Số lượng các chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động hiện khá lớn - Ảnh: N.TRÍ
Theo văn bản này, tính đến ngày 12-7, có 171 trên tổng số 234 chợ truyền thống tại TP.HCM tạm ngưng hoạt động, vì thế Sở Công thương đề nghị các địa phương đánh giá lại việc thực hiện các phương án phòng, chống dịch COVID-19 của các chợ truyền thống; rà soát các tiêu chí chưa đạt để khắc phục, nhanh chóng khôi phục đưa vào hoạt động trở lại.
Sở Công thương đề nghị UBND TP Thủ Đức và quận, huyện chỉ đạo đơn vị quản lý các chợ hiện đang tạm dừng hoạt động lựa chọn vị trí, tổ chức các điểm bán phù hợp tại khu vực chợ và đảm bảo quy định phòng chống dịch nhằm bổ sung các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu, giảm tải lượng khách đến hệ thống siêu thị.
Sở đề nghị rà soát, thí điểm lựa chọn một số tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau, củ, quả, khoảng từ 2-10 tiểu thương, trường hợp có nhiều tiểu thương có nhu cầu thì bố trí kinh doanh luân phiên, hướng dẫn chuẩn bị nguồn hàng, phân chia sẵn, đóng gói sẵn theo quy cách đồng giá để thuận tiện, nhanh chóng trong mua bán.
Bên cạnh đó, sở này yêu cầu thực hiện thẻ ra vào chợ để kiểm soát số lượng, phân bố số người đến theo khung giờ, theo dõi, đánh giá việc triển khai thí điểm tổ chức kinh doanh mặt hàng rau, củ, quả và triển khai mở rộng đối với các mặt hàng tươi sống khác.
Thông qua khu phố, tổ dân phố để thông tin chi tiết về việc tổ chức các điểm bán đến người dân sinh sống trên địa bàn.
Thời gian qua, một số mặt hàng thực phẩm, chủ yếu là rau, củ, quả có xu hướng tăng giá mạnh, đặc biệt tại các chợ truyền thống còn hoạt động, cửa hàng.
Ngoài hạn chế về số điểm bán, nhiều thương nhân cho rằng giá củ, quả tăng do việc vận chuyển gặp khó, giá thành vận chuyển tăng, tỉ lệ hao hụt nhiều.
Bên cạnh giải pháp "cởi trói" thêm cho chợ truyền thống, Sở Công thương cho biết hiện đang đẩy mạnh mô hình bán hàng lưu động, hàng đồng giá để hỗ trợ người dân mua sắm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận