22/01/2024 09:08 GMT+7

Chờ cầu Ba Son lung linh, rực rỡ

LÊ PHAN
và 1 tác giả khác

'Khi giơ máy lên chụp hình cho con, thấy cầu Ba Son phía sau là một mảng tối, tôi hụt hẫng. Một năm thông xe, đến nay cây cầu này vẫn chưa có đèn chiếu sáng mỹ thuật ban đêm'.

Cầu Ba Son vào buổi tối - Ảnh: THANH HIỆP

Cầu Ba Son vào buổi tối - Ảnh: THANH HIỆP

Thời gian qua, đôi bờ sông Sài Gòn qua trung tâm TP.HCM đã được đầu tư cải tạo. Phía bến Bạch Đằng chỉn chu tươm tất với view bên phố bên sông đáng 'đồng tiền bát gạo'. Bên TP Thủ Đức cũng sáng rực với hàng ngàn bông hướng dương.

Và giờ đây người dân rất mong mỏi cầu Ba Son rực sáng để khu vực càng lung linh hơn.

Cầu Ba Son lặng lẽ trong đêm

Những ngày giáp Tết, đường phố TP.HCM rộn ràng hơn khi muôn hoa khoe sắc, đèn điện được trang trí khắp nơi. Khu trung tâm TP càng rực rỡ hơn để chào đón du khách, người dân đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm.

Đặc biệt khu vực đôi bờ sông Sài Gòn phía quận 1 và TP Thủ Đức mỗi ngày thu hút hàng ngàn người đến tản bộ, chụp ảnh "check-in". Với tầm nhìn thoáng đãng, bến Bạch Đằng sau khi cải tạo thành một điểm đến đặc biệt. Không thua kém, bờ sông Thủ Thiêm cũng được tô điểm bởi hàng ngàn bông hoa hướng dương cùng nhiều điểm check-in thú vị.

Nối hai địa điểm này là cầu Ba Son, được xem là một trong những công trình mang tính biểu tượng mới của TP. Tuy nhiên về đêm khi đôi bờ rực sáng thì cầu Ba Son bắc qua sông Sài Gòn thơ mộng vẫn lặng lẽ trong đêm tối, chưa xứng tầm với công trình được cho là tính biểu tượng mới. Đối với nhiều người dân, điều này thật đáng tiếc.

Sống và làm việc tại TP.HCM hơn 15 năm qua, anh Quang Ngọc, ngụ quận 3, chia sẻ anh đã chứng kiến sự phát triển, chuyển mình vươn lên của TP, đặc biệt trong mặt hạ tầng giao thông. Anh thường kể các con nghe về các di tích văn hóa hay chỉ các con thấy công trình, dự án lớn mang tính biểu trưng mỗi khi đi ngang.

Chủ nhật vừa rồi anh đưa cả nhà đến bến Bạch Đằng vui chơi, cho các con trải nghiệm xe buýt đường thủy. Những mảng cỏ xanh, du thuyền nhộn nhịp cùng ánh sáng lung linh của đèn nghệ thuật, của các tòa cao tầng khiến khu vực từ bến Nhà Rồng kéo qua cầu Ba Son về đêm quá đẹp.

Ở các tỉnh thành khác, ngoài việc xây dựng công trình cầu đường quy mô lớn, địa phương còn đầu tư hệ thống đèn, chiếu sáng mỹ thuật giúp lan tỏa, quảng bá hình ảnh. Có thể thấy như cầu Rồng (TP Đà Nẵng), cầu Trường Tiền (TP Huế)... Thậm chí với cây cầu Nhật Tân, người dân Hà Nội ví nó như một "bữa tiệc ánh sáng" giữa lòng thủ đô khi về đêm.

Vậy còn TP.HCM, cầu Ba Son phải đợi đến khi nào?

Cầu Ba Son về đêm - Ảnh: CHÂU TUẤN

Cầu Ba Son về đêm - Ảnh: CHÂU TUẤN

Điều khiến tôi thoáng chút hụt hẫng là khi giơ máy lên chụp hình cho con, thấy cầu Ba Son phía sau là một mảng tối, lu mờ so với các ánh đèn xung quanh. Bảy năm xây dựng, một năm thông xe, đến nay cây cầu này vẫn chưa có đèn chiếu sáng mỹ thuật ban đêm.
Anh QUANG NGỌC (người dân TP.HCM)

Chiếu sáng mỹ thuật cầu Ba Son rất cần thiết

Trao đổi về vấn đề này, kiến trúc sư Huỳnh Xuân Thụ nhận định việc chiếu sáng mỹ thuật cho cầu Ba Son là hết sức cần thiết. Ông Thụ phân tích trước đây chúng ta mong cây cầu hoàn thiện để có một lối đi lại mới nối đôi bờ sông Sài Gòn khu vực trung tâm.

Khi cây cầu hoàn thành đã dần trở thành một biểu tượng mới của TP.HCM. Cùng với đó, đôi bờ sông cũng được đầu tư cải tạo tươm tất. Vậy mà giờ đây cầu vẫn chưa được chiếu sáng nghệ thuật là điều rất tiếc. 

Ông Thụ cho rằng khi cầu được thiết kế chiếu sáng nghệ thuật sẽ tạo ra một chuỗi cảnh quan rất đẹp về đêm kéo dài từ chợ Bến Thành đến UBND TP, phố đi bộ Nguyễn Huệ tới khu Thủ Thiêm thì rất tuyệt vời.

Cần nhắc lại "lịch sử" về cây cầu này. Cầu Ba Son được khởi công từ tháng 2-2015 với quy mô xây dựng dài 1.465m, sáu làn xe. Phần cầu dài 885m được thiết kế là cầu dây văng với trụ tháp chính có hình dáng kiểu kiến trúc cầu rồng, cao 113m, nghiêng về phía Thủ Thiêm. 

Cầu có tổng vốn đầu tư 3.082 tỉ đồng, thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

Cầu Nhật Tân (Hà Nội) lên đèn vào buổi tối - Ảnh: MINH QUÂN

Cầu Nhật Tân (Hà Nội) lên đèn vào buổi tối - Ảnh: MINH QUÂN

Ngày 28-4-2022 cầu được khánh thành đưa vào sử dụng. Cầu ban đầu mang tên Thủ Thiêm 2, sau đó được đổi tên thành Ba Son vào ngày 14-6-2023.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hạng mục chiếu sáng ban đầu cầu Ba Son chỉ có hạng mục chiếu sáng công cộng phục vụ giao thông. Sau đó nhà đầu tư đề xuất phát triển thêm hạng mục chiếu sáng mỹ thuật nhằm làm tăng tính mỹ quan trong tổng thể các công trình hạ tầng kỹ thuật dọc bờ sông Sài Gòn cũng như tăng tính biểu tượng cho cầu Ba Son.

Liên quan đến dự án chiếu sáng mỹ thuật cầu Ba Son, UBND TP đã tổ chức nhiều cuộc họp với các sở ngành, nhà đầu tư để triển khai. Tuy nhiên do hạng mục phát sinh, quá trình triển khai cần thời gian và trải qua quy trình điều chỉnh thủ tục đầu tư, hình thức đầu tư, nguồn vốn... 

Sở Giao thông vận tải cũng đã kiến nghị UBND TP giao Sở Tài chính phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan rà soát pháp lý, tham mưu, đồng thời giao Sở Xây dựng nghiên cứu, đề xuất chủ trương đầu tư hạng mục chiếu sáng mỹ thuật theo hình thức đầu tư công. 

Tiếc rằng cho đến nay hạng mục đầu tư hệ thống chiếu sáng mỹ thuật cho cầu Ba Son vẫn chưa xác định được thời gian triển khai và hoàn thành cụ thể.

Sẽ sơn chống dính cho cầu Ba Son, khi bị vẽ bậy chỉ cần lau quaSẽ sơn chống dính cho cầu Ba Son, khi bị vẽ bậy chỉ cần lau qua

Các cây cầu, những công trình biểu tượng ở TP.HCM (như cầu Ba Son) liên tục bị xịt sơn, vẽ bậy. Để khắc phục rất tốn kém và mất thời gian. Do đó, cần có biện pháp căn cơ hơn, như lắp camera, sơn chống dính…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên