNN cũng bổ sung thêm các trường hợp được tính là “người có liên quan” để tính giới hạn sở hữu là Công ty hoặc tổ chức tín dụng mà tổ chức đó sở hữu từ 5% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên, hoặc có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý, thành viên ban kiểm soát...
Trong khi đó Dự thảo Thông tư đã nâng giới hạn về tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ của Chi nhánh ngân hàng nước ngoài lên bằng với mức quy định của khối ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 35%.
Theo NHNN, quy định này nhằm tạo điều kiện cho một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quy mô đầu tư trái phiếu Chính phủ cao và thường xuyên vượt giới hạn có thể điều chỉnh và đáp ứng quy định của NHNN cũng như thúc đẩy thu hút vốn đầu tư trong, ngoài nước vào trái phiếu Chính phủ.
NHNN cũng xem xét nâng tỉ lệ cho vay so với tổng tiền gửi của các ngân hàng cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ (gồm Vietinbank, Vietcombank và BIDV) từ 80% lên 90%.
Theo NHNN, đây là những ngân hàng có vai trò là NHTM dẫn đầu và tạo lập thị trường và hiện 3 ngân hàng này được giao nhiệm vụ tham gia hỗ trợ quá trình tái cơ cấu của một số ngân hàng yếu kém, tham gia sáp nhập, hợp nhất một số ngân hàng.
Do đó việc xem xét nâng tỉ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của các ngân hàng này từ 80% lên 90% là cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận