21/04/2018 21:07 GMT+7

Cho chủ liền kề đấu giá mua đất 'đầu thừa đuôi thẹo' bên cạnh

X.LONG - N.HÀ - T.LONG
X.LONG - N.HÀ - T.LONG

TTO - Dự kiến TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm giao đất, cho thuê đất đối với các phần đất nhỏ hẹp cho các chủ sử dụng liền kề.

Cho chủ liền kề đấu giá mua đất đầu thừa đuôi thẹo bên cạnh - Ảnh 1.

Một mảnh đất nhỏ trên đường Phan Chu Trinh, P.12, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đang bỏ trống - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dự thảo lần 1 quyết định của Thủ tướng về vấn đề này do Bộ Tài nguyên - môi trường soạn thảo, đang được lấy ý kiến các bộ, ngành và UBND TP.HCM.

Hi vọng sẽ tháo gỡ được thực tế quỹ đất công có diện tích nhỏ hẹp để hoang hóa, lãng phí, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng đất liền kề, góp phần chỉnh trang diện mạo đô thị

Bà Hoàng Thị Vân Anh

Nhiều rẻo đất hẹp bị bỏ trống

Tại TP.HCM có nhiều rẻo đất "đầu thừa đuôi thẹo" nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép xây dựng, hoặc diện tích lớn nhưng hình thù không phù hợp xây nhà ở.

Hầu hết những rẻo đất này là phần đất dôi dư của các hộ dân bị giải tỏa trong lộ giới đường. Sau khi giải tỏa, Nhà nước đền bù giải tỏa trắng luôn phần diện tích đất còn dư thừa này, nhưng không có cơ chế xử lý các rẻo đất này nên hiện nhiều rẻo đất còn để trống.

Trên đường Phan Chu Trinh (P.12, Q.Bình Thạnh) sau khi mở rộng đường, có 3 mảnh đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu để cấp phép xây dựng nhà ở (36m2 - PV). Trong đó, ngay mặt tiền đường Phan Chu Trinh (khu vực gần Học viện Cán bộ) có một mảnh đất chỉ khoảng 25m2

Đây là phần đất còn lại của bốn hộ dân bị giải tỏa để mở rộng đường. Ông H., một người dân trong khu vực, cho biết đường Phan Chu Trinh được mở rộng 6 năm nay, nhưng mảnh đất còn dư sau giải tỏa nhà dân vẫn để trống. 

Một số hộ dân gần mảnh đất này tận dụng để bán cơm, bán nước mía. "Nếu bán giá hợp lý thì nhà bên cạnh có thể mua lại để mở rộng diện tích nhà, chứ bỏ hoang phí lắm" - ông H. nói.

Cách mảnh đất nói trên khoảng 500m có một rẻo đất rộng khoảng 5m2. Ông N.T., người thuê khu đất bên cạnh rẻo đất nhỏ này kinh doanh quán ăn, cho biết từ khi làm đường xong rẻo đất này để trống. 

Một số người dân thấy đất "vô chủ" nên đổ rác nhếch nhác. Khi thuê đất mở quán bên cạnh, để người dân không đổ rác ảnh hưởng đến việc làm ăn, ông N.T. đổ ximăng tráng nền rẻo đất bỏ trống và mua cây đặt vào cho mọi người nghĩ đất đã có chủ.

Theo thống kê của UBND Q.12, trên địa bàn quận có 116 mảnh đất nhỏ thu hồi từ nhiều dự án. Các mảnh đất này tập trung tại các phường: Tân Hưng Thuận, Đông Hưng Thuận, Tân Chánh Hiệp... 

Trong đó có 59 mảnh đất quy hoạch dân cư và 57 mảnh đất quy hoạch cây xanh, lộ giới đường. Hiện nay những mảnh đất quy hoạch cây xanh, lộ giới đường đang để trống. 

Còn trong số 59 mảnh đất quy hoạch dân cư, quận đã giải quyết giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với 27 mảnh đất, thu về cho ngân sách gần 7 tỉ đồng. 32 mảnh đất còn lại, quận đã giao các phường thông báo đến các hộ dân có nhu cầu mua những mảnh đất này để hợp khối nhà.

Tương tự, trên địa bàn Q.Bình Tân hiện có 174 mảnh đất dôi dư trong 11 dự án.

Đa số các mảnh đất này chỉ rộng từ 4m² đến 15m². UBND quận đề xuất có thể sử dụng để làm nhà vệ sinh công cộng, đặt trụ ATM, xây dựng văn phòng khu phố hoặc xem xét giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất đối với hộ dân liền kề nếu phù hợp quy hoạch đất ở.

Đại diện UBND Q.Bình Thạnh cũng cho biết quận này có rất nhiều rẻo đất nhỏ, diện tích từ 10 - 20m2, còn lại sau khi mở các tuyến đường. Ngoài ra, còn có những phần đất công diện tích nhỏ, nằm phía sau nhà người dân và không có đường giao thông tiếp cận.

Trường hợp nào giao đất không qua đấu giá?

Trước thực tế nói trên, UBND TP.HCM đã gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép thí điểm giao, cho thuê những diện tích đất nhỏ hẹp cho các chủ sử dụng liền kề.

Bà Hoàng Thị Vân Anh, vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế (Tổng cục Quản lý đất đai), cho biết dự thảo nói trên đề xuất hình thức giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất cho chủ sử dụng đất liền kề đối với các trường hợp: 

- Khu đất, thửa đất tiếp giáp với đất của một người sử dụng đất.

- Khu đất, thửa đất tiếp giáp với từ hai thửa đất và do từ hai người sử dụng trở lên, nhưng chỉ có một người sử dụng đất có nhu cầu hoặc tất cả những người sử dụng đất liền kề đều có nhu cầu, nhưng tự thỏa thuận được việc phân chia diện tích đất để đề nghị Nhà nước giao, cho thuê. 

Ngược lại, sẽ giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp các chủ sử dụng đất liền kề không tự thỏa thuận được về sự phân chia diện tích đất nhỏ hẹp đó để đề nghị Nhà nước giao, cho thuê.

Về nghĩa vụ tài chính, theo quy định của Luật đất đai, việc giao, cho thuê đất ở thời điểm nào thì tính theo giá thị trường tại thời điểm đó.

Về thời hạn giao đất, trường hợp đất ở, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì được giao ổn định lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng liền kề. 

Sau khi được giao đất, chủ sử dụng được tạo điều kiện để hợp khối thành một thửa đất rộng, vuông vắn hơn và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trường hợp không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, nhưng Nhà nước chưa thực hiện quy hoạch thì cho thuê ngắn hạn hằng năm.

Theo bà Vân Anh, dự kiến sẽ trình dự thảo quyết định nói trên cho Thủ tướng vào tháng 7-2018.

Dân khổ vì quy hoạch đất hỗn hợp và dân cư xây dựng mới Dân khổ vì quy hoạch đất hỗn hợp và dân cư xây dựng mới

TTO - Trong luật không hề quy định hai loại đất này, nhưng thực tế hơn một nửa diện tích đất ở TP.HCM được đưa vào diện đất hỗn hợp và dân cư xây dựng mới. Dân chỉ được cấp phép xây dựng tạm, không chuyển nhượng được tài sản…

X.LONG - N.HÀ - T.LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên