Ngày 29-4, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
Cho vay bất động sản chiếm 34 - 35% tổng dư nợ
Hoạt động cho vay bất động sản được nhiều cổ đông quan tâm. Trả lời cổ đông, ông Ngô Chí Dũng, chủ tịch VPBank, cho rằng dù thị trường bất động sản thời gian qua gặp nhiều khó khăn, song cho vay bất động sản có nhiều tiềm năng.
Khi tài trợ vốn, VPBank chia theo các phân khúc và chú trọng rót vốn vào những lĩnh vực như nhà chung cư, nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu thực. Còn những lĩnh vực đầu cơ cao, VPBank không tài trợ vốn.
Bổ sung thêm thông tin, ông Nguyễn Đức Vinh, tổng giám đốc VPBank, đánh giá bất động sản là lĩnh vực cho vay quan trọng, mang lại lợi ích cho xã hội và cả ngân hàng nhưng cần quản lý chặt.
"Những yếu tố rủi ro thời gian qua là bài học cho các ngân hàng, trong đó việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho các dự án là rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc lựa chọn phân khúc có nhu cầu thật để tập trung vốn, tránh cho vay vào dự án có tính đầu cơ", ông Vinh cho hay.
Đối với VPBank, ông Vinh thông tin tỉ trọng cho vay bất động sản được chia ra làm các nhóm.
Cụ thể, nhóm doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, xây dựng chiếm 19% tổng dư nợ. Nhóm thứ 2 là cho vay người mua nhà là 16%.
Như vậy, tổng cộng nhóm cho vay đối với bất động sản của VPBank chiếm 34 - 35%.
Riêng với cho vay mua nhà, VPBank là một trong số ít ngân hàng cho vay lớn nhất đối với thị trường bất động sản. VPBank không cho vay dự án bất động sản cao cấp có tính đầu cơ cao.
"Cho vay mua nhà phục vụ nhu cầu ở thật vẫn là mảng quan trọng của VPBank trong năm nay. Khi cần phải xử lý thì nợ bất động sản có thể thu hồi cao nhất so với các lĩnh vực khác. Tỉ lệ thu hồi nợ gốc thường là 100%, còn nợ lãi là 50 - 70%. Tỉ lệ mất thật của cho vay bất động sản là rất thấp", tổng giám đốc VPBank thông tin.
Nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém
Ngoài nội dung trên, các cổ đông cũng quan tâm đến việc VPBank tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.
Liệu việc nhận chuyển gia ngân hàng yếu kém thì VPBank được gì, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng cho biết về mặt năng lực tài chính, năng lực quản trị, không phải ngân hàng nào cũng có thể tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng.
Hiện các ngân hàng 0 đồng đều bị lỗ lũy kế rất lớn và đang tiếp tục lỗ.
Xét ở góc độ tài chính đơn thuần thì hầu hết các ngân hàng không thiết tha gì với việc tham gia hỗ trợ ngân hàng 0 đồng.
Tuy nhiên, trường hợp của VPBank hơi đặc biệt. Do có sự tham gia của cổ đông chiến lược là SMBC (ngân hàng Nhật Bản), VPBank có nền tảng vốn lớn. Hơn nữa, trong chiến lược của VPBank thì tăng trưởng quy mô rất quan trọng.
Vì vậy, việc VPBank tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém sẽ không có lợi ngay về mặt tài chính, nhưng sẽ có lợi ích là được ưu tiên tăng trưởng tín dụng cao hơn mức trung bình của ngành.
Đồng thời, VPBank cũng sẽ được ưu tiên nới tỉ lệ vốn nhà đầu nước ngoài trên 30%. Như vậy, VPBank sẽ có điều kiện nâng quy mô vốn lên…
Báo cáo cổ đông về việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém, ông Bùi Hải Quân, phó chủ tịch hội đồng quản trị VPBank, cho biết sẽ tiếp nhận chuyển giao ngân hàng có quy mô không quá 5% so với VPBank, vốn điều lệ không quá 5.000 tỉ đồng.
Tổ chức tín dụng này sẽ hoạt động dưới dạng ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do VPBank sở hữu là pháp nhân độc lập.
Hội đồng quản trị sẽ thực hiện mọi công việc cần thiết để chuẩn bị triển khai hoàn thất quá tình nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém này.
VPBank thông qua hàng loạt các chỉ tiêu quan trọng như lợi nhuận trước thuế đặt mục tiêu tăng trưởng là 23.165 tỉ đồng. Tín dụng tăng 25%, huy động vốn tăng 22%. Như kết thúc quý 1, tổng giám đốc VPBank cho biết lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 4.200 tỉ đồng,
Về chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2023, tỉ lệ được thông qua là 10%. Theo ông Dũng, mức chia 10% trên tổng vốn điều lệ rất lớn của VPBank hiện nay là một con số rất cao. Nếu với định hướng là dùng 30% lợi nhuận sau thuế để lại thì năm nay khoảng 3.000 tỉ đồng nhưng với nền tảng vốn tích luỹ được thì ngân hàng tự tin chia với với 7.900 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận