04/06/2023 08:54 GMT+7

Chờ tháo điểm nghẽn giao thông

Cơ chế đặc thù đang mở ra cơ hội mới giúp TP.HCM sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông nhanh hơn. Và người dân trong diện giải tỏa sẽ sớm an cư, thay vì mỏi mòn chờ quy hoạch treo.

Quốc lộ 13, đoạn qua TP Thủ Đức (TP.HCM) quá chật hẹp nhưng hàng chục năm qua chưa thể mở rộng được - Ảnh: Q.ĐỊNH

Quốc lộ 13, đoạn qua TP Thủ Đức (TP.HCM) quá chật hẹp nhưng hàng chục năm qua chưa thể mở rộng được - Ảnh: Q.ĐỊNH

Phóng viên Tuổi Trẻ trở lại những điểm nghẽn hạ tầng để lắng nghe niềm mong mỏi của người dân về những cây cầu, những công trình hy vọng sẽ sớm được hình thành.

Thiếu tiền, dự án cầu đường nằm trên giấy

Bao giờ hết cảnh qua sông phải lụy phà? Câu hỏi và cũng là niềm mong mỏi bao năm của người dân đôi bờ huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ.

"Ngày trước, nghe nói cầu xây theo hình cây đước (đặc trưng của khu vực) ai cũng ngóng chờ nhưng mãi vẫn chưa thấy triển khai. Có cầu Cần Giờ mới thay da đổi thịt được" - ông Trần Thân Tâm, nhà ở ấp Bình Phước, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, chia sẻ.

13 năm trước, dự án cầu đường Bình Tiên - nối trung tâm về huyện Bình Chánh - được TP phê duyệt đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

Con đường nối trung tâm ra khu Nam này khi hình thành sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc, tăng cường liên kết vùng giữa TP với các tỉnh ĐBSCL qua tuyến quốc lộ 50, đường Nguyễn Văn Linh, quốc lộ 1, cao tốc Bến Lức - Long Thành, vành đai 3 TP.HCM. Nhưng khi Luật PPP ra đời đã bỏ hình thức BT, TP cũng tạm dừng dự án này.

Tại buổi giám sát về đầu tư công mới đây, ông Cao Thanh Bình, trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND TP, nói dự án cầu đường Bình Tiên đã trải qua nhiều nhiệm kỳ nhưng đến nay vẫn chưa xong.

Đây là công trình chiến lược của TP, mức độ quan trọng không thua kém gì dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm. TP cần nghiên cứu nguồn vốn để triển khai hoàn thành dự án này càng sớm càng tốt.

TP.HCM đang có rất nhiều dự án giao thông nằm trong quy hoạch nhưng cả thập niên chưa thể thực hiện. Khi cơ chế mới được thông qua, TP hoàn toàn có thể huy động được các nhà đầu tư làm các công trình mà vốn đầu tư công chưa thể cân đối. Chẳng hạn với dự án BT bằng tiền (trả chậm) sẽ giúp TP làm được Nguyễn Khoái, các đường vào cảng, nút giao quan trọng hay mở rộng đoạn đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khoảng 1.123,9 tỉ đồng...

Để mở rộng đoạn đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cần ngân sách TP chi khoảng 1.123,9 tỉ đồng để triển khai. Đây là dự án cấp bách, trường hợp ngân sách chưa thể cân đối, TP có thể tính đến phương án thực hiện theo hình thức BT trả chậm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Để mở rộng đoạn đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cần ngân sách TP chi khoảng 1.123,9 tỉ đồng để triển khai. Đây là dự án cấp bách, trường hợp ngân sách chưa thể cân đối, TP có thể tính đến phương án thực hiện theo hình thức BT trả chậm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đối với dự án hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), TP được triển khai đường trục chính, đường trên cao trên đường hiện hữu.

Các dự án có thể xem xét triển khai theo hình thức này như dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn An Lạc - giáp ranh Long An, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22. Hay dự án mở rộng quốc lộ 13, đường động lực (đường song song quốc lộ 50), đầu tư hoàn chỉnh vành đai 2 và đầu tư đường trên cao...

Hy vọng giao thông TP.HCM "lột xác"

Ông Lương Minh Phúc, giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, nói rằng TP luôn phải đối mặt với việc thiếu vốn.

Ngay trong đề án quy hoạch mạng lưới phát triển hạ tầng kết cấu giao thông đến năm 2030 thống kê rất rõ đến năm 2030 tổng vốn từ ngân sách trung ương, các khoản vay ODA tối đa chỉ đáp ứng được khoảng 50%. 50% vốn còn lại phải trông chờ vào nguồn lực xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, muốn thu hút được nhà đầu tư, chúng ta cần phải có các cơ chế đột phá. TP rất kỳ vọng vào những nội dung thay thế nghị quyết 54.

Đây sẽ là đòn bẩy giúp tháo được nút thắt để huy động được nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông thông qua các phương thức như là TOD, BOT, BT.

"Chúng tôi gửi gắm rất nhiều vào nghị quyết này và cái vui nữa chính chúng tôi được trực tiếp tham gia. 

TP đã chỉ đạo các sở ngành, quận huyện chuẩn bị kế hoạch triển khai những gì liên quan đến mình. Ai cũng hiểu đây là một cơ hội quý giá cho TP để bứt phá hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế - xã hội", ông Phúc nói.

Ông Phúc cho biết TP hiện đã chuẩn bị và khi cơ chế được thông qua sẽ sớm mời gọi đầu tư, sớm triển khai các dự án. Danh mục này có khoảng 20 dự án, như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu đường Nguyễn Khoái, cầu đường Bình Tiên...

Ông Phúc phân tích thêm như cầu đường Bình Tiên nếu như làm xong sẽ nối kết thẳng qua quốc lộ 50, tạo ra sự liên thông của trục Bắc - Nam từ trung tâm TP đi về tới điểm giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành và vành đai 3 TP.HCM. Tương tự vậy với cầu đường Nguyễn Khoái cũng sẽ giải tỏa giao thông cho khu Nam TP rất tốt, xóa được các điểm nghẽn giao thông hiện hữu.

Thúc tiến độ giải ngân vốn bồi thường

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa chỉ đạo TP Thủ Đức, các quận huyện về lãnh đạo công tác giải ngân các dự án được giao vốn bồi thường năm 2022 và 2023. Kết quả giải ngân năm 2022, 7.827 tỉ đồng đã đến tay người dân hơn (đạt 65,54%).

Năm 2023, TP có 136 dự án được ghi vốn bồi thường với hơn 20.629 tỉ đồng. Trong đó, điểm sáng vẫn là công tác bồi thường tái định cư dự án vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn TP có kết quả đáng khích lệ.

Chủ tịch UBND TP đề nghị các địa phương liên quan tăng cường công tác đối thoại, tuyên truyền vận động để nhận được sự đồng thuận từ người dân, doanh nghiệp nơi có dự án đi qua, bồi thưòng, hỗ trợ, tái định cư nhanh chóng.

Vượt khó với dự án BT trả bằng tiền

Những ngày qua, các đại biểu Quốc hội đã góp ý các cơ chế chính sách đặc thù, trong đó có cơ chế cho phát triển giao thông TP.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) bày tỏ đồng tình và cho biết rất mong TP.HCM sớm thực hiện được việc này. Các dự án BT trước đây thanh toán bằng đất, không ngang giá, nguyên nhân của tiêu cực.

Còn dự án BT trả bằng tiền sẽ là cơ chế hoàn toàn đúng với điều kiện phát triển hiện nay. Nếu làm tốt, ta sẽ tiến dần đến cơ chế đặt hàng của Chính phủ cho các nhà đầu tư, thu hút họ vào các công trình công, dự án công, thậm chí tạo ra được nhiều ngành nghề mà xã hội hướng đến.

Ông Cường nói, lấy ví dụ tại Hàn Quốc, Tập đoàn Hyundai trở nên hùng mạnh như vậy chính là nhờ cơ chế BT bằng tiền của Chính phủ và thời kỳ kinh tế Hàn Quốc đang khủng hoảng. Đây sẽ là cơ chế rất tốt giúp ta triển khai đầu tư công nhanh hơn. Cơ chế này không chỉ thí điểm ở TP.HCM mà có thể áp dụng trên cả nước.

Giao thông không khói: Cần thêm những giải pháp đồng bộGiao thông không khói: Cần thêm những giải pháp đồng bộ

Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng hơn ở TP.HCM. Phát triển giao thông không khói cần làm đồng bộ và đi kèm với các giải pháp khác.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên